Microsoft đang tìm kiếm nhân sự vận hành các lò phản ứng hạt nhân có thể cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và AI, theo danh sách tuyển dụng mới của Microsoft mà The Verge phát hiện.

Các trung tâm dữ liệu hiện sử dụng rất nhiều điện, điều này có thể cản trở các mục tiêu về khí hậu của các Big Tech nếu họ không tìm được nguồn năng lượng sạch. AI, một trong những mảng kinh doanh trọng tâm của Microsoft, càng ngốn năng lượng hơn, đặt ra thách thức về nguồn điện sạch.

Năng lượng hạt nhân không tạo ra khí thải nhà kính. Mặc dù vậy, nó cũng có thể mở ra một loạt vấn đề liên quan đến xử lý chất thải phóng xạ và xây dựng chuỗi cung ứng uranium. Vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc chống biến đổi khí hậu vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, từ lâu đã là một người ủng hộ công nghệ này.

Dựa trên danh sách tuyển dụng mới, Microsoft đang đặt cược vào các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến thế hệ mới, theo The Verge đưa tin. Thông báo tuyển dụng cho biết Microsoft đang tìm người để “dẫn dắt các sáng kiến về cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân nhằm phục vụ tăng trưởng toàn cầu”.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Microsoft đặc biệt đang tìm kiếm người có thể đưa ra kế hoạch phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ, gọi tắt là SMR. Dạng lò phản ứng tiên tiến này đang là chủ đề nóng trong ngành năng lượng, vì rẻ hơn và dễ xây dựng hơn so với những lò phản ứng thế hệ cũ, kích thước lớn.

Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ đã chấp thuận thiết kế SMR lần đầu vào tháng Một năm nay. Các công ty điện lực có thể lựa chọn sử dụng thiết kế mà Uỷ ban này phê duyệt khi xin giấy phép xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới. Điều này có thể mở ra một giai đoạn mới cho năng lượng hạt nhân.

Mặc dù vậy, vẫn còn những vấn đề cần giải quyết nếu Microsoft muốn dựa vào SMR để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu phục vụ các dịch vụ đám mây và AI. SMR yêu cầu nhiên liệu uranium được làm giàu ở mức độ cao hơn, được gọi là HALEU, so với các lò phản ứng truyền thống ngày nay. Cho đến nay, Nga là nhà cung cấp HALEU lớn trên thế giới. Mỹ đang thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng uranium trong nước, động thái này không nhận được sự ủng hộ của các cộng đồng sinh sống gần các mỏ và nhà máy uranium. Sau đó là câu hỏi phải làm gì với chất thải hạt nhân, lượng chất thải mà Mỹ vẫn đang tìm giải pháp để lưu trữ lâu dài.

Bill Gates tình cờ cũng là người sáng lập và chủ tịch của TerraPower, một vườn ươm phát triển các thiết kế SMR. Dù vậy, công ty này “hiện không có bất kỳ thỏa thuận nào bán lò phản ứng cho Microsoft”, công ty nói với CNBC. Microsoft đã có thỏa thuận mua năng lượng sạch từ công ty tiện ích Ontario Power Generation của Canada, công ty đang trên đường trở thành công ty đầu tiên triển khai SMR ở Bắc Mỹ.

Vào tháng Sáu, Microsoft cũng đã ký một thỏa thuận táo bạo, cam kết mua điện từ một công ty có tên Helion đang phát triển nhà máy điện nhiệt hạch. Cả lò phản ứng hạt nhân kiểu cũ và SMR đều tạo ra điện thông qua phản ứng phân hạch hạt nhân, tức là sự phân tách các nguyên tử. Nhiệt hạch là phản ứng ngược lại, đẩy các nguyên tử lại với nhau. Đây là phản ứng tạo ra năng lượng cho các ngôi sao như Mặt trời. Lò phản ứng nhiệt hạch hứa hẹn là nguồn năng lượng sạch dồi dào, không tạo ra chất thải phóng xạ giống như phản ứng phân hạch hạt nhân. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng phải mất ít nhất nhiều thập kỷ nữa con người mới có được một nhà máy điện nhiệt hạch, và thế giới không thể chờ đợi lâu như vậy để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Một nhà đầu tư của Helion là Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman. AI của công ty này cũng liên quan chặt chẽ đến Microsoft. Tuần trước, hai bên đã công bố kế hoạch bổ sung AI tạo hình ảnh DALL-E 3 của OpenAI vào Bing Chat và AI được Microsoft coi là mảng kinh doanh đầu tư lâu dài. “Chúng tôi cam kết giúp các khách hàng có nền tảng và công cụ để làm được nhiều việc hơn với ít nguồn lực hơn và đổi mới cho tương lai trong kỷ nguyên mới của AI”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết trong thông báo tuyển dụng nhân sự cho chương trình công nghệ hạt nhân.

Nguồn: