Tờ báo nổi tiếng The Economist đã phát động cuộc thi viết luận cho các cây bút trẻ với đề bài: “Thay đổi cơ bản nào về kinh tế và chính trị, nếu có, là cần thiết để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu”.

Cuộc thi đã thu hút hơn 2,400 thí sinh từ hơn 110 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, các giám khảo đã chấm bài dự thi của một thí sinh đặc biệt: trí tuệ nhân tạo (AI).

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Hệ thống AI thực hiện bài luận trên là GPT-2 – hệ thống phát sinh ngôn ngữ được các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm OpenAI (San Francisco) phát triển và công bố vào mùa xuân năm nay. Tuy nhiên, hệ thống vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi tới công chúng nhằm đề phòng AI bị lạm dụng vào các mục đích xấu như tung tin rác hay lan truyền thông điệp sai lệch.

Đội ngũ các tác giả đã nhập vào hệ thống 6 đoạn văn mẫu 400 chữ khác nhau và chắp ghép 3 đoạn bất kỳ để tạo thành một bài hoàn chỉnh và gửi đến cuộc thi. Bài viết đã được đăng tải trên The Economist, tham khảo tại (https://www.economist.com/open-future/2019/10/01/how-to-respond-to-climate-change-if-you-are-an-algorithm).

Bài dự thi cũng kèm theo phản hồi từ ban giám khảo. Nhìn chung, các giám khảo đã phần nào bị AI “lừa”, song cũng không cho thấy ấn tượng gì với bài viết. Các giám khảo sẽ được yêu cầu đánh giá “có”, “không”, hoặc “có thể” sau khi đọc mỗi bài viết. Những bài luận có nhiều lượt bình chọn nhất sẽ được chọn vào vòng đánh giá tiếp theo. Bài luận được “viết” bởi AI nhận được 4 bình chọn “không” và 2 bình chọn “có thể”.

Một giám khảo bình luận: “Tôi không nghĩ nó (bài viết do AI soạn thảo) thể hiện được hiểu biết về chính sách khí hậu hiện hành hay các văn bản khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (mà nó đề cập đến). Các từ ngữ mạnh được sử dụng, các luận điểm cũng có luận cứ hỗ trợ, nhưng ý tưởng thì không hoàn toàn mới mẻ.”

Dù không đem lại thắng lợi, song phần thể hiện qua bài viết này đã cho thấy bước chuyển biến ngoạn mục về khả năng của AI. Đây là bước tiến xa hoàn toàn so với hệ thống chatbot trả lời tin nhắn chỉ cho ra được những mẫu câu đơn giản thậm chí khó hiểu, và tất nhiên, thua xa con người.

Ngày nay, các hệ thống trí tuệ nhân tạo được con người điều khiển có thể soạn ra các đoạn văn bản ngang tầm với bài luận để tham gia cuộc thi. Kể cả không đạt giải, nó vẫn không quá tệ. Và đến thời điểm ra mắt GPT-2, các nhà khoa học tại OpenAI đã phát triển được các mô hình ngôn ngữ có độ phức tạp cao. Tháng 9 vừa qua, Salesforce cũng đã công bố mô hình sản sinh ngôn ngữ CTRL có quy mô lớn hơn cả sản phẩm của OpenAI, cho phép con người lựa chọn thể loại văn bản muốn AI “viết” ra, chẳng hạn như truyện kinh dị, tin tức, hay thơ ca.

Trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển sắp tới, ranh giới để phân biệt văn bản được soạn bởi con người hay robot sẽ ngày càng thu hẹp. Hơn nữa, việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) không còn là lĩnh vực phát triển duy nhất của AI đòi hỏi ở con người sự cân nhắc khi áp dụng và lưu ý về tiềm năng của các hệ thống tương lai.

Bên cạnh đó, AI cũng đã có những cải thiện nhanh chóng trong công nghệ tạo khuôn mặt ảo, làm rõ nét hình ảnh có độ phân giải thấp, xử lý trò chơi chiến lược và tham gia các thử nghiệm khoa học. Thậm chí, chúng ta có thể kỳ vọng AI sẽ đưa ra được giải pháp khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu thích hợp cho con người trong tương lai.

Nguồn: https://www.vox.com/future-perfect/2019/10/4/20895836/ai-climate-change-economist-essay-contest-gpt2