Sony vừa xin cấp bằng sáng chế đối với một loại kính áp tròng thông minh có khả năng ghi hình và phát video. Người sử dụng điều khiển kính bằng cách chớp mắt.

Tạp chí CW33 của Nhật Bản cho biết, 7 nhà sáng chế nước này hợp tác với nhau để phát minh kính áp tròng thông minh của Sony. Kính bao gồm một camera, một bộ xử lý tín hiệu không dây và một bộ lưu trữ dữ liệu.

Sự tồn tại của bộ lưu trữ dữ liệu cho phép kính của Sony lưu trữ video mà nó quay, khác với loại kính áp tròng thông minh của Samsung (phải lưu trữ dữ liệu trên điện thoại).

 Hình minh họa kính áp trong. Ảnh: Huffington Post
Hình minh họa kính áp trong. Ảnh: Huffington Post

Kính áp tròng thông minh chứa nhiều cảm biến để có thể phát hiện động tác chớp mắt của con người. Căn cứ vào thời gian mà mắt nhắm, cảm biến sẽ biết đó động tác chớp theo phản xạ hay cố ý.

Thông thường cú chớp mắt vô thức của con người diễn ra trong khoảng thời gian từ 0,2 tới 0,4 giây. Nếu con người chớp mắt cố ý, khoảng thời gian đó sẽ lớn hơn 0,5 giây. Vì thế, nếu khoảng thời gian chớp mắt lớn hơn 0,5 giây, kính áp tròng thông minh sẽ hiểu đó là động tác cố ý.

Người sử dụng có thể bật và tắt chế độ ghi hình bằng cách nhắm mắt. Họ cũng có thể dùng điện thoại thông minh để điều khiển nó.

Kính cũng có thể “ghi nhớ” những lần mắt nhắm khi quá trình quay video đang diễn ra. Nhờ khả năng ấy mà người sử dụng có thể xóa những cảnh đen (do mắt nhắm) sau khi quay.

Để phát video, người sử dụng thực hiện một động tác chớp mắt đặc biệt, khác hẳn cú chớp mắt để kích hoạt hoặc ngừng các chức năng của camera. Chẳng hạn, sau khi mắt nhắm, họ ấn lên mi mắt hai lần.

Ngoài quay video, kính áp tròng thông minh cũng có thể chụp ảnh, sửa ảnh mờ và tự lấy nét, điều chỉnh độ phóng to và độ phơi sáng.

Sony đã nộp đơn cấp bằng sáng chế cho kính áp tròng thông minh từ tháng 2/2014. Cũng trong năm ấy, tập đoàn Google thông báo họ sẽ chế tạo loại kính áp trong có khả năng đo lượng đường huyết dành cho bệnh nhân tiểu đường.

Mới đây, theo Forbes, Google đã xin cấp bằng sáng chế cho một loại thiết bị điện tử mà bác sĩ có thể cấy trực tiếp vào mặt người để cải thiện thị lực. Theo nội dung trong bằng sáng chế, thiết bị gồm một thấu kính, nhiều cảm biến, bộ phát sóng radio, pin và bộ nhớ. Một thiết bị bên ngoài tiếp sóng radio từ thiết bị trong mắt. Để cấy thiết bị vào mắt, bác sĩ sẽ đặt nó trong dịch lỏng. Dịch sẽ trở nên cứng sau khi thiết bị lọt vào mắt, cho phép nó bám vào bao thể thủy tinh. Thấu kính điện tử sẽ giúp ánh sáng tập trung vào võng mạc.