Theo sách sử miêu tả, cả hai vua Lê Lợi và Nguyễn Huệ ngay từ nhỏ đã bộc lộ nét của "thiên tử". Xong có lẽ do quá ấn tượng về nhân cách, tài trí vô song của hai vị vua áo vải này mà các sử gia đã phần nào “thần thánh hóa” từ tướng mạo, đến cái nhìn xuyên thấu của vua.

1. Về lý lịch xuất thân của Lê Thái Tổ (Tên huý là Lê Lợi), sách Đại Việt thông sử chép: "Vua sinh giờ tí (tức từ khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng) ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385), niên hiệu Xương Phù thứ 9 nhà Trần, tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Nguyên trước, xứ Du Sơn, thôn Như Áng Hậu thuộc làng này (Chủ Sơn) có một cây quế, dưới cây quế này có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Từ khi Vua ra đời thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho là một sự lạ!

Ngày Vua ra đời thì trong nhà có hào quang đô chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Khi lớn lên thì thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai bên trái có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường".

Lê Thái Tổ (Tên huý là Lê Lợi). Ảnh mang tính minh họa cho bài viết, nguồn: Internet.
Lê Thái Tổ (Tên huý là Lê Lợi). Ảnh mang tính minh họa cho bài viết, nguồn: Internet.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh, mở đầu triều Lê sơ, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Viêt Nam.

Lê Lợi sinh ra trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Năm ông 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách. Rồi sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh, mở đầu triều Lê sơ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mặc dù ở ngôi được có 6 năm nhưng những việc làm của ông vua này có ý nghĩa đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nền độc lập phồn vinh của quốc gia Đại Việt. Việc làm đầu tiên của Lê Thái Tổ là bàn định luật lệnh. Và nhờ cố gắng đó, hai năm sau (1430), Lê Thái Tổ đă cho ban hành những điều luật đầu tiên của triều đại mình"

2. So với các hoàng đế khác trong lịch sử Việt Nam, có lẽ Quang Trung - Nguyễn Huệ (vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn - ở ngôi từ 1788 tới 1792, sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc) được các sử thần lưu lại những miêu tả chi tiết hơn về vóc dáng, thậm chí miêu tả cả đến làn da, mái tóc và đặc biệt là đôi mắt:

"Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng… “không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông” (Hoàng Lê nhất thống chí). “Đôi mắt lập lòe như ánh điện” (Đại Nam chính biên liệt truyện), “con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu” (Tây Sơn thuật lược)…

Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet.
Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet.

Sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung cũng trích dẫn tướng mạo của Hoàng đế Quang Trung theo mô tả của một quan viết sử dưới thời Nguyễn: “Huệ tóc quăn, mặt đầy mụn, có con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận thì thế thắng uy nghi, anh hùng lẫm liệt, cho nên mới bình định được phương Nam, dẹp phương Bắc, tiến đến đâu thì không ai hơn được... Óc thông minh đó sẽ làm nên sự nghiệp lớn, tiếng nói sang sảng như chuông sẽ là lệnh truyền hiệu nghiệm đầy sức thuyết phục. Với đôi mắt như ánh điện, thay được đèn soi sáng cả chiếu vào lúc ban đêm, có thể xuyên thấu mọi tâm can sâu thẳm của mỗi con người, của đối phương nên đã làm người người đều kinh sợ. Cái nhãn quang đó cùng bộ óc thông minh của ông đã làm nên sự nghiệp phi thường như lịch sử đã ghi lại".

Ngoài ra, trong một phác họa chân dung vua Quang Trung in trên một tờ tiền giấy, hậu thế có thể thấy đôi mắt của vua là một đôi mắt đẹp đặc trưng kiểu người Việt Nam, nghĩa là đôi mắt to, hai mí lớn, nhãn cầu hơi lồi và ánh nhìn ngay thẳng, chính trực.

Có lẽ do quá ấn tượng về nhân cách, tài trí vô song của vị vua áo vải này mà các sử gia đã phần nào “thần thánh hóa” đôi mắt của vua, nhằm cho đời sau cảm nhận được uy lực lạ lùng của đôi mắt ấy. Việc miêu tả chi tiết đôi mắt, làn da cũng như mái tóc của vua Quang Trung càng cho thấy sự gần gũi của vị vua có xuất thân dân dã này.