Các nhà khoa học LGBTQ có khả năng bị mất ngủ, gặp các triệu chứng trầm cảm và căng thẳng liên quan đến công việc thường xuyên hơn so với các đồng nghiệp khác - khảo sát mới ở Mỹ cho thấy.

Các nhà khoa học LGBTQ có nhiều khả năng bị quấy rối và gặp nhiều trở ngại nghề nghiệp hơn các đồng nghiệp không phải LGBTQ, theo kết quả khảo sát mới được công bố trên Science Advances. Đáng lo ngại hơn, khảo sát cho thấy tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ bên ngoài môi trường làm việc. Họ bị mất ngủ, gặp các triệu chứng trầm cảm và căng thẳng liên quan đến công việc thường xuyên hơn so với các đồng nghiệp không phải LGBTQ.

"Mặc dù kết quả cuộc khảo sát khá tiêu cực, nhưng đáng buồn là kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên," Elena Long, nhà vật lý hạt nhân tại Đại học New Hampshire ở Durham, cho biết. Cô nói thêm rằng, các nghiên cứu khảo sát như thế này giúp các nhà khoa học LGBTQ hiểu rằng họ không đơn độc và chỉ ra rằng những bất bình đẳng mà họ phải đối mặt có tính hệ thống.

Đám đông tại cuộc diễu hành LA Pride 2019 ở Los Angeles, California.

Bất bình đẳng

Các cuộc khảo sát trước đây về trải nghiệm của các nhà nghiên cứu LGBTQ cũng đã tìm thấy bằng chứng về hành vi quấy rối và kỳ thị tại nơi làm việc, nhưng các cuộc khảo sát này có xu hướng ở quy mô nhỏ và tập trung vào các ngành khoa học cụ thể. Theo một khảo sát công bố năm 2019 bởi các hiệp hội khoa học Anh, khảo sát hơn 600 nhà nghiên cứu làm việc trong các trường đại học và ngành công nghiệp, 18% số nhà khoa học LGBTQ cho biết họ đã từng bị quấy rối, bắt nạt hoặc gặp hành vi kỳ thị ở nơi làm việc. Con số này tăng lên 32% đối với nhóm chuyển giới.

Trong khảo sát công bố trên Science Advances, các nhà xã hội học Erin Cech ở Đại học Michigan, Ann Arbor, và Tom Waidzunas ở Đại học Temple, Pennsylvania, đã phân tích dữ liệu thu thập từ các thành viên của 21 cộng đồng khoa học có trụ sở ở Mỹ. Bộ dữ liệu bao gồm câu trả lời của hơn 25.000 nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực STEM, trong đó có 1.000 nhà khoa học LGBTQ.

Khảo sát cho thấy các nhà khoa học LGBTQ có ít cơ hội phát triển kỹ năng và khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt công việc, so với các đồng nghiệp không phải LGBTQ.

Họ cũng phải trải qua việc bị đánh giá thấp về mặt chuyên môn (chẳng hạn như bị coi là không giỏi bằng các đồng nghiệp) nhiều hơn 20% so với các nhà khoa học không phải LGBTQ; và có khả năng bị quấy rối tại nơi làm việc cao hơn 30%.

Tần suất gặp các vấn đề sức khỏe và tâm lý ở nhóm nhà khoa học LGBTQ (màu xanh) và nhóm nhà khoa học không phải LGBTQ (màu cam) theo thang điểm 1 đến 5 (1 là không bao giờ đến 5 là rất thường xuyên). (Từ trên xuống: Căng thẳng do công việc, Các vấn đề nhỏ về sức khỏe, Các triệu chứng trầm cảm, Mất ngủ)

Kết quả cũng cho thấy những trải nghiệm này ảnh hưởng đến cuộc sống bên ngoài môi trường làm việc của họ. Các nhà nghiên cứu LGBTQ có nguy cơ khó ngủ cao hơn 41% và có các triệu chứng trầm cảm cao hơn 30% so với các đồng nghiệp trong 12 tháng qua. Khoảng 22% các nhà khoa học LGBTQ cho biết có ý định rời bỏ ngành khoa học trong tháng qua, so với 15% các nhà khoa học không thuộc LGBTQ.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học LGBTQ từ các nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ có nhiều khả năng bị đánh giá thấp hoặc bị quấy rối trong công việc hơn những người da trắng và nam giới.

Mọi người đang đánh giá thấp định kiến chống lại nhiều nhóm người trong khoa học, Alfredo Carpineti, nhà báo khoa học và đồng sáng lập tổ chức Pride in STEM của Vương quốc Anh, nói. “Ý nghĩ 'các nhà khoa học chỉ quan tâm đến khoa học' chẳng qua là một câu chuyện cổ tích mà chúng ta kể cho nhau nghe để tránh đối mặt với những thực tế đen tối của giới học thuật".

Nguồn: