Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports của Đại học British Columbia (Canada) đã giải thích lý do các tế bào ung thư dường như khoác một chiếc “áo tàng hình”, cho phép chúng tồn tại và phát triển trong cơ thể mà không bị hệ thống miễn dịch phát hiện.

Tế bào ung thư di căn khó bị hệ miễn dịch phát hiện để tiêu diệt. Ảnh: Zmescience

Nghiên cứu còn gợi ý một giải pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh ung thư ác tính - dường như đang vô hình khi có thể “qua mặt” hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Một số bệnh ung thư - đặc biệt là các khối u di căn - có xu hướng ẩn nấp. Giáo sư di truyền học, vi sinh học và miễn dịch học Wilfred Jefferies - tác giả nghiên cứu - cho biết: “Hệ thống miễn dịch có thể xác định và ngăn chặn sự xuất hiện, lây lan của những khối u đầu tiên, nhưng khi những khối u di căn xuất hiện, chúng không thể nhận biết các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện một protein mang tên interleukein-33 (IL-33) có mặt trong các khối u đầu tiên. Chính sự xuất hiện của IL-33 đã giúp kích hoạt cơ chế “thông báo” cho cơ thể rằng các tế bào ung thư là xấu và hệ miễn dịch bắt đầu thực hiện chức năng tiêu diệt chúng.

Tuy nhiên, khi tế bào ung thư tiến hóa, chúng có thể làm ngừng sự tiết IL-33 khiến hệ thống miễn dịch không nhận biết sự hiện diện của chúng. Điều này khiến các khối u lây lan nhanh chóng (di căn).

Sự biến mất của IL-33 xảy ra trong bệnh ung thư biểu mô cho thấy ung thư bắt đầu thể hiện lên trên bề mặt của mô gây ra ung thư thận, vú, tử cung, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, phổi, tuyến tụy và các vùng da.

Việc cung cấp IL-33 có thể giúp phục hồi khả năng nhận biết khối u của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để thực hiện phương pháp này ở người. Các nhà khoa học tự tin rằng nghiên cứu của họ có thể đảo ngược tình thế, khiến các khối u di căn bị hệ thống miễn dịch sớm phát hiện.