Ngay cả khi đa số các nhà khoa học đã đồng thuận với nhau trong một vấn đề cụ thể nào đó thì hãy còn những bộ phận công chúng chưa bị thuyết phục. Điều này được gọi là “khoảng trống đồng thuận” (consensus gap). Thật không may là khá nhiều khoảng trống “nghiêm trọng” nhất hiện nay lại liên quan đến phạm trù bền vững.

George Bernard Shaw từng nhận định: “Không có thay đổi, sẽ không có tiến bộ, và những ai không chịu thay đổi tư duy sẽ không thể thay đổi bất cứ thứ gì.” Ảnh: Wikimedia
George Bernard Shaw từng nhận định: “Không có thay đổi, sẽ không có tiến bộ, và những ai không chịu thay đổi tư duy sẽ không thể thay đổi bất cứ thứ gì.” Ảnh: Wikimedia

Ví dụ, nhân loại từ lâu đã ý thức được tính nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng cho đến 10 năm trước, chỉ khoảng một nửa dân Mỹ tin chính các hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, và gần một phần ba còn hoài nghi nhận định đó. Tương tự, trong khi hầu hết giới khoa học và chuyên gia dinh dưỡng thừa nhận tính an toàn của thực phẩm biến đổi gene (GMO) – thành tựu hứa hẹn sẽ giúp nuôi sống hàng tỷ người trên khắp thế giới và giảm thiểu ô nhiễm, nhưng vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân ở các nước cho rằng GMO nguy hại đối với cả người sử dụng lẫn môi trường. Hay mặc dù nhiều chuyên gia, bao gồm cả Ủy ban Liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (United Nations Intergovernmental Panel), kỳ vọng điện hạt nhân sẽ đóng góp vai trò quan trọng đối với sứ mệnh cắt giảm lượng khí thải nhà kính (CO2) toàn cầu, song những lập luận phản đối lại cho dạng năng lượng này là nguy hiểm, và thậm chí gây ô nhiễm.

Đó thực sự là điều đáng lo ngại, không phải chỉ vì chúng sẽ khuyến khích các hành vi gây tốn kém (về mặt cơ hội) cho toàn xã hội, mà còn ảnh hưởng lên quá trình hoạch định chính sách do dư luận. Nước Đức đã cắt giảm gần một nửa sản lượng điện hạt nhân trước sức ép sau thảm họa Fukushima Daiichi (năm 2011) ở Nhật. Nhưng quyết định đó lại gián tiếp dẫn đến cái chết của hàng ngàn người vì ô nhiễm không khí bởi các nhà máy nhiệt điện than.

Trong nhiều trường hợp, tất nhiên mọi người sẽ vui vẻ chấp nhận một đồng thuận khoa học nếu nhận thức được về nó. Chẳng hạn, ít ai tranh cãi rằng công thức của nước có phải là H2O, hoặc ánh sáng bao gồm các photon hay không. Để hiểu tại sao lại tồn tại những khoảng trống đồng thuận trong một số lĩnh vực, và làm thế nào để lấp đầy chúng, có lẽ chúng ta nên tiếp cận từ khía cạnh tâm lý giao tiếp, hoặc đi sâu vào cách mà con người quyết định nên tin ai và tin cái gì.

Cuốn sách lý giải cơ chế con người quyết định nên tin ai và tin cái gì (Tác giả Hugo Mercier là nhà nghiên cứu tại Institut Jean Nicod, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), tác giả cuốn Not Born Yesterday: The Science of Who We Trust and What We Believe). Ảnh: Amazon.
Cuốn sách lý giải cơ chế con người quyết định nên tin ai và tin cái gì (Tác giả Hugo Mercier là nhà nghiên cứu tại Institut Jean Nicod, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), tác giả cuốn Not Born Yesterday: The Science of Who We Trust and What We Believe). Ảnh: Amazon.

Khi đón nhận một thông điệp, chúng ta thường hay đối chiếu nội dung của nó với những quan điểm đã có từ trước. Nếu tồn tại mâu thuẫn, khả năng cao là thông điệp sẽ bị từ chối. Đối với các thông tin khoa học, phần lớn chúng ta đều khó có thể dựa vào kinh nghiệm cá nhân, song vẫn còn trực giác. Nhưng không may là hầu hết các lý thuyết khoa học đều mang tính phản trực giác (counter-intuitive). Lấy ví dụ, đã có thời con người, bằng trực giác tin rằng Mặt trời quay quanh Trái đất, và Trái đất là một mặt phẳng. Tương tự là sự khăng khăng rằng con người nhỏ bé chẳng thể nào gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu của hành tinh, cùng những phản ứng tiêu cực theo bản năng đối với loại thực phẩm đã được chỉnh sửa thuộc tính theo cách “phi tự nhiên” (ít nhất là do họ gọi), hay nỗi sợ về mối liên hệ giữa năng lượng hạt nhân với vũ khí hủy diệt.

Vì thế, không quá ngạc nhiên khi rất nhiều phát kiến khoa học nhẽ ra cần được phổ biến vẫn chỉ lan tỏa rất chậm trong đại chúng. Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi các nhóm lợi ích cố khai thác yếu tố phản trực giác trong tiếp nhận thông tin để thúc đẩy những chiến dịch phản đối trên quy mô lớn. Nhưng hành vi từ chối những thông điệp không theo trực giác thực chất chỉ là phản ứng lúc ban đầu của chúng ta, nó hoàn toàn có thể được điều chỉnh và thay đổi trong điều kiện phù hợp. Mặc dù con người thường chú ý đến nhiều các chỉ dấu trong việc ra quyết định, nhưng may thay họ vẫn có xu hướng tin tưởng vào giới khoa học, để rồi cuối cùng tự điều chỉnh nhận thức của mình theo hướng đồng thuận.

Tuy nhiên, vấn đề cũng không đơn giản chỉ dừng lại ở việc chấp nhận đồng thuận? Tại sao nhiều đại diện của đám đông lại tin họ đúng về một vấn đề khoa học nào đó hơn hàng ngàn chuyên gia đã giành cả đời nghiên cứu về nó? Than ôi, loài người chúng ta thường có xu hướng cho rằng mình hiểu mọi thứ hơn kẻ khác. Không ít người nghĩ họ biết rõ cơ chế hoạt động của van xả bồn cầu, và chỉ thực sự nhận ra hạn chế của mình khi được yêu cầu giảng giải. Nhưng ngay cả khi chỉ một số ít người dám tuyên bố mình nằm rõ cấu tạo và các chức năng của lò phản ứng hạt nhân, hay quy trình để tạo ra thực phẩm biến đổi gene, thì chúng ta vẫn rất dễ sa vào cạm bẫy đề cao hiểu biết của mình một cách quá đáng để tự thu hẹp khoảng cách về mặt tri thức với các nhà khoa học. Nhưng nếu tất cả mọi người đều được dạy về cơ chế hay nền tảng của biến đổi khí hậu, hạt nhân, chỉnh sửa gene, … thì chắc chắn sự tôn trọng của họ dành cho các đồng thuận khoa học sẽ được cải thiện rất nhiều.

Những tranh luận trong bầu không khí tự do và tôn trọng lẫn nhau chính là cách tốt nhất giúp mọi người thay đổi suy nghĩ. Khi ai đó phản đối GMO nghe về nhận định của các nhà khoa học, rằng nó hoàn toàn không nguy hại như anh ta nghĩ, có thể anh ta sẽ tự tìm cách kiểm chứng độ tin cậy của thông tin đó, chẳng hạn đọc thêm nhiều nghiên cứu về chủ đề này, hoặc điều tra xem liệu có yếu tố lợi ích hay mâu thuẫn đằng sau những phát ngôn, … Một khi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, rất khó để họ thay đổi định kiến. Năm 2018, tại một sự kiện “ngày hội khoa học” ở Pháp, hai nhà nghiên cứu Sacha Altay và Camille Lakhlifi đã cố gắng thuyết phục một nhóm nhỏ để thay đổi nhận thức của họ về thực phẩm biến đổi gene. Sau các tranh luận kéo dài hơn nửa giờ, họ đã thành công khi làm sáng tỏ nhiều khúc mắc và khiến người tham gia chuyển từ phản đối sang ủng hộ GMO.

Có thể thấy, một đồng thuận khoa học (scientific consensus) mới hình thành thường sẽ không ngay lập tức được công chúng tự động chấp nhận. Điều này không có nghĩa họ bảo thủ hay ương ngạnh, mà là họ cần lý do chính đáng để thay đổi suy nghĩ. Các nhà khoa học, giáo dục và nhân vật của công chúng cần có trách nhiệm truyền đạt những thông điệp trong sự khách quan, hiểu biết, và đặc biệt hãy kiên nhẫn để giúp người tiếp nhận xóa bỏ sự mơ hồ còn tồn đọng. Chúng ta sẽ không thể vượt lên trên định kiến nếu thiếu vắng những diễn ngôn mang tính thuyết phục.