Có hai điều kết nối những cái tên Gauss, Riemann, Hilbert và Noether… lại với nhau. Một là những tư tưởng và đóng góp xuất sắc của họ trong lĩnh vực toán học. Hai, mỗi người đều đã từng là giáo sư tại cùng một ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất nước Đức: Đại học Göttingen.

Bảo tàng truyền thống ĐH Göttingen. Ảnh: Marc Venema/Shutterstock.
Bảo tàng truyền thống ĐH Göttingen. Ảnh: Marc Venema/Shutterstock.

Mặc dù không phải ai cũng biết, nhưng Göttingen – một thành phố đại học nhỏ của Đức, đã từng có thời là trung tâm nghiên cứu toán học xuất sắc nhất trong lịch sử. Vị thế thống trị này phải mất nhiều thế hệ mới có thể đạt được, nhưng lại chỉ cần hơn một thập kỷ để phần lớn các viên ngọc quý phải bỏ đi (ra nước ngoài) sau sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia (tiếng Đức: Nationalsozialismus) – ý thức hệ của Đảng Quốc xã (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei). Những bộ óc tuyệt vời nhất đã rời bỏ đất nước từ đầu thập niên 1930, mang theo tinh hoa cùng di sản của họ đến với Princeton, New York … và nhiều đại học Anh – Mỹ danh tiếng khác. Tính đến năm 1943, có tới 16 cựu thành viên khoa toán của Göttingen đã chạy sang Mỹ.

Ngày nay, câu chuyện thăng trầm của Göttingen hầu như đã bị lãng quên, nhưng những tên tuổi gắn với nơi này vẫn thường xuyên được cộng đồng toán học nhắc tới, giúp cho di sản của Göttingen sống mãi, ở ngay tại những trung tâm nghiên cứu mạnh nhất trên khắp hành tinh.

Ra đời

Năm 1734, Vua George II, người cai trị vùng lãnh thổ nay thuộc Anh và cả một khu vực rộng lớn phía Bắc châu Âu của Đế quốc La Mã thần thánh (Holy Roman Empire) đã cho thành lập đại học Göttingen ở Đức. Thời kỳ này cũng đang là tâm điểm của trào lưu Khai sáng (Enlightenment) với rất nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng. Chẳng hạn, ở tại nơi chỉ cách Göttingen chưa đầy 100 dặm và tận 50 năm trước khi ngôi trường xuất hiện, Gottfried Leibniz đã sáng tạo ra tích phân. Trên tinh thần ấy, dường như những nhà nghiên cứu tới làm việc ở Göttingen sau này đã đạt được một mức độ tự do học thuật hơn hẳn các thế hệ trước. Thay vì bị hạn chế bởi những ràng buộc, bao gồm cả sự giám sát chặt chẽ của tôn giáo, họ được tuyển dụng chỉ để cho mục tiêu: làm tăng trưởng tri thức và thực hiện các nghiên cứu cơ bản độc đáo. Ngoài ra, nền giáo dục mà sinh viên ở đây nhận được cũng cho thấy sự bình đẳng hơn nhiều so với trước kia và phần còn lại của châu Âu, không phân biệt xuất thân giàu nghèo, tất cả đều sẽ được nhận và đào tạo, miễn là có khả năng.

Thế hệ những nhà toán học vĩ đại

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, đến cuối thế kỷ 18, Göttingen đã trở thành một trung tâm học thuật và nghiên cứu nổi tiếng của Đức. Tuy nhiên, sức mạnh cùng tầm ảnh hưởng lâu dài của nó chỉ thật sự được khởi đầu kể từ Carl Friedrich Gauss – được mệnh danh là “hoàng tử toán học” (Prince of Mathematics) với những nghiên cứu đột phá, trải rộng từ đại số, từ học (magnetism) cho tới thiên văn trong giai đoạn 1795 – 1855.

Sau Gauss, danh tiếng của Göttingen tăng lên mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà toán học tài năng từ khắp châu Âu đổ xô tới thành phố nhỏ này. Trong số đó này phải kể đến Bernhard Riemann – người đứng đầu khoa toán từ năm 1859 đến 1866, phát minh ra hình học Riemann và mở đường cho những khám phá tương lai của Einstein về thuyết tương đối; hay Felix Klein – giáo sư trưởng khoa từ năm 1886 đến 1913, người đầu tiên mô tả chai Klein (vật thể 3 chiều chỉ có một mặt, tương tự như dải Mobius) trong hình học topo.

Einstein và Hilbert đã từng ganh đua chứng minh Thuyết Tương đối rộng. Ảnh: Listverse.
Einstein và Hilbert đã từng ganh đua chứng minh Thuyết Tương đối rộng. Ảnh: Listverse.

Cũng chính Klein là xúc tác hấp dẫn thế hệ của nhiều ngôi sao toán học trẻ tiếp theo đến với Göttingen, bao gồm Carl Runge – người đồng phát minh ra lý thuyết bước nhảy thời gian cùng với Martin Kutta, nền tảng quan trọng của phần mềm dự báo thời tiết chính xác hiện nay; Hermann Minkowski – nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu là cơ sở cho thuyết tương đối; và cả David Hilbert.

Trong một sự nghiệp lẫy lừng, trên cương vị giáo sư và là người đứng đầu khoa toán tại Göttingen (từ 1895 cho tới khi mất năm 1943), Hilbert đã đỡ đầu cho 76 tiến sĩ (một con số đáng kinh ngạc); nhiều người trong số này, sau đó lại tiếp tục thực hiện thêm những khám phá với ảnh hưởng sâu sắc riêng. Đáng chú ý, 23 bài toán nổi tiếng của Hilbert được trình bày tại Đại hội các nhà toán học Quốc tế (năm 1900) còn góp phần định hướng cho hầu hết tất cả những nghiên cứu toán trong thế kỷ 20.

Di tản

Kể từ Gauss cho đến đầu thập niên 1930, mặc dù phải trải qua rất nhiều biến cố chính trị như các cuộc Chiến tranh của Napoléon, Chiến tranh Pháp-Phổ và Thế chiến I, … Göttingen vẫn sống sót và duy trì được vị thế thống trị về toán học. Tuy nhiên, con sóng của Chủ nghĩa Dân tộc cùng với sự trỗi dậy của Đức Quốc xã (lên nắm quyền từ những năm 1930) lại nhấn chìm tất cả.

Đạo luật Phục hồi Chế độ Phục dịch Dân sự Chuyên nghiệp (Gesetz zur Wiederherstellung des Berufsbeamtentums) ban hành năm 1933 đã quy định: tất cả những ai không thuộc chủng tộc Aryan (mà Hitler cho là giống người ưu việt), đặc biệt là người Do Thái, đều không được giữ ghế giáo sư hoặc làm nghề dạy học ở Đức. Đáp trả lại sự vô lý này cùng nhiều đạo luật chống lại người Do Thái khác, rất nhiều giáo sư, học giả và chuyên gia kỹ thuật mang trong mình dòng máu Do Thái cùng những người phản đối chủ nghĩa phát xít đã rời bỏ nước Đức. Có thể kể tới Emmy Noether – nữ giáo sư toán đầu tiên tại Göttingen và là người phụ nữ quan trọng nhất trong lịch sử toán học (nhận định của Einstein) – đã chạy sang Mỹ và dạy tại Bryn Mawr College năm 1933; Richard Courant cũng bỏ đi cùng năm đó và giúp Đại học New York thành lập một trong những Viện Toán ứng dụng hàng đầu nước Mỹ; hay Hermann Weyl – người từng được chỉ định kế nhiệm Hilbert làm trưởng khoa toán Göttingen đã tới Princeton và giúp Viện Nghiên cứu Cao cấp (Institute for Advanced Studies) ở đây ngự trị trên đỉnh cao.

Năm 1934, khi được hỏi rằng liệu địa vị toán học của Göttingen có phải hứng chịu mất mát trước sự ra đi của quá nhiều tài năng Do Thái, trong đó có cả những bạn bè thân thiết nhất, Hilbert đã nói với Bộ trưởng Khoa học Đức Quốc xã: “Mất mát? Đó không chỉ là mất mát, thưa ngài. Thật sự thì nó chẳng còn tồn tại nữa!” Có lẽ Hilbert đã đúng khi chỉ còn duy nhất một giáo sư thực thụ (full professor) thời tiền phát xít ở lại sau năm 1934. Làn sóng di tản này đã để lại một hậu quả tai hại cho nước Đức khi đánh mất vị thế trung tâm toán học của thế giới, đặc biệt là khi Thế chiến II bùng nổ. Và cũng chính Courant, Weyl, Noether … cùng nhiều nhà toán học tị nạn khác đã mang vinh dự này sang cho Anh và Mỹ, nơi đang có hầu hết các khoa toán hàng đầu thế giới. Vì vậy, không quá khi nói rằng: “Di sản toán học của các quốc gia này chính là Göttingen, và câu chuyện của nó cũng là câu chuyện của họ.”