Một trong những kỳ tích vĩ đại nhất chưa được giải thích trong lịch sử nhân loại đó là triết học văn bản ra đời độc lập từ những nơi khác nhau trên thế giới gần như cùng một lúc. Nguồn gốc của triết học Ấn Độ, Trung Hoa và Hy Lạp cổ đại, cũng như đạo Phật, tất cả đều có thể truy nguyên về một thời kỳ kéo dài khoảng 300 năm (từ thế kỷ thứ 8 TCN)


Khổng Tử (551-479 Trước Công Nguyên).

Nhưng, với tất cả những truyền thống triết học đa dạng và phong phú trên khắp thế giới, triết học phương Tây mà tôi đã nghiên cứu trong hơn 30 năm – dựa hoàn toàn vào những văn bản kinh điển của phương Tây – được giới thiệu như thứ triết học phổ quát, là sự chất vấn cuối cùng về hiểu biết của nhân loại. Triết học so sánh – nghiên cứu hai hoặc nhiều truyền thống triết học – gần như bị bỏ lại hoàn toàn cho những người làm việc trong ngành nhân học hoặc nghiên cứu văn hóa. Việc những nhà nghiên cứu triết học từ chối quan tâm đến vấn đề này thể hiện quan điểm cho rằng triết học so sánh chỉ có thể giúp chúng ta hiểu các nền văn hóa trí tuệ của Ấn Độ, Trung Hoa hay thế giới Hồi giáo, chứ không phải về thân phận con người. Gần đây và thật muộn, tôi mới khám phá các nền triết học cổ điển vĩ đại ở phần còn lại của thế giới, du hành qua các lục địa để tiếp xúc với chúng. Đó là hành trình tri thức bổ ích nhất cuộc đời tôi.

Hành trình triết học ấy đã thuyết phục tôi rằng chúng ta không thể hiểu bản thân mình nếu không hiểu người khác. Để hiểu người khác đòi hỏi một người phải lường trước được nguy hiểm kép đó là quá đề cao những điểm chung giữa mình và hay quá coi trọng những điểm khác biệt giữa họ và mình. Những giá trị nhân văn và những vấn đề muôn thuở trong đời sống mà loài người cùng chia sẻ khiến chúng ta luôn có thể học hỏi và đồng cảm với những suy nghĩ và việc làm của người khác, bất kể ban đầu họ có thể kỳ dị đến đâu. Đồng thời, chúng ta đều có thể có những khác biệt rất sâu sắc hoặc tinh tế trong cách tư duy. Nếu chúng ta vội giả định rằng mình có thể nhìn mọi thứ từ điểm nhìn của người khác, thì rốt cuộc chúng ta chỉ thấy họ từ một bản tùy biến của chính chúng ta mà thôi.

Du hành khắp các nền triết học của thế giới là một cơ hội để thách thức các niềm tin và cách thức tư duy mà chúng ta vốn có. Bằng cách thu nhận thêm hiểu biết về cách suy nghĩ của người khác, chúng ta có thể trở nên bớt chắc chắn về tri thức mà chúng ta có, vốn luôn là bước đầu tiên để hiểu rộng hơn.

Lấy ví dụ về thời gian. Trên khắp thế giới ngày nay, thời gian là tuyến tính, được sắp xếp theo thứ tự quá khứ, hiện tại, tương lai. Ngày tháng của chúng ta được tổ chức dựa vào vòng quay của kim đồng hồ, hay tóm gọn lại trong ngắn và trung hạn bằng lịch và nhật ký, lịch sử theo dòng thời gian được tính bằng đơn vị thiên niên kỷ.

Thời gian tuyến tính khớp với quan điểm cho rằng toàn bộ lịch sử nhân loại đều tiến về một phán xét cuối cùng. Điều đó giải thích tại sao, dần dần, nó trở thành một cách nhìn nhận phổ biến về thời gian trong phần lớn người theo đạo Thiên Chúa phương Tây. Khi Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới, ông bắt đầu với một câu chuyện về một khởi đầu, diễn biến, và một kết thúc. Như Sách Khải Huyền đã ghi, trong khi tiên đoán về những thời khắc kết thúc của nhân loại, Jesus chính là “Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc, đầu tiên và cuối cùng” của sử thi.

Thời gian tuần hoàn

Nhưng luôn có những cách tư duy khác về thời gian. Rất nhiều trường phái tư tưởng tin rằng khởi đầu và kết thúc luôn là một bởi vì về bản chất thời gian là tuần hoàn. Đây là một cách tư duy đúng đắn và trực quan nhất về sự vĩnh cửu. Khi chúng ta hình dung thời gian như một đường thẳng, cuối cùng ta lại thấy lạc lối: chuyện gì xảy ra trước khi thời gian bắt đầu? Làm thế nào một đường thẳng kéo dài tới vô tận? Một đường tròn cho phép chúng ta hình dung về quá trình lui lại và tiến lên liên tục vĩnh viễn, không có một điểm nhất định nào là khởi đầu hay kết thúc.

Tư duy về thời gian tuần hoàn đặc biệt có ý nghĩa trong các xã hội tiền hiện đại, nơi chỉ có ít đổi mới sáng tạo xuyên suốt nhiều thế hệ và người ta sống một cuộc đời rất giống với ông mình, cụ mình và nhiều thế hệ trước trong gia đình. Không có thay đổi, thì tiến triển là việc không thể tưởng tượng nổi. Bởi thế ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể được tìm thấy trong việc đón nhận chu kỳ của sự sống và cái chết và làm tốt nhất có thể với vai trò của mình.

Có lẽ đó là lý do cho việc thời gian tuần hoàn có vẻ như là một sự mặc định của con người. Người Maya, Inca và Hopi đều nhìn thời gian theo cách này. Rất nhiều truyền thống phi-Tây-phương chứa các yếu tố về tư duy về thời gian tuần hoàn, có lẽ rõ ràng nhất trong triết học cổ điển Ấn Độ. Triết gia kiêm chính khách Sarvepalli Radhakrishnan đã viết: “Tất cả những hệ thống [chính thống] đều chấp nhận quan điểm tiết tấu vĩ đại của thế giới. Những thời kì dài cho sáng thế, duy trì và biến mất tiếp nối nhau liên hồi vô tận.” Chẳng hạn, một đoạn trong kinh Vệ đà nói về Dyaus và Prithvi (Thiên đường và Trái đất) như sau: “Cái gì có trước, cái gì có sau? Chúng sinh ra thế nào? Này các hiền nhân, ai phân biệt được chứ? Chính chúng chứa đựng tất cả những gì từng tồn tại. Ngày và đêm tiếp nối nhau như trên một vòng quay.”

Triết học Đông Á bắt rễ rất sâu trong chu kỳ của các mùa, cũng một phần của một chu kỳ tồn tại lớn hơn. Chuyện này càng rõ ràng trong Đạo Lão, và được minh họa sống động nhờ sự hân hoan đáng kinh ngạc của triết gia Đạo Lão thế kỷ thứ 4 TCN Trang Tử khi tất cả mọi người nghĩ rằng ông ấy nên đau buồn vì người vợ đã khuất. Đầu tiên, ông đã giải thích rằng mình cũng khốn khổ như bất cứ ai. Sau đó ông nghĩ xa hơn về sự khởi đầu của chính thời gian: “Trong tất cả những cái khác thường và rối rắm, có gì đó đã thay đổi và có khí. Khí đã thay đổi, và hình cũng vậy. Hình thay đổi và cô ấy có sự sống. Hôm nay lại có sự thay đổi khác và cô ấy qua đời. Chuyện cũng giống như vòng tròn bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông vậy.”

Trong tư tưởng Trung Hoa, tri thức và sự thật là vĩnh cửu, và chúng ta không cần phải tiến lên để học, chỉ cần nắm bắt những gì mình đang có mà thôi. Như nhà Hán học người Scotland ở thế kỷ 19, James Legge, đã nói, Khổng Tử không nghĩ rằng mục tiêu của ông là “thông báo bất cứ sự thật mới lạ, hay khởi đầu bất kỳ nền kinh tế mới nào. Ông chỉ ngăn những gì từng được biết đến khỏi sự mất mát.” Tương tự như vậy, Mạnh Tử, đã phê bình những vị hoàng đế ở thời kỳ của ông bởi vì “họ không làm theo lối của những vị hoàng đế xưa.” Mạnh Tử cũng đã nói, trong chương áp chót của cuốn tuyển tập những cuộc đối thoại của ông cũng mang tên Mạnh Tử, gần với phần kết luận của cuốn sách: “Bậc đại nhân đơn giản là tìm lại những chuẩn tắc bất biến, và, nếu tìm đúng, thì thiên hạ được đánh thức trước đức hạnh.” Chương cuối cùng lập đồ thị các thời kỳ giữa các vị vua và triều đại vĩ đại.

Một thứ lai giữa thời gian tuần hoàn và tuyến tính hoạt động trong các dải tư duy Hồi giáo. “Khái niệm của Hồi giáo về thời gian về căn bản dựa trên quá trình trẻ hóa tuần hoàn của lịch sử nhân loại qua sự xuất hiện của các lời tiên tri khác nhau,” Seyyed Hossein Nasr, giáo sư danh dự Hồi giáo học của Đại học George Washington nói. Tuy nhiên, mỗi chu kỳ đều đưa nhân loại tiến lên, với mỗi lần mặc khải dựng lên từ cái cũ – tiếng gọi của Qu’ran tới Muhammad trở thành lời tuyên bố hoàn thiện, tối hậu của Chúa Trời – cho tới khi cuối cùng chuỗi những chu kỳ này kết thúc với sự xuất hiện của Mahdi, người trị vì trong suốt 40 năm trước ngày phán xét cuối cùng.

Thời gian không thể tách khỏi nơi chốn

Bởi thế, sự phân biệt giữa thời gian tuyến tính và tuần hoàn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Giả thiết về một song đề sai đã dẫn nhiều người tới việc giả định rằng những truyền thống triết học truyền miệng chỉ đơn giản là khái niệm thời gian tuần hoàn. Thực tế phức tạp hơn thế. Ví dụ như các triết học của người bản địa Úc. Không có những người Úc đơn lẻ đầu tiên nào khởi xướng một văn hóa tập thể, nhưng có đủ những điểm chung giữa họ trên khắp đất nước cho phép tổng quát hóa thử một số ý tưởng chung hay có ảnh hưởng chính. Nhà nhân loại học quá cố David Maybury-Lewis đã đặt ra giả thuyết rằng thời gian trong văn hóa Úc bản địa vừa không tuyến tính vừa không tuần hoàn; thay vào đó, nó giống với không-thời gian của vật lý hiện đại. Thời gian được gắn kết chặt chẽ với địa điểm trong cái mà ông gọi là “thời-gian-mơ-tưởng” của “quá khứ, hiện tại, tương tai đều tất thảy hiện hữu ở địa điểm này”.

“Người ta sống ở một địa điểm hơn là một thời gian,” là cách mà Stephen Muecke viết trong cuốn sách Ancient and Modern: Time, Culture and Indigenous Philosophy (Cổ đại và Hiện đại: Thời gian, Văn hóa và Triết học Bản địa). Quan trọng hơn sự phân biệt giữa thời gian tuyến tính hay thời gian tuần hoàn là liệu thời gian tách biệt hay gắn kết chặt chẽ với địa điểm. Chẳng hạn, xét xem chúng ta nhận thức thế nào về cái chết. Ở phương Tây ngày nay, cái chết nói chung được nhìn nhận như sự tắt thở của một cá nhân, với thân thể như địa điểm và vị trí của thân thể đó thì không quan trọng. Trái lại, Muecke nói: “Rất nhiều câu chuyện bản địa về cái chết của một cá nhân đều không mấy liên quan đến sự chết của thân thể mà là sự trả về năng lượng cho nơi nguồn cội mà với đó nó tái xác định.”

Cách tư duy như vậy là đặc biệt kỳ lạ với phương tây hiện đại, nơi sự theo đuổi tính khách quan đã hạ thấp một cách có hệ thống vai trò của một địa danh rõ ràng, cụ thể. Trong một câu mang tính khiêu khích và khơi gợi, Muecke nói: “Tôi cho rằng sự nhìn xa trông rộng là một dạng thiển cận triết học của châu Âu và rằng các phiên bản khác của triết học, như của những người bản địa chẳng hạn, có kết nối sinh động và sâu sắc hơn hơn đến các xã hội loài người và cách họ nói về mình”

Muecke trích dẫn quan điểm hàn lâm của Tony Swain rằng khái niệm về thời gian tuyến tính là một thứ tách rời khỏi địa điểm. “Tôi cảm tưởng rằng vật lý hiện đại đã tách những chiều kích này (thời gian, không gian) khỏi nhau và nghiên cứu trên đó, vì thế chúng ta tạo ra thời gian như đã biết thông qua rất nhiều hoạt động lý thuyết và thực nghiệm,” Muecke nói với tôi. “Nếu bạn không tách biệt những chiều kích này ở dạng khái niệm và thực nghiệm, thì chúng sẽ có xu hướng trôi cùng nhau.” Những người bạn bản địa của anh ta ít nói về thời gian và địa điểm một cách độc lập, mà nói nhiều hơn về các sự kiện có địa điểm xác định. Câu hỏi quan trọng về thời gian không phải là “Chuyện này đã xảy ra khi nào vậy?” mà là “Chuyện này liên quan gì đến các sự kiện khác?”

Từ “liên quan” rất quan trọng. Thời gian và không gian đã trở thành những khái niệm trừu tượng về mặt lý thuyết trong vật lý hiện đại, nhưng trong văn hóa của con người thì chúng là những thực tế cụ thể. Không có gì tồn tại thuần túy như một điểm trên bản đồ hay một thời khắc trong thời gian: mọi thứ đều nằm trong mối liên kết với những thứ khác. Vì vậy, để hiểu thời gian và không gian trong các truyền thống triết học truyền miệng, chúng ta phải nhìn chúng như những khái niệm sống thay vì những khái niệm trừu tượng trong các lý thuyết siêu hình, là bộ phần của một cách hiểu rộng hơn về thế giới – một thứ khởi sinh từ sự liên quan. Hirini Kaa, giảng viên ở Đại học Auckland, nói rằng “trụ cột quan trọng của tư tưởng của Maori là mối quan hệ máu mủ, sự kết nối giữa nhân loại, giữa người này người khác, giữa môi trường tự nhiên.”

David Mowaljarlai, người từng là Chấp pháp trưởng lão của bộ tộc Ngarinyin ở Tây Úc, gọi đây là nguyên lý của sự kết nối “tư duy mô thức”. Tư duy mô thức ngập tràn thế giới tự nhiên và thế giới xã hội, mà, sau cùng, theo cách tư duy này, chúng chỉ là một phần của cùng một thứ. Như Muecke đã viết, “Khái niệm liên kết là cơ sở của tất cả các hệ thống họ hàng […] Kết hôn, trong trường hợp này, không chỉ là kết đôi, mà theo một cách nhìn khác, nó là sự sẻ chia bản thân mình cho nhau.”

Từ địa phương đến phổ quát, từ phổ quát đến địa phương

Sự nhấn mạnh vào tính kết nối và địa điểm dẫn tới một cách thức tư duy đi ngược với chủ nghĩa phổ quát trừu tượng đã phát triển tới một mức độ nhất định trong tất cả các kiệt tác triết học phương Tây. Muecke mô tả điều này như một trong “những nguyên lý trường tồn [Úc Bản địa]” mà “một hình thức tồn tại sẽ đặc trưng cho nguồn lực và nhu cầu ở tại một thời gian cũng như nơi chốn và rằng cách cư xử của một người sẽ gắn với trách nhiệm đặc trưng của nơi đó” Đây không phải là thuyết tương đối “sao cũng được”, mà là một sự nhận biết rằng các quyền, trách nhiệm và giá trị chỉ tồn tại trong văn hóa con người, và dạng thức đích thực của chúng sẽ phụ thuộc vào bản chất của các tình huống.

Chuyện như thế chắc đã đủ rõ ràng. Nhưng các truyền thống của triết học phương tây, nói riêng, đã cố đạt đến tính phổ quát đòi hỏi sự phân biệt rõ ràng giữa thời gian và địa điểm. Chẳng hạn, từ “university” (đại học) còn có chung từ nguyên với “universal” (phổ quát). Trong những cơ sở đào tạo này, “chân lý không có biên giới quốc gia” như một người bình luận nhận xét. Địa điểm không hề quan trọng trong triết học phương tây tới mức khi tôi khám phá ra rằng đó là chủ đề của Hội thảo Triết gia Đông-Tây diễn ra 5 năm một lần vào năm 2016, tôi đã tự hỏi mình có gì đó để nói trước hội thảo hay không. (Tôi đã quyết định rằng chính sự thiếu vắng nơi chốn trong triết học phương Tây đáng được cân nhắc)

“Tư duy mô thức” của Maori và các triết học Úc Bản địa có thể chỉnh lý lại cho giả định rằng các giá trị của chúng ta là các giá trị phổ quát còn các giá trị khác thì đều lầm lạc. Nó lý giải một cách mạch lạc và thuyết phục ý tưởng cho rằng triết học luôn gắn liền với địa điểm và những tư tưởng chẳng hề gắn với một nơi chốn cụ thể thì sẽ sớm lụi tàn và chết.

Tuy nhiên những hồ nghi về tính phổ quát chỉ có thể dừng lại ở đó. Chí ít thì vẫn có một mâu thuẫn khi nói rằng không có chân lý phổ quát nào, bởi vì đây cũng là một khẳng định mang tính phổ quát về chân lý. Quan điểm đúng đắn có lẽ nằm đâu đó giữa các khẳng định của những người theo thuyết phổ quát ngây thơ và những người theo thuyết địa phương đầy hoài nghi. Có cảm giác là ngay cả khát khao mang tính phổ quát phải có nguồn gốc từ một thứ gì đó đặc thù hơn. T. S. Eliot được cho là đã nói rằng: “Mặc dù quá dễ để người viết trở nên địa phương mà không bị phổ quát, tôi nghi ngờ rằng một nhà thơ hay tiểu thuyết gia sẽ chẳng thể trở nên phổ quát nếu thiếu đi tính địa phương.” Thuần túy phổ quát nghĩa là ta đang nương náu trong một vũ trụ trừu tượng tách biệt hoàn toàn khỏi thực tế. Nhưng, cũng giống một tiểu thuyết gia có thể chạm tới những điều phổ quát về thân phận con người qua một vài nhân vật và một câu chuyện cụ thể, những truyền thống triết học địa phương khác, mặc dù được tiếp cận từ góc nhìn riêng của người bản địa, cũng có thể đưa những chân lý triết học phổ quát ra ánh sáng.

Chúng ta không nên sợ hãi rồi mắc cạn trong truyền thống của chính chúng ta, mà cũng không nên bị chúng hạn chế. Như Gandhi đã rất thơ khi viết: “Tôi không muốn nhà mình bị các bức tường bao tứ phía, và các cửa sổ thì đóng chặt. Tôi muốn nền văn hóa của tất cả các vùng đất ùa vào nhà tôi tự do hết sức có thể. Nhưng tôi từ chối bị bất cứ thứ gì thổi bay. Tôi từ chối sống trong những ngôi nhà của người khác như một kẻ không mời mà đến, một kẻ ăn mày hay một tên nô lệ.”

Những cách thức khác nhau mà các truyền thống triết học đã dùng để nhận thức thời gian hóa ra lại định hình cách ta nghĩ về cả vị trí đương thời của ta trong lịch sử và mối liên hệ của chúng ta với vị trí vật lý mà ta đang sống. Nó là một trong những ví dụ dễ nhất và rõ ràng nhất cho việc làm thế nào mà việc mượn cách tư duy khác lại có thể mang lại một góc nhìn mới mẻ về thế giới. Đôi khi, đơn giản nhờ việc thay đổi khung tranh mà cả bức vẽ có thể trông hoàn toàn khác biệt.

-----------
* Nhà triết học người Anh, tác giả của nhiều cuốn sách triết học cho đại chúng