Công nghệ vũ trụ không còn là cuộc chơi của những quốc gia giàu có, các nước khu vực Đông Nam Á giờ đây cũng đã nhìn thấy cơ hội của mình trong thị trường đầy tiềm năng này.

Hiện tại, đã có 7/10 nước trong khu vực Đông Nam Á đã chính thức bước vào ‘đường đua’ công nghệ vũ trụ, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Lào. Trong đó, Việt Nam là nước chi tiêu nhiều nhất trong khối ASEAN với 93 triệu USD. Theo sau Việt Nam là Lào (87 triệu USD), Indonesia (38 triệu USD), Thái Lan (20 triệu USD) và Malaysia (18 triệu USD).

Indonesia phóng tên lửa định vị RX320. Trong một cuộc điện đàm vào năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo đã gửi lời mời chính thức tới CEO SpaceX về việc hợp tác xây dựng bãi phóng tên lửa tại Indonesia. Ảnh: LAPAN

Công nghệ vũ trụ luôn luôn là một lĩnh vực đắt đỏ đã từng ngốn của các quốc gia hùng mạnh hàng trăm tỷ USD và thuộc về đặc quyền của một số ít quốc gia. Nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi khi vào những năm 1980 và 1990, các công ty nhỏ và các nhóm nghiên cứu trong trường đại học bắt đầu nảy ra ý tưởng chế tạo các vệ tinh nhỏ hơn, rẻ hơn từ các thiết bị điện tử hằng ngày, trong đó Đại học Surrey, một trong những nhóm tiên phong của phong trào này, cuối cùng đã thành lập một công ty chuyên bán các vệ tinh viễn thám nhỏ cho các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ.

Bên cạnh đó, nhờ những đột phá trong phần cứng máy tính và thiết kế tàu vũ trụ, các vệ tinh đang ngày càng nhỏ hơn nữa - mà tiện ích của chúng lại ngày càng mở rộng. Trước đây, chi phí phóng là 8.100 USD/pound, giờ đây nó thậm chí còn chưa đến 1.000 USD/pound. Trong tương lai, chi phí này còn có thể thấp hơn nữa nhờ xu hướng tái sử dụng tên lửa của các công ty tư nhân như Space X và Blue Origin, hay ý tưởng của Virgin Galactic vận chuyển hàng hóa cỡ nhỏ từ tàu mẹ ở trên không vào quỹ đạo thay vì nhờ tên lửa phóng từ dưới mặt đất.

Và điều quan trọng nhất là nước đến sau ngày càng có nhiều cơ hội thương mại hóa với các hoạt động không gian đối các nước đến sau nếu như họ xác định và làm chủ công nghệ ở một thị trường ngách nhỏ một cách hợp lí.

Hướng đến tự chủ công nghệ

Để có thể nắm vững công nghệ vũ trụ - dù chỉ là một ngách nhỏ của nó - đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi và tận dụng được những nguồn lực sẵn có. Tại Đông Nam Á, Indonesia đã nổi lên như một hình mẫu tiêu biểu khi nước này đã sớm phát triển được một chiến lược không gian quốc gia bài bản và nhất quán.

Ngay từ năm 2013, Indonesia đã ban hành Đạo luật Không gian Indonesia. Trong đó, chính phủ Indonesia đã liệt kê các mục tiêu chính khi tham gia vào hoạt động không gian, bao gồm: Nâng cao khả năng tự chủ và khả năng cạnh tranh của Indonesia trong lĩnh vực hoạt động vũ trụ; Sử dụng không gian nhằm mang lại lợi ích cho người dân và tăng năng suất quốc gia; Hướng đến đảm bảo tính bền vững của các hoạt động không gian; Đảm bảo rằng các hoạt động không gian sẽ hỗ trợ cho sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia.

Indonesia là nước đầu tiên thành lập Viện Vũ trụ của mình - Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Indonesia (LAPAN) vào năm 1962 - và đến năm 1976 thì ra mắt vệ tinh PALAPA-1A. Nhằm hiện thực hóa tham vọng tự chế tạo vệ tinh, họ đã đặt Đức chế tạo LAPAN-Tubsat, hay còn gọi là LAPAN-A1 để nghiên cứu và thực hành. Vệ tinh này sau đó đã được Ấn Độ hỗ trợ phóng vào năm 2007. Từ những gì đã học được, chỉ năm năm sau đó, LAPAN đã tự chế tạo thành công LAPAN A2/Orari tại Indonesia vào năm 2012. LAPAN A2/Orari là sự kế thừa của LAPAN A1/Tubsat và là một vệ tinh quan sát Trái đất.

Với tên lửa, LAPAN đã nghiên cứu và phát triển một loạt tên lửa thủy âm, bao gồm cả tên lửa đẩy định vị chất lỏng Rukmini (RCX1H-1). Indonesia phát triển chúng như một phần hỗ trợ cho kế hoạch bốn bước kéo dài gần 25 năm, với mục tiêu cuối cùng là phóng thành công tên lửa quỹ đạo của mình vào năm 2040.

Mặc dù hiện tại Indonesia vẫn chưa có địa điểm phóng, nhưng Luật Không gian Quốc gia đã giao nhiệm vụ cho cơ quan vũ trụ xây dựng và vận hành một cảng vũ trụ trong lãnh thổ Indonesia. Các cuộc thảo luận gần đây giữa Chính phủ Trung Quốc và Indonesia cho thấy hai nước sẽ hợp tác xây dựng một bãi phóng ở Biak hoặc Morotai, đặt tại New Guinea và quần đảo Maluku.

Tuy không có lộ trình thận trọng và khôn ngoan như Indonesia, nhưng với khả năng tài chính và nguồn lực dồi dào, Singapore hiện là nước đi nhanh nhất trong lĩnh vực không gian so với các nước ASEAN khác. Điểm khác biệt của Singapore đó là họ không chỉ quan tâm đến những lợi ích của công nghệ vũ trụ như liên lạc, kiểm soát tài nguyên, mà còn cả về khía cạnh giáo dục.

Từ năm 2011 đến nay, Singapore đã phối hợp với Ấn Độ, Nhật Bản, Vương quốc Anh để phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ nặng 105 kg, vệ tinh thương mại TeLEOS-1, vệ tinh nano với bộ đẩy siêu nhỏ AOBA VELOX-III (chỉ nặng 2 kg)..., phát triển hệ thống liên lạc không dây mới, công nghệ lượng tử không gian. Nhận thấy thế mạnh của mình là phát triển vệ tinh nhỏ, Singapore dự định sẽ thương mại hóa nó trong các công nghệ liên quan đến không gian. Đây là một chiến lược hợp lý, nhất là khi thị trường vệ tinh nhỏ được dự báo sẽ tăng lên 7,5 tỷ USD vào năm 2022.

Dù khởi đầu khá muộn so với các nước láng giềng, nhưng với sự giàu có, chuyên môn cao cùng khả năng R&D mạnh mẽ, Singapore có tiềm năng dẫn đầu khu vực về công nghệ vũ trụ. Điều này đã giúp Singapore thu hút được các startup như Spire - một doanh nghiệp Mỹ sử dụng các tế bào nano để cung cấp dữ liệu hàng hải và Astroscale - một doanh nghiệp Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển công nghệ dọn sạch các mảnh vỡ không gian.

Nhiều nước ở Đông Nam Á hiện đã triển khai những chương trình hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản để xây dựng nền tảng kỹ thuật của mình. Từ những năm 1970, Malaysia đã sử dụng dữ liệu viễn thám của nước ngoài và đến năm 1988 thì thành lập một trạm viễn thám. Mặc dù trước đây nước này chỉ mua dữ liệu vệ tinh từ quốc gia khác, nhưng hiện tại Malaysia đang theo đuổi chương trình không gian riêng dưới sự lãnh đạo của cơ quan vũ trụ ANGKASA. Tương tự, từ năm 1971, Thái Lan đã sử dụng dữ liệu không gian từ Vệ tinh Công nghệ Tài nguyên Trái đất -1 của NASA để quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng chiến lược an ninh quốc gia và trong nước. Sau nhiều năm mua vệ tinh từ nước ngoài, từ năm 2004, Thái Lan đã bắt đầu nỗ lực phát triển các vệ tinh của riêng mình với sự giúp đỡ của các cường quốc vũ trụ tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Gặp nhiều khó khăn hơn, những nước như Lào, Brunei nhìn chung vẫn chưa có một cơ quan chính phủ chuyên trách về không gian, không có cơ sở hạ tầng cần thiết, và cũng không có kế hoạch dài hạn để phát triển công nghệ vũ trụ. Thậm chí Campuchia đến nay vẫn chưa phóng vệ tinh nào vào vũ trụ, dù vào năm 2018 nước này đã ký một thỏa thuận khung với Trung Quốc về một vệ tinh liên lạc mới mang tên Techo1 - dự định sẽ phóng vào năm 2021. Bản thân Lào - quốc gia chi tiêu nhiều thứ hai cho các chương trình không gian dân dụng vào năm 2012 - cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động tiền và phải dựa vào các nhà tài trợ quốc tế. Cho đến nay, nước này vẫn chưa có đủ nguồn lực, khả năng hoặc sự thúc đẩy chính trị cần thiết để theo đuổi một chương trình không gian độc lập.

Bài toán chính trị trong khu vực

Các chương trình không gian của các nước Đông Nam Á dù có những mục tiêu, chiến lược khác nhau nhưng vẫn có những đặc điểm chung nhất định. Thứ nhất, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các chương trình không gian này. Các nước trong khu vực đã tìm đến những cường quốc vũ trụ như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc để có kinh phí, công nghệ, hệ thống chương trình nghiên cứu và đào tạo.

Thứ hai, không chỉ hợp tác với những nước mạnh, các quốc gia trong khu vực cũng kết nối với nhau để phát huy lợi thế địa lý. Chẳng hạn, Việt Nam và Myanmar đã thể hiện sự quan tâm đến việc sử dụng dữ liệu THEOS của Thái Lan để giám sát các khu vực thiên tai, Chính phủ Thái Lan và Lào đã chia sẻ dữ liệu THEOS đã phát triển ngành du lịch hai bên, Indonesia đã hợp tác với các quốc gia láng giềng để cùng sử dụng dịch vụ vệ tinh viễn thông PALAPA. Đáng chú ý, đầu những năm 2000, Tiểu ban Công nghệ và Ứng dụng Vũ trụ ASEAN (SCOSA) đã ra đời, họp định kỳ hai lần một năm, với mong muốn đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ vũ trụ và hình thành các hoạt động hợp tác trong ASEAN.

Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế cũng trở nên đa dạng hơn, không còn gói gọn trong những cường quốc dẫn đầu thị trường không gian quốc tế như Mỹ và Pháp. Hiện tại xu hướng hợp tác đã mở rộng ra cả các cường quốc không gian mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Thậm chí, Indonesia và Singapore đã sử dụng các cơ sở của Ấn Độ để phóng vệ tinh của mình.

Dù vậy, các nước ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng chương trình không gian. Nếu chính phủ muốn đầu tư một khoản tiền lớn vào chính sách không gian, họ phải nhận được sự chấp thuận của phần lớn người dân. Vì lẽ đó, vào năm 2012, Philippines đã không thể thông qua luật thành lập chương trình không gian quốc gia vì dư luận cho rằng thật vô lý khi bỏ tiền ra phát triển các công nghệ vũ trụ đắt tiền trong bối cảnh tình trạng nghèo đói ở nhiều vùng của đất nước vẫn vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, luồng quan điểm của dư luận đã đổi chiều sau khi cơn bão Haiyan vào năm 2013 đã gây ra những tổn thất vô cùng lớn, dẫn đến nhận thức về nhu cầu ứng phó với thiên tai đã tăng lên.

Nhìn vào bức tranh rộng hơn, có thể nhận thấy lựa chọn đầu tư của các quốc gia Đông Nam Á còn ảnh hưởng đến diễn biến chính trị ở khu vực này. Như những cơn sóng ngầm, các cường quốc châu Á mới nổi như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh với nhau để tranh giành tầm ảnh hưởng trong khu vực. Chính sách Hành động Hướng Đông (Act East) của Ấn Độ ban đầu là một sáng kiến kinh tế, nhưng hiện nó đã đạt được mục tiêu về mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, văn hóa của mình. Mặt khác, Nhật Bản thì đi theo chính sách “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Free and Open Indo-Pacific Strategy) nhằm mục đích tăng cường kết nối khu vực thông qua phát triển kinh tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc có một mục về chính sách không gian, cụ thể là Hành lang Thông tin Không gian (Space Information Corridor), cung cấp các dịch vụ thông tin không gian liên quan đến vệ tinh cho các quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc ‘những cú bắt tay’ về không gian với các nước Đông Nam Á cũng sẽ phản ánh những lựa chọn chiến lược của các cường quốc không gian này.

Ngược lại, đối với các nước ASEAN, điều này có nghĩa là họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng cường các chương trình không gian tương ứng của mình. Tuy vậy, bài toán đặt ra cho họ hiện tại, đó là: Làm thế nào để cân bằng sức mạnh của các cường quốc không gian châu Á trong các mục tiêu chiến lược của mình?

Các nước ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng chương trình không gian, trong đó có việc dư luận xã hội cho rằng thật vô lý khi bỏ tiền ra phát triển các công nghệ vũ trụ đắt tiền trong bối cảnh tình trạng nghèo đói ở nhiều vùng của đất nước vẫn vô cùng nghiêm trọng.

(Báo cáo "Southeast Asian space programmes: Capalities, challenges and collaborations", Spacetechasia, MIT News)