Khắp nơi trong cái tiệm ở Seattle, người mua lấy hàng khỏi kệ, bỏ vào chiếc bọc đựng hoặc nhét vào túi, đi vội ra cửa. Cảm giác họ như những kẻ trộm làm ra vẻ thong dong, nếu như họ không đưa điện thoại áp vào cái cổng công nghệ cao.

Đó là ngày đầu tiên cửa hàng tiện lợi không phải checkout mới khai trương Amazon Go đón khách, và việc mua sắm còn dễ dàng hơn cả mua trực tuyến. Không cần phải nhấp chuột hoặc cuộn màn hình một cách tẻ nhạt, không có các banner quảng cáo, cũng như không cần phải nhớ mật khẩu. Chỉ cần trình ứng dụng Amazon Go ngay các cổng và bắt đầu mua sắm.

Ngành bán lẻ Mỹ đang chảy máu việc làm – và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tiệm tiện lợi này chỉ tầm một cửa hàng 7-Eleven: một ít hàng tạp hoá thiết yếu và các đồ dùng vệ sinh, nhưng chủ yếu là thức ăn nhẹ, các món ăn sáng, bánh mì sandwich và salad. Sau khi một khách hàng đi qua cổng, một loạt các camera và bộ cảm biến trên trần nhà theo dõi động tĩnh của họ trong tiệm. Khi một món hàng được lấy xuống, những camera đó nhận biết và đưa nó vào giỏ hàng ảo của khách. Mười phút sau khi người mua hàng đi ra khỏi cửa, ứng dụng tính tiền vào thẻ tín dụng và cấp cho khách một hoá đơn số.


Nhiều khách hàng bỡ ngỡ với công nghệ, vì đã quá quen checkout lâu nay. Ảnh: TL

Trong ngày đầu, hệ thống hoạt động mạch lạc. Phóng viên tờ The Guardian thử cầm lên rồi bỏ xuống một hoặc hai món salad, rồi nhanh chóng nhét một hộp khăn vào túi xách. Cửa hàng không hề bị lừa. Ứng dụng cho ra hoá đơn chính xác, thậm chí còn cho phóng viên biết chính xác cô ta đã ở trong cửa hàng bao lâu, chính xác đến từng giây.

Tốc độ và sự tiện lợi là cái mà slogan “Chỉ cần lấy hàng rồi ra đi” của Amazon Go muốn đạt được, theo như công bố của công ty. Các nhân viên của công ty đã vào cửa hàng thử nghiệm hơn cả năm. Họ bước vội vào, cầm lấy những gì họ cần và đi ra trong vòng không đầy 30 giây.

Tuy nhiên, những người dùng lần đầu vẫn chưa quen với công nghệ này. “Thiệt là kỳ cục khi lấy hàng rồi đi ra”, Paul Hamilton, từ thị trấn Slough, bên Anh, đến Seattle, kể lại. “Mặc dù là tôi biết công nghệ hoạt động như thế nào, tôi vẫn bỡ ngỡ định tìm đến quầy checkout”. “Điều đó giống như khai mào một cái gì đó thiệt to tát”, Abrar Ali, người đã xông vào Amazon Go, để mua bữa ăn trưa khi đang làm việc cho một công ty viễn thông ở vùng ngoại ô Seattle. “Trí tuệ nhân tạo quả là hết sức tiên tiến và tự thân tôi muốn trải nghiệm điều đó”.

Điều đó còn hàm ý rằng, nhân viên bán lẻ tiền đồ mờ mịt lắm đây. Đứng quầy thanh toán là công việc phổ thông thứ hai ở Mỹ, và các máy tự tính tiền ở đây không phổ biến bằng ở châu Âu và Nhật Bản.

Atsushi Ueda, một kỹ sư làm cho Hitachi ở Tokyo, đã quan sát Amazon Go bằng khả năng chuyên môn. “Thiệt là trôi chảy và rất dễ dàng”, ông nói. “Chúng tôi chẳng có cái nào giống vậy ở bên Nhật, nhưng chúng tôi đang thử nghiệm”.

Trong năm qua, Amazon đã có một bước tiến mạnh mẽ vào ngành bán lẻ ở các cửa hàng vật lý, đã mua lại chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods Market hồi năm ngoái với giá 13,7 tỷ USD và tái cấu trúc dịch vụ tạp hoá tươi sống Amazon Fresh, đưa vào cả xe bán tải bán hàng di động cũng như giao hàng tận nhà. Hãng đã có hàng chục nhà sách khắp nước Mỹ.

Amazon vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch mở thêm các tiệm Amazon Go khác, nhưng danh sách các công việc có thể không còn ở Seattle là khả dĩ. Hồi tháng 12, Amazon quảng cáo một nhà quản lý bất động sản sẽ phát triển một kế hoạch bất động sản chiến lược, và tiến hành các chuyến khảo sát thực tế các địa điểm tiềm năng để mở Amazon Go.

Tuy nhiên, giải pháp công nghệ cao của Amazon Go có vẻ như không thể có mặt ở mọi nơi. Chi phí tự động checkout lên đến khoảng 125.000 USD mỗi tiệm.