Các đại học danh giá của phương Tây thường có truyền thống cạnh tranh gay gắt với nhau trên các lĩnh vực học thuật, âm nhạc, thể thao,... Tuy nhiên, hai ngôi trường Princeton và Rutgers1 tại tiểu bang New Jersey (Mỹ) lại “tranh giành” nhau một khẩu pháo từ thời Chiến tranh Cách mạng (1775 – 1783)2.

Thực ra là đã có hai khẩu pháo nằm lại trong khuôn viên Princeton sau Cách mạng. Trong Cuộc chiến 18123, một khẩu mang tên “Big Cannon” (Đại pháo) được đưa đến New Brunswick để bảo vệ thành phố trước cuộc tấn công của quân Anh. Nó đã yên vị tại khuôn viên ĐH Rutgers trong 24 năm sau đó, trước khi được đưa trở lại Princeton. Nhưng không may là cỗ xe vận chuyển lại gặp sự cố khi vừa tới ngoại ô Princeton, khiến khẩu pháo rớt xuống đường và nằm suốt hai năm tại đó trong sự quên lãng.

“Big Cannon” trong khuôn viên ĐH Princeton. Ảnh: NJ.com.

Đến năm 1839, Leonard Jerome (1817 – 1891)4 đã dẫn đầu một nhóm sinh viên giải cứu Big Cannon và mang nó về Princeton. Khẩu pháo sau đó được chôn phần lớn xuống đất, chỉ để chừa lại phần họng súng ở gần tòa nhà Nassau Hall5 – trung tâm của khu tứ giác Cannon Green (tên gọi ngày nay). Không ai rõ vì sao lại phải chôn Big Cannon. Có người nói làm vậy là để các lãnh đạo trường không thể ra lệnh di dời khẩu pháo đi nơi khác, hoặc cũng có thể là để che dấu một sự thật: nó đã bị hỏng (nổ nòng) sau lần nhả đạn cuối cùng (năm 1836).
Tuy nhiên, giữa Princeton và Rutgers đã nảy sinh những mâu thuẫn về quyền sở hữu Big Cannon. Người của Rutgers tin rằng khẩu pháo đáng nhẽ phải thuộc về họ. Vào một đêm tháng 4/1875, một nhóm sinh viên Rutgers đã mò đến Princeton với ý định đào trộm và mang Big Cannon trở về, song bất lực vì nó bị chôn quá chặt. Các sinh viên này, vì thế đã chọn lấy đi một khẩu pháo khác cùng thời nhưng nhỏ hơn – được đặt tên là “Little Cannon” (Tiểu pháo). Để đáp trả, một nhóm sinh viên Princeton cũng tìm cách đột nhập vào bảo tàng Rutgers và lấy đi vài khẩu súng hỏa mai (musket).

Sinh viên Princeton tổ chức một buổi nhạc hội tưởng nhớ tại Cannon Green. Ảnh: Joe Shlabotnik/Flickr

Sau những “vụ trộm” bất thành, hai vị hiệu trưởng của Princeton và Rutgers đã trao đổi thư từ với nhau một cách lịch thiệp nhưng không ai chịu nhượng bộ. Câu chuyện trở thành chủ đề nóng của các tờ báo lớn trên khắp nước Mỹ. Cuối cùng, chính quyền phải cho thành lập một ủy ban để giải quyết tranh chấp, và Little Cannon được mang trả lại cho Princeton dưới sự giám sát của cảnh sát trưởng New Brunswick. Sau này, để ngăn chặn những nỗ lực “trộm cắp” từ phía Rutgers, người của Princeton đã chôn khẩu pháo và phủ lên thân của nó cả tấn bê-tông tại khu vực gần Hội trường Whig & Clio6. Vấn đề tưởng như đã được giải quyết khi không có chuyện gì xảy ra trong suốt 70 năm sau. Mãi đến năm 1946, một số sinh viên Rutgers lại tìm cách đột nhập vào khuôn viên Princeton để đào trộm Little Cannon. Họ thậm chí còn cột khẩu pháo vào một đầu dây xích sắt, đầu kia vào chiếc Ford và nổ máy, tuy nhiên xe bị xé làm đôi trong khi Little Cannon không hề suy chuyển.

Hiện trường đào bới để chơi khăm Princeton do các sinh viên Rutgers thực hiện vào năm 1976. Ảnh: Nonnac 1976/Wikimedia

Không chịu bỏ cuộc, năm 1971, thay vì cố gắng đào khẩu pháo lên, người của Rutgers lại đào một cái hố ngay bên cạnh Little Cannon và lấy đất vùi lên để che lấp nó, khiến các nhân viên an ninh trong khuôn viên Princeton không khỏi bối rối và hốt hoảng đi tìm. Nhưng táo tợn nhất có lẽ là nỗ lực đánh cắp khẩu pháo vào ngay giữa ban ngày (31/1/1976). năm sinh viên Rutgers và một phụ nữ lớn tuổi (bà của một người trong số họ) đã tới Princeton với giấy tờ giả mạo là thành viên của Ủy ban NJCBC (Công dân New Jersey Lưỡng bách niên), mang theo xe tải và các thiết bị hạng nặng. Họ nói đã được ban lãnh đạo trường cho phép mang Little Cannon đi diễu hành hai năm một lần trên toàn tiểu bang. Mọi chuyện tưởng chừng sắp trót lọt thì một cuộc gọi tới NJCBC đã lật tẩy âm mưu, sáu người lúc đầu bị đề nghị truy tố nhưng sau được ân xá vì lời bào chữa rằng “đó đơn giản chỉ là một trò đùa của người bà”.

Đến lúc này, người của Rutgers phải thừa nhận rằng họ sẽ không bao giờ đưa được khẩu pháo rời khỏi Princeton. Tuy nhiên, họ cũng sẽ không thể để đối thủ được “đắc ý”. Thi thoảng, sinh viên Rutgers vẫn tìm cách lẻn vào Princeton, thường là trong bóng tối, và vẽ bậy lên khẩu pháo (chẳng hạn sơn màu đỏ). Năm 2015, khi bức tượng hổ7 cạnh Nassau Hall bị phá hoại bằng những hình vẽ (graffiti) mang ý nghĩa thô tục – nhắm đến Princeton và ĐH Bang Pennsylvania, đích thân Hiệu trưởng Robert Barch của Rutgers đã phải đứng ra xin lỗi. Trong thư gửi hiệu trưởng Princeton, ông viết: “Cả hai chúng ta đều biết rõ về căn nguyên lịch sử dẫn đến các trò nghịch ngợm của sinh viên. Trong khi Rutgers rất vui vì được cạnh tranh sòng phẳng, thân thiện với Princeton thì chúng tôi quyết sẽ không dung túng cho những hành vi bồng bột và vi phạm pháp luật diễn ra trong khuôn viên của Ngài”.

Năm 2011, một bộ phim về “cuộc chiến” xoay quanh khẩu pháo giữa hai ngôi trường mang tên “Knights, Tigers, and Cannons. Oh My!” (Hiệp sĩ, Hổ và Đại pháo) do các sinh viên Rutgers thực hiện đã được công chiếu và giành giải nhất tại Liên hoan phim New Jersey (tháng 9/2012).

Theo Amusing Planet