“Em ạ, Cu-ba ngọt lịm đường” (Tố Hữu, 1964)

Những đứa trẻ thành thị miền Bắc nước ta thời Dân chủ Cộng hòa, nhớ tới tình yêu của mẹ ở vị ngọt bát cơm trộn đường kính trắng, sau đó là đường vàng Cu ba; trẻ nông thôn thì thiệt thòi hơn, phải khi nằm trong bệnh viện, chúng mới được ăn cháo đường. Rồi 50 năm trôi qua trong chớp mắt, đã đến thời đường (trắng) bị coi là một trong ba kẻ thù nguy hiểm nhất của con người (hai thứ kia là gạo trắng và... thứ mà bạn chọn!), thời nhà nước muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt, mong giảm chứng béo phì. Nhưng 50 năm chỉ là một phần mười lịch sử về đường và một chuyến “tàu lượn siêu tốc” đang sẵn sàng chở bạn bay qua 500 năm lịch sử của đường.

Đó là cuốn sách “Sugar: The world corrupted - from slavery to obesity” (tạm dịch “Đường: Thế giới bị làm hư hỏng - từ chế độ nô lệ đến béo phì”) của James Walvin (Pegasus Books, New York, 2018, 325 trang).

Sử gia James Walvin. Ảnh: INT

Vì sao thứ gia vị “ngọt lịm” kia - thứ mà trước năm 1600 là gia vị độc quyền của giới quý tộc và nhà giàu, dù ghi dấu bằng những cái răng đen (sâu) như du khách Đức Hentzner mô tả về nữ hoàng Anh Elizabeth năm 1595 - lại trở thành tội đồ làm hư hỏng thế giới?

Tác giả cuốn sách - sử gia Walvin J., 76 tuổi, Giáo sư lịch sử danh dự Đại học York, Anh - đem tới một phần của câu trả lời. Ông là tác giả hoặc chủ biên của hơn 30 cuốn sách với chủ đề chính là: Chế độ nô lệ (chủ đề còn lại là... bóng đá!). Những cuốn sách bán chạy hàng đầu của ông trên Amazon bao gồm: The Zong: A Massacre, the Law and the End of Slavery (Zong: Một vụ thảm sát, luật pháp và kết thúc chế độ nô lệ), Slavery in Small Things: Slavery and Modern Cultural Habits (Nô lệ qua chi tiết: Nô lệ và thói quen văn hóa hiện đại), Black Ivory: Slavery in the British Empire (Ngà đen: Chế độ nô lệ ở Đế quốc Anh), England, Slaves and Freedom, 1776 - 1838 (Nước Anh, nô lệ và tự do, 1776-1838), Making the Black Atlantic: Britain and the African Diaspora - The Transatlantic Slave Trade (Tạo ra Đại Tây Dương Đen: Anh và người Do Thái châu Phi - Giao dịch nô lệ xuyên Đại Tây Dương) và (tất nhiên) Sugar: The world corrupted - from slavery to obesity. Ta rất dễ thấy tên cuốn sách nào cũng chứa từ slave (nô lệ) hoặc slavery (chế độ nô lệ).

Qua chủ đề này, Walvin J. đã phát hiện ra nhiều điều khủng khiếp liên quan tới mía-đường. Ví dụ: Cùng một khoảng thời gian, có một triệu nô lệ được đưa đến Mỹ (ban đầu là để trồng bông?) và hai triệu tới các đảo Caribe để làm mía đường. Khi chế độ nô lệ kết thúc trong thế kỷ 19, ở Mỹ có bốn triệu nô lệ, còn vùng mía đường Caribe - 700 ngàn! Sức lao động và máu của nô lệ Caribe và những nơi khác tạo ra đường; đường tạo ra sự giàu có phi thường của các thành phố Boston (Mỹ), Bristol (Anh), Bordeaux (Pháp)… - nói không ngoa, chúng là những đứa con đẻ tráng lệ của đường. Các sử gia cho biết đường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thương mại của cả Pháp và Anh trong suốt thế kỷ XVIII.

Cuốn Đường của Walvin gồm 18 chương, ngoài giới thiệu chung (Đường trong thời đại chúng ta) và kết luận bi quan (Triển vọng cay đắng) với hai “đỉnh” là nô lệ (Đường và chế độ nô lệ) và béo phì (Vấn đề béo phì); các chương còn lại giới thiệu những khía cạnh khác liên quan tới đường: Một hương vị truyền thống, Tác động môi trường, Mua sắm đường, Một sự kết hợp hoàn hảo cho trà và cà phê, Đường đi toàn cầu, Sự ngọt ngào của nước Mỹ, Sức mạnh thay đổi trong thế giới mới, Một cuộc chiến và hòa bình ngọt ngào hơn, Cách chúng ta ăn bây giờ, Sự thật khó khăn về nước ngọt... Nhưng, thực ra Đường là cuốn sách 2 trong 1 - một tập trung vào chế độ nô lệ, một về béo phì.

Về béo phì, Walvin chỉ ra nền công nghiệp sử dụng đường (nước ngọt, bánh kẹo) là kẻ gây hại cho người tiêu dùng. Việc này khởi đầu từ nước Mỹ, phải chăng vì nó là một quốc gia trẻ đang phát triển mạnh và gần nguồn đường? Nhu cầu về đường ở Mỹ bùng nổ vào cuối thế kỷ XIX. Các công ty thực phẩm và đồ uống của Mỹ đã phát triển những cách thức mới để bảo quản và đóng gói thực phẩm, và đưa rất nhiều đường vào nhiều sản phẩm của họ; tiêu thụ rộng rãi trong nước, rồi lan ra toàn cầu bắt đầu từ sau Thế chiến II.

Có thể nói rằng, quyền lực đế quốc và công ty của Mỹ đã thay đổi cách thế giới ăn và uống. Vì vậy, một làn sóng béo phì đã lan ra với tốc độ kinh hoàng trên khắp hành tinh - “vỗ béo người từ châu Âu đến Mỹ, từ Ấn Độ đến Mexico, tạo ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, cho thấy đường độc hại như thuốc lá. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục,” Walvin quan sát, “phần lớn dân số Anh và Mỹ có thể bị béo phì vào năm 2050”.

Rõ ràng, Đường chỉ cho chúng ta một góc đen tối khác của lịch sử. Nếu “cây sậy ngọt” được con người sử dụng tự nhiên từ những năm 8000 trước Công nguyên, không hề “công phá” thiên nhiên và con người; thì từ khi những tinh thể đường ra đời, rừng rậm bị đốn hạ (công nghiệp đường cần rất nhiều năng lượng) trên những khu vực rộng lớn, chế độ nô lệ phát triển cùng bệnh sâu răng; rồi tiểu đường, béo phì phát triển cùng chủ nghĩa đế quốc; khiến người nghèo chết sớm ở mọi nơi, người giàu phải gánh chi phí y tế rất lớn (như ở Mỹ).

Không rõ Đường chỉ đặt ra hay giúp giải quyết những câu hỏi cơ bản về đường trong thế giới của chúng ta; nhưng chắc rằng, nó sẽ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, giúp độc giả có thể tự trả lời một số trong đó để tránh thân phận của những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất vì “lịm đi” trong sắc ngọt của đường.