Những vụ việc đạo văn ngày một phức tạp gần đây, xảy ra ngay trong giới chuyên môn có nhiều năm kinh nghiệm, đang đặt ra thúc ước sớm có nội dung giáo dục hoặc khóa học chuyên sâu về đạo đức học thuật cho học sinh, sinh viên.

Ở bậc đại học, sinh viên thường được tham gia nhiều hoạt động khoa học, trong đó có nghiên cứu hoặc thực hiện các tiểu luận kết thúc môn, khóa luận kết thúc khóa học. Với dạng hoạt động này, vốn kéo dài rải rác trong suốt bốn năm học, sinh viên sẽ dần làm quen và bước đầu chịu sự đánh giá sản phẩm từ các qui chuẩn học thuật. Chẳng hạn, sinh viên phải tuân theo qui định sắp xếp thư mục tài liệu tham khảo, qui tắc trích dẫn cho đến tổng thuật lịch sử vấn đề, các thông tin sử dụng nguồn dữ liệu từ công trình khác,...

dsfsf
Sinh viên Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, bên poster trình bày tại một hội nghị khoa học của sinh viên. Ảnh: is.vnu.edu.vn

Sinh viên cũng được lưu ý, rèn giũa về mặt ngôn ngữ diễn đạt để tránh những lỗi trùng lặp hoặc tương đồng về mặt diễn đạt với các tài liệu đã có. Quá trình xét duyệt đề tài, đánh giá và nhận xét kết quả nghiên cứu của sinh viên diễn ra một nghiêm ngặt, tỉ mỉ hơn nếu sinh viên vấp phải những lỗi trầm trọng như “sao chép” y nguyên các bài báo, tiểu luận hoặc công trình khoa học của người khác, hoặc gian lận, bịa đặt, bóp méo thông tin, cung cấp chứng cứ giả,...
Với khóa luận tốt nghiệp, hội đồng đánh giá luôn đặt nặng vấn đề qui chuẩn học thuật bởi đấy có thể là bước khởi đầu cho quá trình nghiên cứu lâu dài về sau của sinh viên. Theo quan sát của tôi, sinh viên nào từng trải qua hoạt động khoa học ở bậc đại thì có nhiều kinh nghiệm và nhanh chóng thể hiện được phẩm chất nghiên cứu của mình ở các bậc học cao hơn. Nếu may mắn gặp được một giảng viên tâm huyết, nghiêm khắc, giỏi chuyên môn thì sinh viên có thể nằm lòng một số nguyên tắc như sự trung thực, minh bạch, chính trực và sở hữu trí tuệ trong học tập, nghiên cứu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải sinh viên nào cũng tham gia nghiên cứu khoa học, thậm chí, tỉ lệ sinh viên trải qua hoạt động này chỉ chiếm rất nhỏ so với số lượng sinh viên lựa chọn cách học thông thường là làm bài tập, bài kiểm tra ở mức độ thi kết thúc môn học.

Dĩ nhiên, giảng viên cũng sẽ đánh giá bài thi theo chuẩn tắc học thuật nhưng hầu như đều dừng lại ở mức độ nhắc nhở nếu sinh viên không thực hiện đúng các yêu cầu về trích dẫn, tham khảo, nguồn thông tin,… Nhiều sinh viên còn phàn nàn, hậm hực nếu bị phê bình vì lỗi “sao chép” tài liệu.

Bản thân giảng viên, trong một số tình huống không kiểm soát kĩ lưỡng hoặc không có phương tiện, công cụ hỗ trợ cho việc kiểm tra đạo văn, cũng khó lòng phát hiện chính xác và đầy đủ các “kĩ thuật” sao chép của sinh viên. Hơn nữa, việc xử lí vi phạm đạo văn của sinh viên ở đại học vẫn chưa được bài bản, đúng mực và hoàn toàn tùy thuộc qui định riêng của mỗi trường.

Bởi những bất cập đó, sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng hoàn toàn mơ hồ về đạo đức học thuật, liêm chính học thuật là một hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Là người giảng dạy lĩnh vực này, tôi từng gặp tình huống dở khóc dở cười khi sinh viên chép nguyên cả bài nghiên cứu của mình. Vấn đề ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, đôi khi nằm ở việc trường đại học đã xem nhẹ hoạt động trang bị hiểu biết về chuẩn mực đạo đức học thuật cho sinh viên. Cùng với đó, tính chất và mức độ vi phạm cũng được bỏ qua, thể tất phần lớn trước khi đánh giá chúng có thể gây ảnh đến người học lâu dài hay không.

Mặc dù một số trường đại học đã đưa môn phương pháp nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, không phải sinh viên nào cũng có thể chủ động hình thành ý thức về đạo đức học thuật. Có thể nói, sự rèn luyện và hình thành đạo đức học thuật chỉ trở nên đáng kể khi sinh viên có được môi trường học tập, nghiên cứu phong phú, chất lượng. Các va vấp, sai sót và vi phạm chỉ được hạn chế hoặc khắc phục khi người học trực tiếp thực hiện các bài tập nghiên cứu đa dạng và chuyên sâu. Do đó, thay vì để sinh viên lựa chọn, đại học cần có những ràng buộc cụ thể đối với sinh viên cần thực hiện bao nhiêu bài nghiên cứu trong toàn khóa học.

Tương tự, những qui định về xử lí vi phạm đạo đức học thuật cũng nên đưa vào thang đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Một hướng triển khai khác, dài hơi hơn, là xây dựng môn học đạo đức học thuật để giảng dạy như môn học chính thức. Môn học này, theo tôi, nên liên tục cập nhật các nội dung mang tính thời sự, thực tế và cần có các chuyên gia về học thuật hỗ trợ giảng dạy. Ít nhất, khi học môn này, sinh viên sẽ biết coi trọng các sản phẩm khoa học, nghiên cứu và nhận ra đằng sau chúng, là nỗ lực tri thức của cá nhân, tập thể nào đó. Chúng ta khó có thể xây dựng tinh thần văn hóa học thuật ở đại học nếu bản thân những đối tượng thụ hưởng, bao gồm sinh viên, thiếu đi cảm xúc trân quí các sản phẩm khoa học và nghiên cứu, trước tiên của chính ngôi trường đó.

Ở bậc học phổ thông, học sinh cũng cần được tiếp cận sớm với các qui định trích dẫn, tham khảo tài liệu và rộng hơn là đạo đức học thuật. Do ít thực hiện nghiên cứu và tiểu luận khoa học, học sinh phổ thông chưa có điều kiện nắm bắt các qui định cơ bản trong học thuật. Thói quen trích dẫn không chua nguồn, vay mượn ý, sử dụng tư liệu tùy tiện, “chôm”, “cóp”… trong các bài thi, bài tập của học sinh phổ thông trở nên phổ biến đến mức được xem là bình thường.

Nhiều giáo viên phổ thông chưa để tâm và ít hiểu biết về vấn đề này. Một số kĩ năng khác như đọc và trích dẫn sách, ghi chép tài liệu, xử lí văn bản, kiểm tra thông tin đối với các môn học xã hội cũng ít được trau dồi. Hơn nữa, học sinh phổ thông có xu hướng quan trọng hóa kết quả học tập hơn là hình thành các năng lực phân tích, phản biện hoặc tiếp nối khơi mở lượng kiến thức mình tiếp thu được. Nếu kéo dài những thực trạng này, rõ ràng, khi lên bậc đại học, nhiều học sinh phổ thông lại tiếp tục tái diễn thói quen “cầm nhầm” công sức của người khác.

Một số thảo luận, tọa đàm và khảo sát về đạo đức, liêm chính học thuật ở Việt Nam gần đây cho thấy ở học sinh, sinh viên là những đối tượng dễ rơi vào vi phạm một cách không chủ đích1. Bởi vậy, trang bị sớm hiểu biết về đạo đức học thuật không chỉ giúp học sinh, sinh viên tránh được những nhầm lẫn, sai phạm đáng tiếc mà còn tạo tiền đề thuận lợi cho sự ủng hộ, cổ vũ minh bạch, trung thực học thuật. Học sinh, sinh viên tiếp cận đạo đức học thuật, đặt trong bối cảnh quốc tế hóa khoa học, cũng không thể coi là quá xa vời, phù phiếm, mà nên xem như nền tảng cần thiết để mỗi người trẻ khẳng định tốt hơn năng lực, phẩm chất khoa học của mình.

(1) Xem thêm bài viết: Thu Quỳnh (2019), “Đạo đức học thuật trong KHXH&NV và những khoảng trống”, bản điện tử tại: https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Dao-duc-hoc-thuat-trong-KHXHNV-va-nhung-khoang-trong-14104