Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều thứ thay đổi, kể cả hoạt động xuất bản học thuật. Để thúc đẩy tinh thần khoa học mở và tạo điều kiện cho cộng đồng học thuật cập nhật tình hình nghiên cứu về Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng các công trình, một số nhà khoa học đã lập ra PREreview, một sáng kiến gói gọn cả ba tiêu chí đó.

Các nhà nghiên cứu có thêm điều kiện kết nối trong thời kỳ đại dịch. Nguồn: Forbes
Các nhà nghiên cứu có thêm điều kiện kết nối trong thời kỳ đại dịch. Nguồn: Forbes

Công cụ góp phần hỗ trợ các nhà khoa học

Trước khi diễn ra Covid-19 thì nhiều nhà nghiên cứu đã tung các tiền ấn phẩm - bản thảo trước khi được các tạp chí chấp thuận xuất bản, lên các kho lưu trữ trên internet. Tuy nhiên, ở thời kỳ đại dịch, ngày càng có nhiều nhà khoa học áp dụng phương pháp này hơn với mục tiêu là chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất để đồng nghiệp ở mọi nơi trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận. Không chỉ có họ mà nhiều công ty cũng quan tâm hơn đến các bản thảo dạng này. Việc tìm đọc và học hỏi những công trình còn chưa được bình duyệt có thể dẫn đến những lỗi sai chết người.

Để giảm thiểu điều đó, Monica Granados, một nhà phân tích chính sách về môi trường và biến đổi khí hậu và tư vấn cho chính phủ Canada làm chính sách khoa học mở, đã cùng đồng nghiệp là Daniela Saderi và Samantha Hindle lập ra PREreview (viết tắt của Đăng, đọc và tham gia rà soát lại các bản thảo trước khi in), một nền tảng tạo điều kiện cho việc hợp tác bình duyệt tiền ấn phẩm. Trong các nhóm được thành lập ở PREreview, các nhà khoa học có thể chia sẻ phản hồi của mình về các bản thảo khoa học còn chưa được các tạp chí bình duyệt và chấp thuận đăng. Mục tiêu của PREreview không chỉ là Covid-19 mà còn hướng tới những cái đích xa hơn, đó là tăng cường sự đa dạng về bình duyệt học thuật bằng việc hỗ trợ và trao quyền cho cộng đồng các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người ở giai đoạn đầu sự nghiệp.

PREreview sử dụng các bản thảo trước in như là phương tiện để giúp cho các nhà nghiên cứu - đặc biệt, những người mới bắt đầu sự nghiệp của họ - học cách để rà soát lại ngang hàng ở giai đoạn nơi mà các tác giả vẫn còn có khả năng tích hợp các bình luận đó. Kể từ khi nó được thành lập, PREreview đã mở rộng từ việc cung cấp các công cụ như một nền tảng cho các câu lạc bộ tạp chí khoa học chuyên ngành trước in đến việc huấn luyện các nhà khoa học trẻ về cách quy trình đó làm việc với chương trình hướng dẫn.

“Bằng việc sử dụng các mã nguồn mở và tư duy khoa học mở, chúng tôi cung cấp các bộ công cụ, các nguồn khác nhau để tạo thuận lợi cho các nhà nghiên cứu bình duyệt hiệu quả”, Granados nói. “Chúng tôi đã bắt đầu công việc với suy nghĩ: đây chỉ là một dự án phụ cho các nhà khoa học hoàn thiện bản thảo nhưng hiện tại thì nó đã bắt đầu có sức ảnh hưởng”.

PREreview đặc biệt quan tâm đến việc sẵn sàng giải quyết những vấn đề hiện hữu trong môi trường học thuật ở thời kỳ đại dịch. Trước tình trạng không có những cuộc hội thảo hay cuộc gặp gỡ trực tiếp của các nhà khoa học, ngay cả trong phạm vi các phòng thí nghiệm của họ cũng khó tiến hành, PREreview đã tổ chức các câu lạc bộ phòng thí nghiệm ảo về Covid-19 với Journal of Medical Internet Research và với PLOS Pathogens qua mạng internet. Bằng cách này, họ đã mang các nhà khoa học là chuyên gia hàng đầu về lâm sàng hoặc dịch tễ học từ khắp nơi trên thế giới lại cùng nhau để rà soát và xem xét các bản thảo trước công khai trên các kho lưu trữ.

Vào tháng 1/2020, PREreview đã thiết lập một nền tảng bình duyệt nhanh mới có thể cung cấp một dạng công cụ bình duyệt với nhiều câu hỏi lựa chọn đi kèm với một số phản hồi để có thể đánh giá chất lượng của các bản thảo.“Ý tưởng của chúng tôi là dọn bớt các rào cản để tạo điều kiện cho các chuyên gia có thể rà soát lại càng nhiều bản thảo trước in càng tốt”, Granados nói. “Đây là điều tuyệt vời nhất mà công cụ này có thể đem lại bởi nó được thiết kế phù hợp với sự ‘bùng nổ’ của các bản thảo trước in có liên quan tới Covid-19. Khi thiết kế, chúng tôi không ngờ là nó có thể hữu dụng trong thực tế tới thế nào và cũng nghĩ đến việc nó có thể góp phần giải quyết các vấn đề chính nảy sinh trong khoa học vì Covid-19”.

Cơ hội ứng dụng sau đại dịch

PREreview là giải pháp để giúp cộng đồng khoa học kiểm soát chất lượng với lượng các bản thảo trước in vẫn còn “nóng hổi”, Granados nói. Mục tiêu của họ còn xa hơn, “đây không phải là chuyện riêng của đại dịch. Các công cụ trên nền tảng này nên được tiếp tục sử dụng sau khi chúng ta đã kiềm chế và kiểm soát được đại dịch này”, Granados nói. Những kinh nghiệm mà cô thu được từ Hội thảo Khoa học mở toàn cầu (OpenCon 2018) đã giúp cô làm tốt được công việc này. “Là một phần của cộng đồng mở và làm khoa học mở là một công việc quan trọng đối với tôi. Tôi muốn thế giới khoa học này mở hơn một chút so với trước đây”.

Đối với Jessica Polka, người từng tham dự OpenCon vào năm 2016 và 2017, khoa học mở và công cụ của PREreview “quan trọng bởi nó là một trong những cách thức cụ thể nhất mà các nhà nghiên cứu có thể tác động và tạo ra những thay đổi trong văn hóa xuất bản học thuật”.

Diễn biến của Covid-19 đang đưa đến những nhu cầu đối với các thực hành mở và gia tăng chú ý của cộng đồng khoa học thế giới vào các bản thảo trước in. Khoảng 38% tư liệu về Covid-19 đang được đăng mỗi tuần ở dạng bản thảo trước in thay vì một bài báo trên tạp chí, tăng 7% so với năm ngoái, Polka nói.

“Nhu cầu cấp bách về trao đổi nhanh các thông tin nghiên cứu về SARS CoV-2 đã làm tăng lượng các bản thảo trước in trong vài tháng qua”, Polka nói. “Đại dịch đã chỉ cho nhiều người cách thức trao đổi thông tin học thuật mà trước đó họ không áp dụng”.

Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng cũng đi cùng với các thách thức bởi nếu các bản thảo chưa được cộng đồng bình duyệt kỹ thì chúng vẫn có khả năng lan truyền thông tin sai lệch. Polka coi thách thức này là yếu tố quan trọng để PREreview và cộng đồng khoa học tham gia nền tảng này cân nhắc cách thức bình duyệt một cách cẩn trọng hơn.

Hiện tại, ASAPBio – một công ty do Jessica Polka điều hành, đã tạo ra hướng dẫn về các chính sách bình duyệt của các nền tảng chuyên rà soát các bản thảo trước in để giúp mọi người hiểu cách những nền tảng đó vận hành. Polka cũng đã giúp ASAPBio phát triển một nền tảng mới vào đầu tháng năm, qua đó những người truy cập trang web có thể theo dõi và cập nhật được các xu thế và chính sách liên quan tới khoa học mở, đồng thời cung cấp một số các câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp về các bản thảo trước in và cung cấp các đường liên kết tới các nguồn khác về những tạp chí đáng tin cậy nào trên thế giới đang xuất bản những bài báo về đại dịch.

Polka cho rằng, việc tham dự OpenCon đã trao cho cô các kỹ năng cô cần để suy nghĩ sâu hơn về sự thay đổi văn hóa trong xuất bản và các kết nối cô đã tận dụng được. “Nó đã cung cấp mô hình cho cộng đồng những người làm việc cùng nhau”, cô nói. “Môi trường của OpenCon về cơ bản là gợi mở cho tôi và các đồng nghiệp của tôi cách thức kết nối các nguồn lực trong thế giới khoa học”.