Liên minh châu Âu vừa phê duyệt gần 440 triệu euro (hơn 10.811 tỷ đồng) cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để hoàn thành giai đoạn hai của sứ mệnh ExoMars.

TGO, Schiaparelli và robot tự hành ExoMars. Ảnh: ESA

Theo kế hoạch, ExoMars - tên của robot tự hành - sẽ được ESA cùng Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) phóng vào năm 2020 và có mặt trên sao Hỏa vào năm 2021. Dự án này bị trì hoãn và đang đối mặt với vấn đề chi phí phát sinh quá lớn.

Một phần thuộc giai đoạn đầu tiên của dự án đã hoàn thành vào đầu năm nay, khi các nhà khoa học đưa tàu thăm dò Trace Gas Orbiter (TGO) lên quỹ đạo sao Hoả thành công và hạ cánh robot Schiaparelli lên bề mặt hành tinh này. TGO có nhiệm vụ bay xung quanh sao Hỏa như một vệ tinh thăm dò các dạng khí trong bầu khí quyển. Trong khi đó, nhiệm vụ của Schiaparelli là đo đạc các thông số khí quyển, đóng vai “bản nháp” của ESA để thực hiện một nhiệm vụ lớn hơn: Đưa ExoMars đến sao Hỏa vào năm 2021.

ExoMars - robot dùng năng lượng mặt trời - sẽ đi kiểm tra các địa hình núi đá của sao Hỏa, khoan bề mặt hành tinh và thu thập mẫu, tìm kiếm dấu hiệu của vật chất hữu cơ và sự sống (còn tồn tại hoặc đã tuyệt chủng). Trong vòng 1 năm, ExoMars sẽ tìm hiểu môi trường tại các vị trí mà nó đi tới.

David Parker - Giám đốc bộ phận thám hiểm bằng robot và những chuyến bay có người lái của ESA - nói: “Theo kế hoạch, ExoMars sẽ khoan sâu 2m vào lòng đất sao Hỏa để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại”.

22 quốc gia thành viên của ESA đã đồng ý lập một quỹ trị giá 10,3 tỷ euro (ít hơn đề nghị của cơ quan này 11 tỷ euro). Trong số 440 triệu euro vừa được cấp cho ExoMars, khoảng 100 triệu euro được lấy từ ngân sách của ESA.