“Ngày 1 tháng 9 năm 1939, các trận đánh blitzkieg [chớp nhoáng] của Hitler gây bão tố qua biên giới Ba Lan. Châu Âu chìm trong khói lửa chiến tranh, và một thị trường với nhu cầu 10 triệu bao cà phê - gần đến một nửa lượng tiêu thụ của thế giới thời điểm đó - đóng sầm lại”.

.

Đấy chỉ là một trong số hàng trăm sự kiện lịch sử nhân loại liên quan đến cà phê được Mark Pendergrast nhắc đến trong cuốn khảo cứu kĩ lưỡng và hấp dẫn: “Hành trình cà phê. Lịch sử thế giới quanh ly cà phê”. Cà phê, thức uống quen thuộc mỗi ngày của người Việt, không thể ngờ, lại có những câu chuyện đủ sức “định hình” thế giới một cách kì khôi đến như vậy.

Sự kiện Hitler tấn công Ba Lan khởi đầu cho Thế chiến II cách đây 80 năm, chính xác, đã khiến thị trường cà phê đảo lộn: các cảng vùng Scandinavia đóng cửa, cà phê từ Mỹ La-tinh khó vào châu Âu; trong khi đó, 500 người Đức ở Guatemala, một khu vực trồng cà phê quan trọng lúc đó, bắt đầu công khai thiện cảm với Nazi và tìm cách kiểm soát việc xuất khẩu cà phê.

Ngày 10/6/1940, chỉ năm ngày sau khi Pháp thất thủ, Hội nghị Cà phê Hoa Kỳ lần thứ 3 nhóm họp ở New York, để phân chia hạn ngạch cho 14 nước trồng cà phê. Nhưng Jorge Ubico, nhà độc tài Guatemala thân Nazi, không chấp nhận hạn ngạch 500.000 bao cà phê, khiến Mỹ phải nỗ lực điều đình. Cả trong năm 1941, ngành cà phê của Mỹ lao đao, phần vì giá tăng, phần vì chất lượng sụt giảm trong khi người dân và quân đội đều mong mỏi “cà phê cho ra cà phê”.

Thật may, vào đầu tháng 2/1943, sau thảm bại ở trận Stalingrad, tàu ngầm Đức không còn đe dọa trên Đại Tây Dương nên cà phê từ Brazil, tự do chảy ra thế giới hơn và phần nào giúp người Mỹ vượt qua cơn bấn loạn thèm khát cà phê. Bởi lúc đó, tuy uống cà phê đã trở thành một tiêu chuẩn cạnh tranh giữa các cánh quân nhưng trên trận tiền ác liệt, nơi mạng sống bị đe dọa tứ phía, lính Mỹ đã phải bằng lòng với cà phê hòa tan pha nước lạnh!

Mọi bĩ cực chỉ dần dừng lại khi các nhà độc tài Mỹ La-tinh bắt đầu ngả về phe Mỹ, loại trừ người Đức trên xứ sở mình. Kết quả, có đến “4.058 người Đức - Mỹ La-tinh bị bắt cóc, bị đưa lên tàu về Hoa Kỳ”, trong số đó, có cả những chủ trang trại cà phê lớn, hoàn thành cái gọi là “giải trừ tính Nazi trên đất Mỹ La-tinh”.

Cần biết rằng, trong suốt Thế chiến II, hơn 4 tỉ USD cà phê nhân đã được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Nước Mỹ, người Mỹ luôn chứng tỏ nhu cầu cà phê lớn bậc nhất thế giới. Dù vậy, cà phê đã đi qua một lịch sử rất dài trước khi trở thành thức uống ưa chuộng trên đất tân tự do. Ngành cà phê thời hiện đại ra đời ở Mỹ vào cuối thế kỉ XIX. Đến thập niên 1920 và 1930, các công ty đa quốc gia như Standard Brands và General Foods bắt đầu lăng xê các thương hiệu cà phê; đến thập niên 1950, cà phê là đồ uống của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ. Ngày 26/6/1992, Starbucks phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và thương hiệu này, giờ đây, có mặt khắp nơi, từ trên không trung cho đến dưới mặt đất.

Nhưng trước đó hàng ngàn năm, theo truyền thuyết, một cậu bé chăn dê tên Kaldi người Ethiopia là người đầu tiên phát hiện ra cây cà phê. Sau đó, cà phê tiến vào vùng Ả Rập trong những trang trại “qahwa” (khởi thủy cho từ coffee, xuất hiện lần đầu bằng chữ viết vào thế kỉ X), chủ yếu vì chất kích thích của thức uống này (thậm chí, truyền thuyết còn kể rằng, thánh Mohammed từng tuyên bố, với tác dụng tăng cường sinh lực của cà phê, ngài có thể “làm cho 40 gã đàn ông ngã ngựa và ‘quán xuyến’được 40 người phụ nữ”!)

Cho đến cuối thế kỉ XV, theo chân những chuyến hành hương bất tận của người Hồi giáo, cà phê đã có mặt ở Ba Tư, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi…

Đầu thế kỉ XVII, người Hà Lan, bởi đang thống trị thương mại hàng hải thế giới, đem cây cà phê từ Yemen về trồng, rồi nhân rộng khắp vùng Đông Ấn.

Cuối thế kỉ XVII, quán cà phê Café de Procope xuất hiện ở Pháp và ngay lập tức, những Voltaire, Rousseau, Diderot đã ghé thăm. Vào đầu thế kỉ XVIII, người Pháp lần đầu tiên chế cà phê thành “cà phê sữa” khiến văn sĩ H. Balzac si mê “thức trắng gò mình trên trang giấy”.

Hành trình cà phê, bất chấp địa lí, tôn giáo, văn hóa, lần lượt vào Đức (năm 1670), khiến cả L. Beethoven nghiện và Frederick Đại đế ban hành khuyến dụ ưu tiên thức uống truyền thống; xâm nhập Anh (1650) mạnh mẽ đến mức tính đến năm 1700, có hơn 2.000 quán cà phê ở London.

Nhưng định mệnh đã chọn Brazil và cả vùng Mỹ Latinh là nơi trồng cà phê lớn nhất thế giới vào năm 1727, khi một quan chức gốc Bồ Đào Nha lai Brazil biển thủ một ít hạt giống cà phê để trồng trên quê nhà. Kể từ đó cho đến 1900, nhân cà phê, theo tác giả Mark Pendergrast, đã “góp phần hình thành nên luật pháp và những thể chế chính phủ, trì hoãn tiến trình xóa bỏ chế độ nô lệ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất công, tác động đến môi trường tự nhiên, và mang đến một động cơ mạnh mẽ cho tăng trưởng”.

Ở phạm vi tổng thể, quả thật, cà phê đã định hình nhiều nền kinh tế, chính trị trên thế giới. Cuốn khảo cứu của Mark Pendergrast cho người đọc nhìn thấy những mắt lưới phức tạp khi cà phê dần đi vào các nghị sự, thương thảo, chiến lược truyền thông, xu hướng công nghệ pha chế, sở thích hay thói quen thưởng thức, và dĩ nhiên, có mặt trong các vấn đề vào loại nan giải của nhân loại: chênh lệch giàu nghèo (giữa ông chủ trang trại và công nhân lao động); các tác hại môi trường và sức khỏe (chứng nghiện cà phê quá mức - caffeinism - có thể gây rối loạn tâm thần); các cuộc tranh giành, thâu tóm thị trường kéo theo những bất bình đẳng thương mại…

Nhưng Mark Pendergrast chủ yếu vẫn kể nhiều câu chuyện khiến độc giả khoái thú vì sự hài hước, lạ đời của nó. Chẳng hạn, vào năm 1511, thống đốc thánh địa Mecca đã ra lệnh đóng cửa các quán cà phê vì được biết đó là nơi người ta nhạo báng ông. Điều đó, thật ra, còn cho thấy mức độ đại chúng hóa của thứ văn hóa cà phê chấp thuận tự do, suồng sã, gần gũi và thân thiện. “Giáo phái” cà phê, Mark Pendergrast gọi như vậy, đã đi vào văn chương, âm nhạc, điện ảnh,… và ngày nay, là hàng trăm hội nhóm trên mạng xã hội, nơi những kẻ hâm mộ (aficionados) vừa nhâm nhi cà phê vừa thảo luận liên miên ngày tháng.

Kích thước của hạt cà phê quá nhỏ để nắm trong lòng bàn tay. Song cuốn sách của Mark Pendergrast đã phác dựng lại những thế giới rộng lớn mà nó can dự, chiếm hữu và gây dấu ấn sâu đậm. Với người nghiên cứu chuyên nghiệp, rõ ràng, không gì là quá nhỏ để bắt đầu tìm hiểu và cũng không gì là đơn giản khi muốn đi đến tận cùng khảo sát, nhận định và truyền cảm hứng.