Nhiều trường học ở Nhật Bản thường trưng bày ngay tại lối vào bức tượng một cậu bé gánh củi trên lưng, mặt chăm chú vào cuốn sách đang mở. Đó chính là Ninomiya Sontoku (1787 - 1856) – nhà tư tưởng, chuyên gia nông học đáng kính của xứ Phù Tang.

Tượng Ninomiya Sontoku được đặt ngay tại lối vào của nhiều trường học ở Nhật Bản. Nguồn: Wikimedia.
Tượng Ninomiya Sontoku được đặt ngay tại lối vào của nhiều trường học ở Nhật Bản. Nguồn: Wikimedia.

Nghị lực phi thường

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo tại Kayama, Ashigarakami, phiên Sagami (nay là Odawara, Kanagawa), Ninomiya đã trải qua một tuổi thơ vất vả do cha mẹ mất sớm. Chuyển đến sống với người chú, cậu bé Kinjiro (tên lúc nhỏ của Ninomiya) phải làm việc quần quật hằng ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Đặc biệt ham học nhưng Kinjiro đã không có nhiều thời gian để đọc sách, còn việc đến trường thì lại càng xa xỉ. Bản thân chú của cậu, cũng như đa số nông dân thời đó, thường xem việc học chẳng có mấy giá trị (chưa kể còn sợ lãng phí tiền dầu đốt đèn ban đêm). Vì thế Kinjiro đã tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, cả khi lên rừng kiếm củi hay làm việc ngoài đồng. Lớn thêm một chút, cậu đã tự nảy ra sáng kiến: tận dụng những khoảng đất hoang trồng nho hạt để bán, mua dầu đốt đèn và tiếp tục việc học.

Nỗ lực giúp ích cho cộng đồng

Ở tuổi 20, Ninomiya đã tự tạo dựng cho mình một nông trang riêng. Năm 22 tuổi, ông bắt đầu cho người làng thuê lại ruộng đất để giành thời gian đọc sách và tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác. Năm 24 tuổi, ông đã tích lũy được khoảng 1,4 hecta trang trại và một gia sản lớn nhờ canh tác tốt cùng hoạt động quản lý tài chính chặt chẽ. Noi gương ông, nhiều người làng đã cùng tập trung phát triển nông nghiệp và ngày càng trở nên giàu có. Năm 25, Ninomiya được gia tộc Hattori Jūrobei - thân tín của lãnh chúa Odawara - mời đến giúp ba vị công tử học hành. Trong thời gian này, ông đã phát triển ý niệm về gojōkō – một dạng cộng tác tài chính. Theo đề xuất của ông, những gia nhân của nhà Hattori sẽ tự nguyện góp tiền vào một quỹ chung để có thể mượn lại từ đó, với lãi suất và kỳ hạn cụ thể, căn cứ trên nhu cầu của người vay. Nhờ ảnh hưởng của nền đạo đức Khổng giáo (đề cao chữ tín), hầu hết người vay đều hoàn trả đúng hạn các khoản nợ. Mô hình này sau đó đã lan rộng nhờ tỷ lệ rủi ro (vỡ nợ) thấp và lãi suất đủ làm lợi cho người góp vốn. Sau đó, lãnh chúa Hattori Jubei xứ Odawara đã cho mời Ninomiya tới để xin lời khuyên vì vùng đất do ông này cai trị đang lâm vào cảnh nợ nần. Tin vào giải pháp của Ninomiya, Hattori đã cho nhân rộng mô hình gojōkō ra toàn phiên – được xem là liên minh tín dụng đầu tiên trên thế giới.

Nhận thấy nguyên nhân khiến Odawara nghèo nàn không phải chỉ do đất đai bạc màu, mà còn bởi sự lười nhác và xao nhãng của nông dân (nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang), Ninomiya đã dùng tài sản riêng của mình, cộng với đãi ngộ do lãnh chúa ban phát, cung cấp nhiều khoản vay lãi suất thấp giúp nông dân mua sắm và trang bị các đầu vào cần thiết - với kỳ vọng sẽ thu lại cả vốn lẫn lãi từ lợi nhuận hằng năm. Bằng cách đó, ông đã khuyến khích người dân phải làm việc có trách nhiệm và sáng tạo. Ninomiya luôn tâm niệm: chính sự cộng tác và gắn kết mới là nền tảng bền vững cho sự phát triển của cả một cộng đồng, cho nên ông đã cổ vũ mọi người tích cực tham gia vào tiến trình xây dựng sự đồng thuận mà ông gọi là imokoji.

Hình ảnh cậu bé Kinjiro vừa gánh củi vừa chăm chú đọc sách trong bộ phim về cuộc đời Ninomiya Sontoku. Nguồn: NHK.
Hình ảnh cậu bé Kinjiro vừa gánh củi vừa chăm chú đọc sách trong bộ phim về cuộc đời Ninomiya Sontoku. Nguồn: NHK.

Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vấp phải sự phản đối của nhiều gia thần nhà lãnh chúa (do lo sợ mất địa vị), Ninomiya đã tạm lánh về đền thờ Naritasan Shinshōji (nay thuộc tỉnh Chiba, trải qua một khóa tu thiền, nhịn ăn kéo dài 21 ngày và đạt được sự thức tỉnh về mặt tinh thần. Ngộ ra chân lý về ichien (ý tưởng nhất nguyên về một vòng tuần hoàn), ông trở lại Odawara với sự kiên định và niềm tin để chiến thắng mọi trở ngại. Quả đúng như vậy, trí tuệ và tài năng lãnh đạo của ông ngày càng được người dân coi trọng, khiến lãnh chúa phải thay thế những thành phần ghen ghét, chống đối.

Được giao nhiều quyền và thoải mái làm việc, Ninomiya đã góp công rất lớn vào sự hồi sinh và phát triển của những vùng đất hoang vu bằng nhiều biện pháp (chẳng hạn khuyến khích dân ở các khu vực xung quanh tới định cư, ...) Ngoài ra, ông còn khuyến nghị thiết lập các quy định hoàn chỉnh cho việc mua bán gạo trên thị trường, hay đào tạo nông dân dự đoán sản lượng mùa vụ ... Nhờ vậy mà Odawara đã ít bị nạn đói Tenpō (thập niên 1830) tàn phá do tích lũy được rất nhiều gạo trước đó; năm 1831, sản lượng thóc của nơi này thậm chí còn tăng gấp đôi so với năm 1823.

Tiếng lành đồn xa, nhiều vị lãnh chúa khác cũng tìm đến Ninomiya để được giúp đỡ. Đích thân ông đã đi khắp 600 thôn làng để hướng dẫn người dân canh tác trên những mảnh đất hoang và dạy họ cách sống giản dị, tiết kiệm. Số lượng người tin và làm theo ông ngày càng nhiều, giúp các lãnh địa nhanh chóng phục hồi kinh tế. Những năm cuối đời, sau khi đã nổi tiếng trên toàn nước Nhật, chính quyền Mạc Phủ (Shogun) còn cho mời Ninomiya đến thành Edo làm việc. Từ xuất thân của một nông dân chân lấm tay bùn, ông đã trang trọng khoác lên mình bộ lễ phục Kamisimo oai phong - sánh ngang với các lãnh chúa.

Di sản tinh thần

Ninomiya đã phát triển một hệ thống học thuyết đạo đức kinh tế của riêng mình - gọi là hōtoku - và có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ sau. Về căn bản, hōtoku nhấn mạnh sự nhất quán trong hành vi cùng cảm giác biết ơn đối với gia đình, tổ tiên, cộng đồng và vũ trụ, bao gồm bốn nguyên tắc căn bản: shisei (sự trung thực, thành thật); kinrō (chăm chỉ, siêng năng); bundo (lập kế hoạch và làm việc đúng khả năng, trong điều kiện cho phép); và suijō (thứ mà ngày nay người ta vẫn hay gọi là cho đi). Ninomiya chủ trương: tất cả các hoạt động kinh tế theo hướng tích lũy của cải cũng cần phải làm lợi cho xã hội chung, dựa trên phẩm hạnh và những đức tính tốt như sự tiết chế và lòng vị tha. Chính ý niệm này đã đặt nền móng tinh thần và đạo đức cho cái gọi là Chủ nghĩa Tư bản Nhật hiện đại - mang nhiều đặc điểm rất giống với nền đạo đức Tin Lành mà Max Weber (1864-1920) chỉ ra khi khảo cứu sự phát triển của Chủ nghĩa Tư bản phương Tây. Ngoài ra, triết lý hōtoku còn truyền cảm hứng cho rất nhiều vĩ nhân lịch sử, những người đã làm nên nước Nhật hiện đại như Shibusawa Eiichi (1840-1931, được xem là ông tổ của Chủ nghĩa Tư bản Nhật hiện đại); Yasuda Zenjirō (1838-1921, người có công thiết lập hệ thống ngân hàng đầu tiên); nhà phát minh và công nghiệp Toyoda Sakichi (1867-1930), người sáng lập công ty Toyota; và huyền thoại Matsushita Kōnosuke (1894-1989), cha đẻ của Panasonic.

Những giai thoại về Ninomiya vẫn tiếp tục được lưu truyền sau khi ông qua đời (1856). Năm 1937, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, một ngôi trường tiểu học đã vinh dự được đặt tượng Ninomiya, và nhiều nơi khác cũng học theo. Không quá khi nói rằng, ông chính là biểu tượng sáng chói nhất của sự siêng năng, cần mẫn, ý chí, nghị lực phi thường để không ngừng thăng tiến và hoàn thiện - xứng đáng cho thế hệ trẻ noi theo.