Muốn cho người khác chứng tỏ tiềm năng tốt nhất thì phải biết cách tạo động lực, tạo điều kiện, huấn luyện, và quan trọng là phải cho họ không gian, dư địa để sáng tạo và đóng góp.

Ảnh: AFP.
Ảnh: AFP.

Hồi còn trẻ và hơi quá tự tin, thiệt ra thì cũng vì có vài thành tựu hên sao vẻ vang, nên tôi hơi bị control freak – cái tật gọi là kiểm soát người khác hơi quá tay. Người ta làm gì cũng phải theo ý mình đã vẽ ra và bắt là phải làm y chang như mình mong muốn. Nhận kết quả mà không theo ý mình mong muốn thì sẽ nổi điên lên, và việc đầu tiên là la làng. Sau đó sẽ gây áp lực lên cá nhân hay tập thể. Sau đó sẽ lăn ra stress cao độ và cảm thấy rất cô đơn vì chẳng ai hiểu mình, làm đúng ý mình, hay làm đúng – mong muốn của mình.

Hồi vào tập đoàn, may quá do tập đoàn có chính sách coaching – tạm dịch là huấn luyện một kèm một, cho dàn quản lý, tôi bị huấn luyện viên của mình hỏi nhiều câu làm mình phải suy nghĩ khác đi. Ảnh hỏi, ủa mà khi giao việc Phi có briefing – giảng giải nhu cầu - không, ủa mà Phi brief làm sao, ủa mà Phi briefing người ta có hiểu không, ủa mà Phi briefing có đầy đủ không, ủa mà đầy đủ theo Phi là sao, ủa mà đầy đủ theo suy nghĩ của người ta là sao….. Trời ơi, hỏi riết, hỏi riết muốn khùng luôn. Mới thấy, ủa mà chuyện không ra ngô ra khoai nó có nhiều vấn đề liên quan lắm và chưa bao giờ là đường một chiều hết cả. Mình chưa chắc đã hiểu mình muốn gì thì sao có thể chắc người ta hiểu mình muốn gì. Mà không hiểu thì làm sao sáng tạo, và không hiểu thì làm sao làm tốt?

Do tập tính trước đây làm nhỏ, tôi quen làm một mình. Khi nhóm làm việc phình ra lớn hơn, tôi thiếu khả năng – nâng cấp kỹ năng dẫn dắt đội nhóm. Nhìn lại, có cái sai của họ, có cái sai của mình. Nhưng cái sai lớn nhất là chưa biết cách tận dụng nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả nhất. Mà muốn cho con người chứng tỏ tiềm năng tốt nhất thì phải biết cách tạo động lực, tạo điều kiện, huấn luyện, và quan trọng là phải cho họ không gian, dư địa để sáng tạo và đóng góp. Cuối cùng, sau những đêm trằn trọc trả lời câu hỏi làm sao làm sao thì ghi lại vầy, chia sẻ cho các bạn đang ở trong tình trạng giống tôi ngày xưa.

1. Này quan trọng nhất nè – Start with why: bắt đầu tất cả bằng chữ why – tại sao ta cần làm chuyện ta đang muốn làm? Why? Làm xong thì nó giúp gì cho mục đích của ta và giúp gì cho ai khác? Hỏi chừng 5 lần chữ why vậy có khi mới ra được lý do thực tế. Ủa mà chữ why của bạn với của team có giống nhau không? Khi nhóm làm việc không hiểu tại sao họ phải làm thứ bạn ấn vô não người ta thì sao mà người ta làm tốt được. Mà tại sao bạn đang làm chuyện bạn đang làm? Bạn biết không?

2. Hiểu rõ bản thân là mình mạnh gì và yếu gì. Đừng có nói bạn giỏi hết nha. Tôi biết sẽ có người nói thế vì tôi cũng từng nghĩ mình có thể giỏi tất cả mọi thứ dựa trên khả năng học hỏi và nắm bắt nhanh. Không ai trên đời là giỏi hết cả. You are not perfect – Không ai trên đời là hoàn hảo cả. Và đừng cố gắng challenge cuộc đời là tôi sẽ là người hoàn hảo đầu tiên. Chưa thấy người ấy xuất hiện thì đã có kẻ stress thứ bốn tỷ sáu triệu năm trăm bốn mươi lăm ngàn gì đó rồi. Con số tự nói đại đó, không có hoàn hảo tới nổi đi check xem số chính xác là bao nhiêu đâu.

3. Tìm mảnh ghép: biết mình yếu gì thì người tiếp theo ta tìm để giúp ta là mảnh ghép vào cái chỗ yếu. Mình thuê hay tìm người đồng hành không phải để control người ta. Mình tạo điều kiện cho người ta show hết khả năng của người ta mới là dùng người đúng nghĩa. Lãnh đạo giỏi là nhóm làm việc làm việc mà nghĩ mình không làm việc, mà đang cùng nhau làm những điều kỳ diệu trong đời. Còn nếu nhóm làm việc mà đang stress và khủng hoảng thì, lãnh đạo coi lại nhé.

4. Đổi mode vận hành từ control freak sang delegator: hiểu là ai có thể giao việc gì đúng thế mạnh, rồi giao việc, briefing thật rõ ràng, thật kỹ, kiểm tra để hỗ trợ, tạo không gian tinh thần tích cực để người ta chia sẻ khó khăn một cách dễ dàng, cùng bão não một cách vui vẻ để ra nhiều ý tưởng sáng tạo. Trí tuệ tập thể bao giờ cũng chiến thắng, nên mới có môn design thinking – tư duy thiết kế là vậy, vì nó tận dụng tất cả các góc nhìn khác nhau của nhiều người có nền tảng khác nhau, làm cho mọi thứ sáng tạo hơn.

Vậy nha. Lãnh đạo nên lùi lại và phản tư. Nếu cái gì nó không hoạt động là nó có vấn đề. Mà vấn đề giải quyết cách này không được thì phải sáng tạo ra cách khác, thử nghiệm thử kiểu khác thôi. Stress làm gì cho mệt. Đâm đầu hoài vô đường cụt chi cho khổ. Cuối cùng, độc diễn có cách làm của độc diễn, nhưng nếu muốn dẫn dắt đội nhóm thì bạn phải nâng cấp mình trước đã. Mọi thứ bắt đầu từ ta hết. Rồi môi trường sẽ thay đổi theo tâm thế của ta.