Trong khi cả xã hội, truyền thông báo chí liên tục đề cập đến từ “lệch chuẩn” khi nói về những chuyện “trái tai gai mắt” liên tục xảy ra thì một nhà giáo dục lại định nghĩa bằng từ “loạn chuẩn”. Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục IRED đã đi nhiều nơi nói chuyện, hỏi ý kiến, mở tọa đàm để “định chuẩn” cho thời “loạn chuẩn”.

Ông Giản Tư Trung.
Ông Giản Tư Trung.

Giáo dục cần tìm về Nhân tính

Ông Giản Tư Trung chia sẻ: “Có một lần tôi xem bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của trường ĐH Stanford. Đây là truyền thống của trường này qua nhiều năm qua, như bài diễn văn chấn động thế giới của Steve Jobs mà chúng ta đã trầm trồ vài năm về trước. Sau đó vài năm, trường cũng mời một diễn giả rất nổi tiếng đến nói chuyện tại lễ tốt nghiệp là nhà thần kinh học Robert Sapolsky. Ông cũng có bài phát biểu gây chấn động mang tên “The Uniqueness of Humans (Thứ riêng có của giống người).

Ông nói về hoạt động não người và ruồi về cơ bản không khác gì nhau. Nhưng con người khác con vật là con người có thể cảm nhận những vẻ đẹp, những nỗi đau mà không phải bằng cách nhìn thấy, sờ thấy. Cũng như Hội An, khi được xem là Di sản văn hóa của nhân loại, cả nước bắt đầu đổ về đây du lịch. Nhưng nhiều người đi về lại chê là Hội An không có gì để xem. Hội An đúng là không có gì để xem, nhưng có nhiều thứ để cảm. Vẻ đẹp của Hội An không phải để sờ thấy, nhìn thấy mà chỉ để cảm thấy thôi” – ông Trung nói.

Một trường ĐH vĩ đại của thế giới, trong thời hiện đại, giữa một lễ tốt nghiệp thiêng liêng mời đến một người nói về chủ đề thứ riêng có của giống người là gì. Đó là một ví dụ cho thấy con người đi mây về gió, cuối cùng cũng quay lại đâu là giá trị căn bản của con người. Đó là Nhân tính.

Theo ông Giản Tư Trung, gần đây xã hội liên tục xảy ra quá nhiều chuyện, từ chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, đến chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, chuyện hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, chuyện học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên, rồi chuyện “giang hồ mạng” Khá Bảnh, hiện tượng Phúc XO…Đó là sự “loạn chuẩn”. Chúng ta đang sống trong thời 4.0 với sự bùng nổ về công nghệ, kinh tế... Thế nhưng, thời đại 4.0 không chỉ là khía cạnh Công nghệ, Kinh tế, Chính trị… mà còn bao gồm cả khía cạnh “Văn hóa” - khía cạnh mà cha mẹ và thầy cô, gia đình và nhà trường quan tâm nhất. Trong cơn “cuồng phong” biến động của thời đại, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ.

Điều này khiến con người ta trở nên hoang mang, “lạc trôi”, không rõ đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà. Nếu chỉ được dùng một từ để diễn tả thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa chứ không phải khía cạnh công nghệ thì từ đó là thời “loạn chuẩn”.

Ông Trung cũng cho biết chưa bao giờ, chưa có thời đại nào mà cha mẹ và thầy cô lại gặp nhiều thách thức như vậy trong việc dạy con và dạy trò như hiện nay. Còn với học sinh, những thay đổi của thời đại đem lại cho các bạn nhiều cơ hội để học hành, mở mang và hội nhập; nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức chưa từng có khiến học sinh hoang mang với những lựa chọn của mình. Rốt cuộc thì mình nên yêu cái gì, theo đuổi con đường nào, điều gì là đúng-sai…? Nhìn vào hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực xảy ra trong giới trẻ thời gian qua có thể thấy rõ “nhiều chuẩn mực đang bị đảo lộn, nhiều giá trị bị thách thức, nhiều niềm tin bị đổ vỡ”, và các bạn trẻ đang đối mặt với sự “loạn chuẩn” trong xã hội.

Làm sao để “định chuẩn”?

Ông Giản Tư Trung cho biết ông đi nói chuyện nhiều nơi, với nhiều giáo viên, nhiều lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương. Nhiều thầy cô rất tâm huyết. Nhưng càng tâm huyết càng cảm thấy bất lực, bức bối với giáo dục giai đoạn này. Ông Trung trăn trở nhiều với câu hỏi giáo dục của thời đại: Làm sao để con, để trò biết “định chuẩn” cho mình trong thời “loạn chuẩn?”.

Ông cho rằng phương pháp để làm điều này sẽ có bốn cách. Một là định nghĩa lại về mọi thứ. Hai là cần tìm về bản chất của mọi vấn đề và trả lại chân giá trị cho mọi chuyên. Ba là cần hướng đến các giá trị phổ quát và nguyên lý trường tồn. Dù trời đất có sập, mọi thứ có thay đổi thế nào thì có những giá trị bất biến, vượt không gian và thời gian vẫn còn mãi. Nếu chúng ta không chạm được những giá trị này thì chúng ta sẽ có cảm giác khi dạy con hay dạy trò là “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”. Chúng ta hoang mang ngay chính những gì dạy con, dạy trò. Cha mẹ, thầy cô hoang mang thì đứa trẻ sẽ hoảng loạn. Chạm được điều này thì sẽ cò “cái neo” để dạy trẻ. Cuối cùng là cần giúp trẻ biết cách hiểu mình, hiểu người, hiểu đời, hiểu thời và biết cách đi tìm chân lý, từ đó biết tự định chuẩn trong thời loạn chuẩn.

“Còn giải pháp là gì? Có hai giải pháp có thể chọn lựa. Giải pháp đầu tiên là cải cách giáo dục phổ thông để chúng ta có nền giáo dục khai phóng hay nền giáo dục có tính khai phóng cao. Giải pháp thứ hai là phát triển các chương trình khai phóng ngoại khóa cho học sinh phổ thông và triển khai song song với chương trình phổ thông chính khóa của nhà trường. Nhưng cải cách một nền giáo dục mất đến vài chục năm. Thậm chí một đứa trẻ sinh ra, đến khi cải cách giáo dục xong thì cũng đã… lấy vợ. Hoặc bé gái đã lớn lên đi về nhà chồng rồi. Thời gian thực hiện giải pháp đầu tiên rất lâu. Trước kia đi đâu tôi cũng nói về cải cách giáo dục, cách mạng giáo dục. Nhưng tôi thấy xa quá! Sau này tôi nói đến cách mạng sự học. Vì cách mạng giáo dục là cách mạng của toàn dân. Còn cách mạng sự học là của mình, vì mình. Thay đổi cách tiếp cận khả thi hơn và tôi không thấy bức bối khi chia sẻ về giáo dục nữa” – ông Trung cho biết.

Sự học đó là gì? Theo ông Trung, cần hướng đến “Sự học 2W1H. Chữ W đầu tiên là Why to learn and Learn to What? (Tại sao học? và Học để làm gì?). W thứ hai là What to learn (Học cái gì để đạt mục tiêu đó?). 1H là How to learn (Học như thế nào?). Cần phải trả lời được những câu hỏi đó.

Tất cả nằm ở văn hóa

Việc tung hô Khá Bảnh, cuồng thần tượng hay chuyện nhân danh Phật pháp để trục lợi cần nhìn nhận thế nào?

Con người cần đời sống tinh thần và đời sống tâm linh. Nếu không có thế giới bên trong (lương tri) thì sẽ phải sống với thế giới bên ngoài, khi đó cuồng thần tượng (dù một số thần tượng cũng không ra gì) sẽ là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của họ, khi đó tin theo các tà giáo một cách mê muội (mê tín) cũng là một phần trong đời sống tâm linh của họ.

Nếu liên kết mọi chuyện như vậy xảy ra thì ta thấy rằng: khi con người ta chưa được khai minh, khai sáng để có văn hóa thì vẫn ở trong tình trạng u minh hay vô minh. Khi đó không thể có đức tin hay tự do (theo đúng ý nghĩa cao quý của hai từ này), mà chỉ có mê tín và hoang dã.

Đa số con người trên thế gian này đều không vô thần. Ở Việt Nam chắc cũng không có người vô thần, vì hầu như người Việt nào đều thờ cúng tổ tiên. Quyền tự do tín ngưỡng là quyền căn bản của con người, được hiến pháp bảo hộ. Con người không thể sống thiếu đời sống tâm linh, cần chỗ dựa từ tâm linh. Vấn đề là có tầm vóc văn hóa hay bị hạn chế về văn hóa, từ đó sẽ có đức tin hay mê tín.

Văn hóa là thứ mà tưởng chừng như ai cũng biết và ai cũng hiểu, nhưng nếu ai cũng biết, ai cũng hiểu thì tại sao xã hội lại “loạn chuẩn”, lại xảy ra nhiều chuyện như thế này? Nghĩa là sự hiểu và sự biết về văn hóa đang rất có vấn đề.

Văn hóa có nhiều cách hiểu và cách diễn đạt, nhưng theo tôi, hiểu một cách đơn giản nhất, con người văn hóa là con người “tam tính”: Nhân tính, Quốc tính và Cá tính. Đây chính là đặc tính của con người tự do và cũng là đích đến của giáo dục khai phóng. Nhân tính là thứ để phân biệt giống người với những giống loài khác, để phân biệt con người với muông thú cỏ cây và máy móc; Quốc tính là thứ để phân biệt đồng bào với đồng loại của mình; Cá tính là thứ để phân biệt mình với đồng bào và đồng loại của mình. Nếu như Quốc tính cần được sàng lọc bởi Nhân tính thì Cá tính sẽ được hình thành nên nền tảng của Nhân tính và được vun bồi bởi Quốc tính. Con người “tam tính” sẽ là con người rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất là chính mình.

Ngoài ra, tôi cũng có một khái niệm khác về con người văn hóa, đó là con người “ba bề”: bề trong (lương tri của mình), bề trên (đức tin của mình), bề ngoài (tính cách của mình).

Chính “tam tính” và “ba bề” (văn hóa) đó mới giúp ta minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà; giúp ta hình thành được “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người mình. “Chân thắng” là để ngăn ta làm điều sai, điều ác (trái với “tam tính”); còn “chân ga” sẽ thôi thúc ta làm điều đúng, điều đẹp (hợp với “tam tính”).

Nhưng có một câu hỏi mọi người sẽ đặt ra: làm sao có “tam tính”? Làm sao có “ba bề”? Từ sự học, từ thực học, từ sự học khai phóng mà ra cả. Ta không chỉ hỏi “Tiền nhiều để làm gì?”, mà còn nên hỏi “Sống để làm gì?”. Nhưng có một câu hỏi ghê gớm hơn là “học nhiều để làm gì?”, “Tại sao Việt Nam ta được xem là một dân tộc hiếu học nhưng lại nghèo bền vững như thế này?”. Phải chăng, “hiếu học” chủ yếu là học cho ra điểm hay học cho ra bằng, chứ không phải là học cho ra người (văn hóa) hay học cho ra nghề (chuyên môn)…?

Theo ông Giản Tư Trung