Cách loài chim hót và trao đổi với nhau không khác biệt so với cách con người nói chuyện. Đó là kết quả một nghiên cứu vừa công bố của nhóm các nhà khoa học từ Đại học Nam Đan Mạch và một số viện khoa học được đăng tải trên tạp chí Nature Communications.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 6 loài chim khác nhau thuộc 5 nhóm loài, trong đó lớn nhất là đà điểu với trọng lượng trung bình khoảng 200kg và nhỏ nhất là chim zebra finch với cân nặng trung bình chỉ khoảng 15gr.
Cách phát ra âm thanh của loài chim và con người là tương đồng. Ảnh: Kqed
Cách phát ra âm thanh của loài chim và con người là tương đồng. Ảnh: Kqed

Bằng cách sử dụng máy quay tốc độ cao và một số phương pháp nghiên cứu âm thanh đặc biệt, các nhà khoa học đã đi đến kết luận cả 6 loài chim kể trên đều sử dụng cơ chế phát ra âm thanh giống con người, được gọi là MEAD (Myoelastic - Aerodynamic).

Cơ chế giúp con người có khả năng nói chuyện và hát này được các nhà khoa học khám phá từ hơn 60 năm trước, sử dụng không khí lấy từ phổi để làm rung thanh đới, khác hẳn cơ chế AMC (Active Muscular Contraction) khiến các cơ trong cổ họng co thắt lại làm thanh đới rung lên như ở nhiều loài vật khác.

“Chúng tôi đã có thể chứng minh một cách chính xác các loài chim cũng sử dụng cơ chế giống con người để tạo ra âm thanh” - tiến sĩ Coen Elemans - người đứng đầu nghiên cứu này cho hay.

Tiến sĩ Jan Svec - đồng tác giả của nghiên cứu - cho rằng họ đã khám phá ra một bí mật “đáng ngạc nhiên và vô cùng tuyệt vời”.

Theo các nhà khoa học, phát hiện này đã làm sáng tỏ các hoạt động thần kinh chi phối việc học hót/hát ở cả người và chim. Cả hai loài đều nắm giữ khả năng hát và nói chuyện với nhau từ khi ra đời, nhưng chỉ thực sự phát huy được khả năng này bằng cách lắng nghe và bắt chước.

Ông Coen Elemans cho biết, kết quả nghiên cứu này không chỉ giúp các nhà khoa học hiểu rõ cách loài chim hót mà còn giúp ích trong việc nghiên cứu cơ chế khi phát ra tiếng hát của con người.