Covid–19 đang khiến chi tiêu cho du lịch công tác (business travel) – lên tới 1,5 ngàn tỷ USD/năm, gần bằng 1,7% GDP của thế giới – sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở nguồn thu nhập và số lượng công ăn việc làm bị mất trong ngành hàng không, khách sạn, nhà hàng, … mà nghiêm trọng hơn là sự gián đoạn của dòng chảy tri thức.

Cổ phiếu của Zoom tăng điểm mạnh trên sàn NASDAQ nhờ Covid-19. Ảnh: AFP.
Cổ phiếu của Zoom tăng điểm mạnh trên sàn NASDAQ nhờ Covid-19. Ảnh: AFP.

Bất chấp sự tiện lợi và sẵn có của Skype, Facetime, Whatsapp hay email – vốn đã quá phổ biến trước khi Zoom trở thành hiện tượng (nhờ Covid), doanh thu từ du lịch công tác vẫn tăng trưởng đều đặn và nhanh gấp ba lần tốc độ tăng GDP toàn cầu. Hệ quả từ việc hạn chế những hoạt động này, vì thế sẽ rất đáng kể và kéo dài. Theo tính toán, GDP của thế giới có thể sụt giảm hơn 17% nếu toàn bộ các chuyến công tác bị hủy – viễn cảnh không một ai mong muốn. Đó là kết luận của GS. Ricardo Hausman và Frank Neffke tại Harvard, cùng Michele Coscia tại ĐH IT University ở Copenhagen (Đan Mạch), trong một nghiên cứu mới công bố trên Nature Human Behavior.

Ở đây, các tác giả muốn tập trung vào khía cạnh lan tỏa công nghệ, bao gồm ba loại tri thức (knowledge) được tích hợp trong những công cụ; hệ thống hóa trong các đoạn mã, thuật toán, công thức, chỉ dẫn, ...; và tiềm ẩn trong não bộ. Nếu mã và công cụ là thứ khá dễ để chuyển giao, thì bí quyết lại di chuyển rất chậm từ não bộ sang não bộ thông qua quá trình bắt chước và phản hồi liên tục – như khi học ngôn ngữ hay chơi một nhạc cụ mới. Trong cuốn The Outliers (những kẻ xuất chúng), Malcolm Gladwell lập luận: trung bình mỗi người phải cần khoảng 10.000 giờ luyện tập để thực sự giỏi và trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.

Xếp hạng các quốc gia tiếp nhận tri thức toàn cầu. Ảnh: Harvard Growth Lab.
Xếp hạng các quốc gia tiếp nhận tri thức toàn cầu. Ảnh: Harvard Growth Lab.

Trước sự di chuyển khó khăn của tri thức trong não bộ, người ta lại nhận thấy vấn đề có thể được giải quyết đơn giản hơn khi não bộ (tức con người) di chuyển. Đã có khá nhiều nghiên cứu về dòng chuyển giao tri thức giữa doanh nghiệp, quốc gia, khu vực, … thông qua hoạt động di dân và các cộng đồng kiều dân. Còn du lịch công tác thì sao? Trên thực tế, nó có mối tương quan không thật sự rõ ràng đến thương mại và FDI, nhưng liên hệ chặt chẽ hơn nhiều với số cơ sở toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia – lên tới 1,5 triệu (theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Dun & Bradstreet). Để điều hành doanh nghiệp, chúng ta không chỉ cần thông tin mà còn phải có đủ năng lực để giải quyết mọi vấn đề, tức cần bí quyết (knowhow). Một trong những lợi thế lớn nhất của các công ty đa quốc gia, hãng luật, kế toán, tư vấn toàn cầu, … là năng lực chuyển giao tri thức đến nhiều điểm khác nhau trong mạng lưới của họ.

Từ dữ liệu tổng hợp và ẩn danh do Trung tâm Nghiên cứu Tăng trưởng bao trùm của Mastercard cung cấp, các tác giả đã kiểm chứng tầm quan trọng của du lịch công tác đối với sự lan tỏa công nghệ ở những quốc gia tiếp nhận tri thức. Kết quả phân tích cho thấy: dòng người đi công tác từ các nước phát triển trong một ngành cụ thể sẽ mang lại năng suất, việc làm và xuất khẩu cao hơn cho những nước nhận đầu tư trong ít nhất ba năm tiếp theo. Các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn tri thức thông qua hoạt động du lịch công tác là Áo, Ireland, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bỉ, HongKong, Singapore, … Không một nền kinh tế mới nổi nào nằm trong top 25, mặc dù Panama, Uruguay, Serbia, Malaysia, Nam Phi hay Chile đều đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Trong khi Đức, Canada, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản là những nước chia sẻ tri thức lớn nhất; Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc lần lượt xếp hạng 12, 15 và 17.

Xếp hạng các quốc gia chia sẻ tri thức toàn cầu. Ảnh: Harvard Growth Lab.
Xếp hạng các quốc gia chia sẻ tri thức toàn cầu. Ảnh: Harvard Growth Lab.

Thế giới mà chúng ta biết đã và đang ngày càng phụ thuộc vào khả năng khai thác những nguồn bí quyết trên toàn cầu để đạt được tăng trưởng năng suất. Mặc dù phần lớn các quốc gia thuộc thế giới thứ ba hãy còn đứng ngoài dòng chảy này, nhưng nó vẫn đang tạo ra đóng góp nhất định vào sự phát triển đa dạng của họ. Nhiều người tin rằng mình có thể làm việc tại nhà và trao đổi qua Zoom song vẫn cho hiệu quả không khác mấy so với ở văn phòng hoặc đi công tác. Nhưng đó thực chất chỉ là một ảo tưởng tạm thời. Lấy ví dụ: IMF có thể nhanh chóng họp giải ngân gói hỗ trợ tài chính cho các quốc gia bị Covid-19 tàn phá trên bàn giấy, thông báo qua Webex (nền tảng video conferencing do Cisco phát triển) và nhấn lệnh chuyển tiền; nhưng những ngân hàng hỗ trợ phát triển (chẳng hạn ADB) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra, khảo sát một dự án cơ sở hạ tầng; còn các doanh nghiệp bản địa thì loay hoay khi cần cài đặt giải pháp phần mềm, sửa chữa máy móc hoặc muốn nâng cao hiệu quả hoạt động nếu không được tiếp cận với những bí quyết do con người trực tiếp truyền đạt.

Thế giới đang phải trả một cái giá không hề rẻ cho sự gián đoạn và ngưng trệ của hoạt động du lịch công tác, thể hiện qua mức tăng trưởng năng suất, sản lượng, việc làm, … thấp kỷ lục ở hầu hết mọi quốc gia. Thời gian là một dạng tài nguyên không thể tái tạo, và cơ hội từ những chuyến đi bị hủy sẽ mãi mãi biến mất, ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường trong tương lai. Mặc dù Zoom và các nền tảng hội họp trực tuyến đang tạm thời giúp “khỏa lấp” lỗ hổng ấy, nhưng chắc chắn không gì có thể thay thế được dòng chảy tri thức từ những chuyến đi.

Chú thích:

Tham khảo Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng kế hoạch Venezuela, cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển liên Châu Mỹ, giáo sư Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy, giám đốc Trung tâm Harvard Growth Lab thuộc Đại học Harvard.

(*) Ricardo Hausmann, What Would Happen if Business Travel Stopped?, Harvard Growth Lab.