Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào ngày 1/1, hiện tượng sụt lún đất có thể ảnh hưởng đến 8% bề mặt Trái đất và 19% dân số tính đến năm 2040.

Hiện tượng sụt lún được kích hoạt bởi các quá trình như cạn kiệt nước ngầm, làm hạ thấp độ cao của các khu vực đất rộng lớn trong nhiều tháng và nhiều năm.

“Tình trạng sụt lún do cạn kiệt nước ngầm đã xảy ra tại 200 địa điểm ở hơn 34 quốc gia trên thế giới. Những người sống ở châu Á đang phải đối mặt với khả năng sụt lún nhiều hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Điều này có thể gây ra những tác động nguy hiểm và tốn kém cho các khu vực chịu ảnh hưởng bao gồm: tăng nguy cơ lũ lụt, xuất hiện các vết nứt trên mặt đất, làm giảm vĩnh viễn sức chứa của các tầng chứa nước, làm hỏng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng”.

Nhu cầu về nước ngầm tăng lên trong tương lai do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế sẽ làm trầm trọng thêm quá trình sụt lún. Ngoài ra, tình trạng sụt lún cũng có thể trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu tạo ra những thay đổi về lượng mưa, lũ lụt và hạn hán thường xuyên.