“Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại” (The Great Brain Race) của tác giả Ben Wildavsky, một học giả Mỹ có tiếng, là một quyển sách tuyệt vời súc tích và uien bác.

Cuốn sách vẽ lên từ rất nhiều góc cạnh khác nhau, từ những thông tin tản mạn, một bức tranh tổng thể cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút tài năng trí tuệ từ mọi miền thế giới, và sự chạy đua nâng cấp hệ thống giáo dục đại học thế giới. Ben Wildavsky đã cho mọi người thấy xuyên suốt và thấu đáo toàn cầu hóa đang biến đổi nền giáo dục đại học thế giới như thế nào.


Khắp nơi, các chính phủ đều lao vào đầu tư những số tiền khổng lồ nâng cấp các đại học thành những thể chế học thuật ‘đẳng cấp thế giới’, có nhiệm vụ vừa đào tạo tinh hoa, tránh thất thoát chất xám, vừa thu hút chất xám thế giới. Một cộng đồng được giáo dục có thể chưa chắc bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng điều ngược lại chắc chắn đúng: Trình độ giáo dục thấp ngăn cản một quốc gia tiến tới biên giới công nghệ và hưởng lợi đầy đủ từ nền kinh tế toàn cầu.

Ở những nơi hệ thống đại học công không theo kịp sự tăng trưởng nhanh của sinh viên như châu Á và châu Mỹ Latin, đại học vì lợi nhuận phát triển mạnh mẽ. Ben Wildavsky đưa ra những con số kinh ngạc: giáo dục vì lợi nhuận đã chiếm 80% thị phần tại Hàn Quốc; 77% tại Nhật Bản; 75% tại Ấn Độ và Brazil; 68% tại Philippines, Indonesia và Colombia. Tại Mexico và Mỹ, con số cũng không nhỏ: 33 và 32%.

Các đại học vì lợi nhuận một mặt giảm áp lực nhưng đồng thời cũng “đe dọa sự tồn tại của đại học nghiên cứu-tập trung” bởi không tạo ra tinh hoa, không làm nghiên cứu, không xây dựng “tháp chuông trác việt”. Họ chỉ muốn kinh doanh ở lỗ hổng thị trường giáo dục, nơi mọi người có nhu cầu lấy mảnh bằng để cải thiện thu nhập tương lai, và cũng đáp ứng cho nhu cầu xã hội địa phương hay khu vực. Nhưng dù thế nào, Ben Wildavsky tin rằng, cuộc thương mại tự do trí tuệ (free trade in mind) sẽ đem lại lợi ích cho mọi quốc gia trên thế giới.

Tác giả “Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại” đặc biệt nhấn mạnh, môi trường văn hóa đại học thế giới ngày càng gần gũi nhau bởi cùng hướng tới các giá trị phổ quát như dân chủ, tự chủ, tự do học thuật... Cộng đồng hàn lâm dần dần gắn bó với quê hương chung là cộng hòa hàn lâm xuyên biên giới còn hơn cả với quê hương sinh trưởng của mình. Con người có thể tìm việc bất cứ nơi đâu, miễn cạnh tranh thắng lợi. Nói cách khác, vốn nhân lực ngày nay đang chuyển động toàn cầu, để “tôi luyện”. Theo Wildavsky, “nếu như giới hạn thương mại gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như cản trở tính sáng tạo kinh tế, thì đóng cửa đối với dòng chảy tự do của con người và ý tưởng là cản trở sự tạo ra tri thức vốn là máu thịt của những thành công kinh tế”. Tri thức và tài năng là những “hàng hoá” không thể giam hãm hay đóng kín mà không gây thiệt hại cho chính mình. Phải làm sao để có sự trao đổi nhiều hơn, có nhiều “hàng hóa” hơn.

Dù chia sẻ nhiều hay ít quan điểm này của Wildavsky, những nhà làm chính sách cần phải chuẩn bị cho cuộc chơi mới. Quyển sách là một “sự cân bằng giữa báo động và tự mãn” cho thế giới giáo dục đại học phương Tây đang thống trị, nhưng đồng thời là lời cảnh báo nghiêm khắc cho các nền đại học còn đang bị những cỗ máy cày nặng nề quan liêu kéo lê trên cánh đồng tham nhũng.

“Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại” là quyển sách cần phải đọc, gối đầu giường cho những ai muốn có cánh cửa sổ nhìn ra một cuộc chuyển động thế giới đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ ảnh hưởng lên mọi quốc gia, từ những quốc gia phát triển, mới được công nghiệp hoá, đến các quốc gia còn đang trên đường công nghiệp hóa; từ sinh viên đến các bậc phụ huynh, và các nhà làm chính sách giáo dục. Quyển sách là một ‘kho tàng tri thức’ được cập nhật mới nhất, qui mô, có lý luận phân tích và đúc kết thành nhận thức. Ai muốn xây dựng đại học hiện đại, đại học đẳng cấp quốc tế, ai muốn nhìn vào chiều sâu của lịch sử, sứ mạng của đại học, những vấn đề đại học phải đối mặt tương lai, quan trọng hơn, ai muốn có tầm nhìn, vision, cho nền đại học tương lai của quốc gia mình, đều không nên bỏ qua quyển sách có tính chất ‘khai sáng’ này.