Cá vây tay - một loài vẫn còn tồn tại trên trái đất từ thời khủng long - có thể sống đến 100 năm và có thời gian mang thai 5 năm, theo nghiên cứu mới.

Ngày 23/12/1938, Marjorie Courtenay-Latimer, người phụ trách Bảo tàng East London ở Nam Phi, ghé qua chợ cá địa phương. Ở đó, cô phát hiện con cá đẹp nhất mà cô từng thấy. Nó có màu hoa cà nhạt, dài gần hai mét và có những mảng màu bạc. Khi đó Courtenay-Latimer chưa biết nó chính là cá vây tay, được cho là đã tuyệt chủng cùng với loài khủng long. Phát hiện về loài cá - sau này được gọi là Latimeria chalumnae - được ca ngợi là phát hiện động vật học quan trọng nhất của thế kỷ.

Giờ đây, một công bố trên tạp chí Current Biology của Kélig Mahé thuộc Phòng thí nghiệm Thủy sản, Boulogne, Pháp, cho thấy, bên cạnh việc vẫn tồn tại như một loài trong hơn 400 triệu năm qua, mỗi cá thể cá vây tay còn sống rất lâu. Nghiên cứu của Tiến sĩ Mahé chỉ ra rằng chúng có tuổi thọ tương tự con người, đưa chúng vào danh sách những động vật có xương sống sống lâu nhất trên thế giới.

Latimeria chalumnae, còn gọi là cá vây tay.

Cá vây tay được coi là quan trọng vì nó thuộc nhóm cá có loại vây được cho là bộ phận tiền thân của các chi của động vật bốn chân sống trên cạn. Nhiều chuyên gia đã tìm cách nghiên cứu kỹ hơn về Latimeria. Tuy nhiên loài này rất khó nghiên cứu. Latimeria sống ẩn dật về đêm, ở độ sâu dưới 100 mét và mới chỉ được phát hiện ở tây nam Ấn Độ Dương và ở gần Manado Tua, một hòn đảo thuộc Indonesia.

Cụ thể, với nghiên cứu này, Tiến sĩ Mahé muốn biết Latimeria sống được bao lâu. Nghiên cứu trước đây, dùng kính hiển vi đếm các vòng tăng trưởng hằng năm trên vây cá (tuổi thọ của cá có thể được xác định qua các vòng đồng tâm xuất hiện trên vây, tương tự như cách xác định tuổi thọ các cây thân gỗ), đề xuất thời gian sống tối đa của một cá thể là 20 năm. Tuy nhiên kết quả này không nhất quán với sự trao đổi chất chậm và khả năng sinh sản thấp của cá vây tay - cả hai đặc điểm này đều là đặc trưng của những loài sống lâu.

Thay vì sử dụng kính hiển vi tiêu chuẩn, Mahé và các đồng nghiệp sử dụng ánh sáng phân cực để đếm vòng trên vây, và nhận ra rằng có các vòng tăng trưởng mỏng đến mức kính hiển vi đã bỏ sót. Trong số 27 cá thể Latimeria được nghiên cứu, 6 con ở độ tuổi 60 và 1 con đã 84 tuổi.

Đây là một phát hiện mà Tiến sĩ Mahé và các đồng nghiệp của ông đã dự đoán. Nhưng điều thực sự khiến họ ngạc nhiên là khi quan sát hai con non chưa sinh (Latimeria mang thai và đẻ con), những chiếc vảy của bào thai cho thấy chúng đã được 5 tuổi, một thời gian mang thai dài đáng kể so với kỷ lục về thời gian mang thai của động vật có xương sống trước đó (3 năm rưỡi ở loài cá mập diềm).

Ngoài ra, nghiên cứu mới cho thấy, phải đến cuối những năm 50 tuổi, cá vây tay cái mới đạt đến độ trưởng thành về giới tính, trong khi ở con đực, độ tuổi này từ 40 đến 69.

Mặc dù thú vị, theo một số cách, khám phá của Tiến sĩ Mahé là một tin xấu. Latimeria là loài rất hiếm, đặc điểm chậm lớn và thời gian mang thai kéo dài nửa thập kỷ góp phần đưa nó vào danh sách dễ bị tuyệt chủng nhất. Latimeria được bảo vệ và không phải là mục tiêu đánh bắt, nhưng nó đã được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), với số lượng cá thể chỉ vào khoảng 1.000 con trên toàn thế giới. Và sẽ thật đáng tiếc nếu cá vây tay - loài đã sống sót sau vụ va chạm với tiểu hành tinh cách đây 66 triệu năm, dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long - lại không thể sống sót trong thời kỳ của con người.

Nguồn: