Hằng năm trung bình có hơn 370.000 trẻ em ở Việt Nam bị tai nạn thương tích. Ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu bảng, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến ngã, bỏng, ngạt, ngộ độc, giật điện, cháy... Các em có nhiều cơ hội sống sót hơn nếu được cấp cứu kịp thời.

Ths. Nguyễn Đức Hoàng (phải) và trợ lý đang mô phỏng tình huống cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhi. Ảnh: Ngô Hà
Ths. Nguyễn Đức Hoàng (phải) và trợ lý đang mô phỏng tình huống cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhi. Ảnh: Ngô Hà

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT) thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông đã cùng các y bác sĩ tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương phát triển một “phòng cấp cứu” thực tế ảo để đào tạo bác sĩ thực hành tiền lâm sàng.

“Trong lĩnh vực y tế, đào tạo tiền lâm sàng là một vấn đề quan trọng đối với các bác sĩ, y tá và điều dưỡng của bệnh viện. Đây là phần học lý thuyết và thực hành trước khi thực hiện trên bệnh nhân”, BS. TS. Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, cho biết trong buổi nghiệm thu đề tài* cuối tháng 10/2023. “Đào tạo nhân viên y tế tốt hơn có thể giúp trẻ em tăng khả năng sống sót sau tai nạn và hồi phục vết thương.”

Nhóm của ông và nhóm của Ths. Nguyễn Đức Hoàng tại CDIT đã phát triển một mô hình manơcanh bệnh nhi liên kết với mô hình cơ thể ảo 3D để thực hiện tám trường hợp cấp cứu nhi khoa thường gặp. Chúng thể hiện đầy đủ triệu chứng của một tình huống nguy hiểm (nhiệt độ, nhịp tim, hơi thở, co giật, giãn nở đồng tử v.v) biến đổi từ “tốt lên” đến “xấu đi” tùy theo nỗ lực của các bác sĩ khi thực hành "cứu sống" bệnh nhi đó.

“Các bệnh viện tuyến trên được đầu tư trang thiết bị học tập đầy đủ nhưng số lượng cũng không nhiều, còn các bệnh viện tuyến dưới thì hầu như không có. Sản phẩm của chúng tôi có thể giúp giải quyết vấn đề này với chi phí phải chăng”, Ths. Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.

Giờ vàng cấp cứu

Đối với bất cứ ai được cấp cứu, mỗi giây đều có giá trị. Các bác sĩ gọi đó là “giờ vàng cấp cứu”, nếu đội ngũ y tế làm đúng mọi thao tác, họ có thể mang lại cho bệnh nhi cơ hội sống sót cao nhất. Bỏ lỡ giai đoạn này, dù bệnh nhân có được cứu sống thì sẽ cực kỳ khó khăn để có thể hồi phục lại 100%.

Tuy nhiên, khi một đứa trẻ được đưa đến cơ sở y tế với những chấn thương nghiêm trọng, các nhân viên y tế có thể thấy lo lắng, căng thẳng, bối rối trước một ca bệnh mình chưa xử lý bao giờ.

Hơn nữa, điều trị trẻ em bị thương cũng khác với người lớn vì trẻ em có kích thước cơ thể nhỏ hơn và phản ứng với chấn thương khó dự đoán hơn. Các dấu hiệu sinh lý và giải phẫu có thể gây khó khăn cho đội ngũ y tế vì ở người lớn, nhịp tim và các khoảng trị số bình thường ít dao động; nhưng với trẻ em, chúng rất khác nhau giữa một đứa trẻ hai tuổi, một đứa trẻ năm tuổi hoặc một thiếu niên.

Bởi vậy, lý tưởng nhất là tất cả các nhân viên y tế đều có được kinh nghiệm tiền lâm sàng phong phú trước khi tiếp xúc với một bệnh nhi thật.“Chúng tôi hy vọng sẽ giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em bằng công nghệ này. Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu dự án”, BS. TS. Phan Hữu Phúc nhấn mạnh.

Mô phỏng hoạt động

Mở máy tính, đăng nhập vào server và kết nối manơcanh với nguồn điện, Ths. Nguyễn Đức Hoàng đã cho Khoa học & Phát triển thấy cách hệ thống hoạt động. Anh và một trợ lý bước vào “phòng cấp cứu” nhập vai với một bệnh nhi tầm 2-3 tuổi và các thiết bị y tế cùng thông số theo dõi bệnh nhân.

Đóng vai bác sĩ chính, anh thực hiện ép tim ngoài lồng ngực cho manơcanh, đồng thời ra lệnh cho trợ lý y tá trỏ chuột vào ống tiêm, điều chỉnh liều lượng thuốc và tiêm cho bệnh nhi. Y tá đọc to các thông số về tim phổi trên mô hình 3D đồng bộ với tình trạng của manơcanh theo thời gian thực.

Sau vài phút nỗ lực, tình trạng của “bệnh nhi” trên màn hình bỗng trở nên xấu đi. Loa của máy tính phát ra tiếng thở rít mô phỏng âm thanh trong phổi. Đội ngũ không chuyên này biết rằng mình đã làm sai cách vì vậy họ thoát ra và làm lại. Sau vài lần thực hành như thế, “bệnh nhi” của họ cuối cùng cũng thoát khỏi vòng nguy hiểm.

Giao diện chức năng phía giảng viên. Ảnh: CDIT
Giao diện chức năng phía giảng viên. Ảnh: CDIT

Theo Ths. Nguyễn Đức Hoàng, mục đích của các kịch bản cấp cứu không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho nhân viên y tế mà còn để đánh giá cách các nhân viên y tế làm việc nhóm và giao tiếp với nhau như thế nào. Điều này rất quan trọng trong đào tạo. Giống như bất kỳ một nỗ lực nhóm nào, nhân viên y tế phải phối hợp với nhau nhịp nhàng. Một người không thể vừa xoa bóp tim, vừa nhìn màn hình, vừa tiêm thuốc. Với những thủ thuật y khoa xâm lấn hơn, như đặt nội khí quản cho trẻ em qua đường mũi, thì càng cần sự tham gia của những người có tay nghề vững và phản xạ tình huống nhanh.

Thực tế ảo cho phép nhiều người ở nhiều địa điểm khác nhau cùng tham gia vào một “phòng cấp cứu”. Nhờ vậy, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tuyến huyện không phải di chuyển hàng chục, hàng trăm cây số lên tuyến tỉnh để học. Họ không phải tạm nghỉ công việc chuyên môn trong một thời gian mà có thể vừa làm vừa học.

Trong phòng cấp cứu ảo này, một y tá ở Bắc Giang đã học chung với một y tá ở Hải Phòng dưới sự giám sát của một bác sĩ ở Hà Nội. Bất kỳ chỗ nào có Internet ổn định thì người ta đều có thể tổ chức một lớp học như vậy. Nếu áp dụng rộng rãi, số lượng nhân viên y tế được đào tạo tiền lâm sàng ở Việt Nam có thể tăng lên đột biến.

Bên cạnh đó, bác sĩ đứng lớp cũng có thể điều khiển tình trạng của “bệnh nhi” xấu đi nhiều so với kịch bản nếu thấy các học viên của mình xử lý sai quá nhiều thao tác. Nhờ vậy, các bác sĩ giàu chuyên môn có thể tạo ra những “bài học” có ý nghĩa mạnh mẽ và truyền đạt nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn cho người học.

Một số buổi thử nghiệm công nghệ thực tế ảo cho các bệnh viện. Ảnh: CDIT
Một số buổi giới thiệu công nghệ thực tế ảo cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Ảnh: CDIT

Về cơ bản, mỗi một lớp học ảo sẽ cần phần mềm, máy tính (máy chủ và máy giảng viên), máy chiếu, loa và một manơcanh để thực hành. Nhóm nghiên cứu của CDIT đã đóng gói tất cả thành một “vali” chuyên dụng để có thể mang đi tất cả các tỉnh thành, bất kể miền núi hay miền xuôi.

Phần mềm thực tế ảo của họ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho Bệnh viện Nhi Trung ương vào năm ngoái. Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã có kế hoạch sử dụng công nghệ này vào các buổi tập huấn mà họ thường tổ chức định kỳ cho các bệnh viện tuyến dưới. Vì đã nắm trong tay phần mềm “made in Vietnam” nên các bệnh viện tuyến dưới sẽ không phải trả tiền bản quyền mà chỉ tốn một chút chi phí server hoặc các chi phí vận hành khác.

Ngược lại, sẽ cần đầu tư vào các manơcanh. CDIT đã tạo ra bốn nguyên mẫu manơcanh bệnh nhi từ việc tự mày mò, phát triển các mô hình người và vật liệu của mình. Chúng chưa thực sự hoàn chỉnh và bền như các manơcanh từ nước ngoài, nhưng chi phí chỉ bằng 1/4 đến 1/5.

“Không có đủ manơcanh cho mọi người tập và chúng đắt khủng khiết”, Ths. Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ, “Mỗi con manơcanh mua về có thể lên tới vài trăm đến vài tỷ đồng. Các bác sĩ thực hành nhiều thì chúng cũng sẽ hỏng dần nhưng việc thay thế lại rất khó khăn. Đôi khi vì quá đắt nên các bệnh viện không dám cho nhiều người sờ vào. Điều này thực sự đáng tiếc.”

Manơcanh do CDIT thiết kế có chi phí thấp hơn và có thể giảm nếu sản xuất ở quy mô công nghiệp. Các hãng chế tạo manơcanh nước ngoài luôn bảo mật thiết kế của họ, do vậy nhóm nghiên cứu không tham khảo được gì và phải tự tạo các mô phỏng của riêng mình.

“Chúng tôi đã cố gắng mô tả các chi tiết y tế sát nhất với những gì các bác sĩ ở bệnh viện nhi quen thuộc, nhưng chắc chắn là còn có thể cải thiện hơn nữa nếu có được sự đầu tư chuyên nghiệp”, anh nói thêm.

_____________________

* Dự án “Nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo” thực hiện từ tháng 12/2019 – 6/2023, dưới sự tài trợ của Bộ KH&CN thông qua Chương trình KC-4.0.