GS. Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, lý giải vì sao Công nghệ mạng toàn cầu - một tổ hợp các phát minh đã được công bố và đi vào cuộc sống từ nhiều năm trước - được trao Giải thưởng Chính.


Chủ tịch
Sir Richard Henry Friend phát biểu tại lễ trao giải VinFuture 2022 tôi 20/12 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Nguồn: Quỹ VinFuture

Ông khẳng định, không phải vì không có đề cử nào mới thực sự xuất sắc mà “hoàn toàn ngược lại”. “Các đề cử mà VinFuture mùa 2 nhận được không chỉ lớn về số lượng mà còn vượt trội về chất lượng so với mùa 1. Các Hội đồng đã phải làm việc rất vất vả mới có thể chọn ra được công trình xuất sắc nhất để trao giải,” GS. Friend nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với TechNode Global.

Trong số đó, tổ hợp các phát minh làm nên Công nghệ mạng toàn cầu – gồm giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức công nghệ mạng toàn cầu, công nghệ World Wide Web, và bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium - hoàn toàn đáp ứng tiêu chí của Giải thưởng về tính đột phá và tiềm năng tạo ra sự thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của hàng triệu người. “Công nghệ mạng toàn cầu thậm chí còn vượt xa mong đợi khi mang tới ‘tác động kép’ cho nhân loại, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn thấy rõ ở tương lai,” theo người đứng đầu Hội đồng Giải thưởng trong cả hai mùa.

Đồng thời, GS Friend cho rằng, những điều chúng ta vẫn xem là kỳ diệu và phi thường của Công nghệ mạng toàn cầu mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, “hiểu biết của chúng ta về nó còn rất khiêm tốn”, “những tác động đột phá và đỉnh cao phát triển của công nghệ này vẫn ở phía trước” và “lịch sử của nó chỉ vừa mới bắt đầu”.

Ông dẫn chứng, sự phát triển đáng kinh ngạc của hàng loạt công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Mạng 5G, 6G… đều không thể thành hiện thực nếu không có Công nghệ mạng toàn cầu.

Nói về mối tương quan giữa Công nghệ mạng toàn cầu và chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” của mùa giải năm 2022, GS Friend cho rằng, Covid-19 là một trong những biến cố lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều thập kỷ trở lại đây, khiến cho kinh tế thế giới suy giảm tới 4,3% - mức suy giảm chỉ được ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, thế giới đã nhanh chóng phục hồi nhờ trong suốt 2 năm đại dịch, dù các quốc gia phải cách ly, phong tỏa kéo dài nhưng kết nối toàn cầu vẫn được duy trì thông qua Công nghệ mạng toàn cầu. “Con người vẫn làm việc, học tập, giao tiếp, giao dịch… với nhau, chỉ là theo cách thức hoàn toàn khác. Chỉ cần Covid-19 xảy ra khoảng 20 năm về trước thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, tổn thất chắc chắc sẽ khủng khiếp hơn. Nhân loại có lẽ sẽ phải mất cả chục năm để phục hồi trở lại. Do đó, có thể khẳng định Công nghệ mạng toàn cầu chính là nền tảng giúp thế giới kiên cường hơn trước cú sốc đại dịch, đồng thời phục hồi nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn khi ‘cơn bão’ Covid-19 đi qua,” ông nói.

Việc trao giải quan trọng nhất cho Công nghệ mạng toàn cầu, theo GS. Friend, ban đầu cũng có những quan điểm khác nhau, nhưng sau khá nhiều cuộc tranh luận, các thành viên của Hội đồng Giải thưởng đã đạt được đồng thuận cao.

Với câu hỏi, VinFuture vinh danh các nhà khoa học từng chiến thắng ở nhiều giải thưởng quốc tế khác, thậm chí còn được vinh danh từ nhiều năm trước, khiến đây giống như nơi tôn vinh các phát minh vĩ đại hơn là khuyến khích các dự án mới, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng nói, VinFuture đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện, trong mối quan hệ đa chiều. Nhiều nghiên cứu có thể mãi mãi không đi đến đích hoặc ít được ứng dụng khi nằm riêng lẻ nhưng nếu kết nối chúng lại với nhau, đột phá có thể xảy ra. Và theo ông, chính “lăng kính” này làm nên sự đặc biệt của VinFuture so với bất kỳ giải thưởng nào khác.

Giải thưởng Chính của Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn cầu VinFuture 2022 được trao cho tổ hợp các phát minh gồm: phát minh về Giao thức Điều khiển Truyền dẫn và Giao thức Internet (TCP/IP) - cơ sở cho internet hiện tại - của TS Vinton Gray Cerf và TS Robert Elliot Kahn; phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA) của GS Sir David Neil Payne và TS Emmanuel Desurvire giúp việc dẫn truyền internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao; và phát minh về trình duyệt World Wide Web của Sir Timothy John Berners-Lee, giúp việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên thông tin trên toàn thế giới trở nên liền mạch nhờ internet.

Nguồn: