Tại nhiều nơi trên thế giới, việc sở hữu một chiếc tivi liên quan đến không chỉ một loại chi phí.

Truyền hình là một loại dịch vụ thiết yếu. Ảnh: Shutterstock.
Truyền hình là một loại dịch vụ thiết yếu. Ảnh: Shutterstock.

Đầu tiên là bản thân thiết bị, tùy theo nhu cầu của người dùng, có thể có giá từ vài trăm đến hàng ngàn USD. Tiếp đó là phí thuê bao các kênh truyền hình, dịch vụ streaming, tiền điện, … Và cuối cùng, thuế sở hữu một bộ TV, đặc biệt nếu bạn sống ở châu Âu.

Mục đích của giấy phép xem truyền hình là để tài trợ cho những dịch vụ phát sóng công cộng. Nhiều kênh truyền hình thuộc sở hữu nhà nước thường được tài trợ phần lớn thông qua hình thức này. Phần còn lại lấy từ nguồn thu quảng cáo, với tỷ lệ ở các nước rất khác nhau. Chẳng hạn, đài truyền hình TVP của Ba Lan thu được nhiều tiền từ quảng cáo hơn thuế truyền hình.

Giấy phép xem truyền hình, và đôi khi cả thuế nghe phát thanh, là khoản phí mà người dùng phải trả để sở hữu một bộ thiết bị thu hình/thu thanh. Tại châu Âu, điều này khá phổ biến. Những nơi duy nhất bên ngoài châu Âu áp dụng hình thức này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan ở châu Á; Namibia, Ghana, Nam Phi và Mauritius ở châu Phi. Trước đây, một quốc gia đã từng áp dụng loại thuế này, nhưng sau đó bãi bỏ. Trong khi Hoa Kỳ và Brazil thậm chí còn chưa bao giờ có thuế truyền hình.

Giấy phép trạm thu sóng radio tại Canada, phát hành ngày 31/07/1948. Ảnh: Wikimedia Commons.
Giấy phép trạm thu sóng radio tại Canada, phát hành ngày 31/07/1948. Ảnh: Wikimedia Commons.

Vương Quốc Anh là nơi đầu tiên áp dụng chính sách đăng ký thuê bao truyền hình bắt buộc, và chuyển tất cả số tiền thu được cho BBC (Thông tấn xã của Vương Quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, được thành lập từ năm 1927). Ban đầu, loại thuế này được gọi là thuế phát sóng vô tuyến (wireless). Cùng với sự phát triển của truyền hình, nhiều quốc gia đã áp dụng bổ sung một loại thuế riêng biệt, trong khi những nước khác đơn giản chỉ tăng thuế phát thanh để trang trải thêm chi phí phát sóng truyền hình, đổi tên từ “thuế phát thanh” thành “thuế truyền hình” hoặc “thuế máy thu”. Ngày nay, hầu hết các nước đều tài trợ phát sóng radio công cộng từ cùng một nguồn thuế phí được sử dụng cho truyền hình, mặc dù một số nơi vẫn áp dụng thuế phát thanh riêng biệt, hay quy định mức phí thấp hơn hoặc không tính phí đối với người dùng chỉ có một thiết bị radio. Ngoài ra, TV màu cũng có thể phải chịu mức thuế khác so với TV đen trắng.

Ấn Độ cũng cấp phép nghe radio đến tận năm 1984. Chính sách này được áp dụng vào năm 1928, chỉ sau Anh Quốc một năm. Giấy phép truyền hình và radio được cấp mới hằng năm tại bưu điện ở Ấn Độ. Nhà chức trách sẽ thường xuyên kiểm tra và phạt những ai vi phạm (trốn thuế), bao gồm cả hình thức thu giữ thiết bị. Ảnh: Reddit.
Ấn Độ cũng cấp phép nghe radio đến tận năm 1984. Chính sách này được áp dụng vào năm 1928, chỉ sau Anh Quốc một năm. Giấy phép truyền hình và radio được cấp mới hằng năm tại bưu điện ở Ấn Độ. Nhà chức trách sẽ thường xuyên kiểm tra và phạt những ai vi phạm (trốn thuế), bao gồm cả hình thức thu giữ thiết bị. Ảnh: Reddit.

Tại Serbia, Romania và một số nơi khác, thuế truyền hình được trả qua hóa đơn tiền điện. Biện pháp này khiến người sử dụng khó trốn thuế hơn. Theo ước tính, khoảng 5% người sở hữu TV ở Anh Quốc không bao giờ đóng thuế truyền hình. Nhưng tỷ lệ trốn thuế cao nhất là ở Ba Lan – khoảng 65%. Trước thực trạng đó, chính phủ Ba Lan hiện đang cân nhắc việc bỏ hoàn toàn thuế truyền hình và tài trợ cho các đài phát thanh/truyền hình công từ nguồn thuế chung.

Không khó để phát hiện ai là người trốn thuế. Bởi hầu như tất cả các hộ đều được thu thuế, nên chỉ những ai không chịu trả tiền mới cần phải kiểm tra. Như BBC tuyên bố, họ sở hữu loại “xe dò đặc biệt” chuyên đi khắp nơi để tìm kiếm những chủ sở hữu TV không có giấy phép xem truyền hình. Mặc dù vậy, điều chưa bao giờ được xác minh bởi các nguồn độc lập, và BBC cũng từ chối cung cấp thông tin về công nghệ đằng sau những chiếc xe. Vì thế, không ít người cho rằng: đó chỉ là mẹo khiến người trốn thuế lo ngại và sẽ tự giác trả tiền.

Xe dò sóng phát hiện người trốn thuế truyền hình của BBC. Ảnh: Getty Images.
Xe dò sóng phát hiện người trốn thuế truyền hình của BBC. Ảnh: Getty Images.

Người Áo hiện đang phải trả mức thuế truyền hình cao nhất, khoảng 335 Euro một năm, trong khi Albania chỉ chưa tới 6 Euro. Ngoài ra, cũng chỉ còn 15 nước châu Âu áp dụng loại thuế này. Tại một số nước khác, người dân sẽ gián tiếp trả thuế thông qua hóa đơn tiền điện. Ở Israel, chỉ chủ sở hữu ô tô mới bị áp thuế phát thanh.

Thuế truyền hình gây ra khá nhiều tranh cãi. Những ý kiến ủng hộ cho rằng nó giúp người dân được thưởng thức các chương trình yêu thích mà không bị quảng cáo làm gián đoạn. Truyền hình được tài trợ bởi quảng cáo thực ra không hề miễn phí đối với người xem, bởi chính họ đã gián tiếp trả tiền khi mua sản phẩm trong thực tế. Ngoài ra, họ còn mất thời gian để xem quảng cáo. Trong khi những người chỉ trích lại cho rằng: về bản chất, đó chính là một hình thức đánh thuế lũy thoái, và người nghèo phải chi nhiều tiền hơn cho cùng một loại dịch vụ so với thu nhập của họ.

Mô hình quảng cáo trên truyền hình cho thấy chi phí được chi trả tương ứng với hiệu quả tiêu thụ hàng hóa đại chúng, nhất là xa xỉ phẩm. Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy nhu cầu của công chúng về nội dung phi thương mại không cao như người ta vẫn nghĩ.

Phương án tài trợ cho truyền hình thông qua nguồn thu từ thuê bao đăng ký lại có nguy cơ gây nên tình trạng bất bình đẳng, bởi những người nghèo nhất trong xã hội thường khó tiếp cận các chương trình hay các nội dung hấp dẫn.