Ở Việt Nam, công nghệ in 3D đã bắt đầu được ứng dụng vào chế tác trang sức nhưng các doanh nghiệp in 3D chỉ mới dừng lại ở bước tạo mẫu sáp từ mô hình 3D; các bước còn lại do doanh nghiệp kim hoàn thực hiện.

“Trong bài viết “In 3D ở Việt Nam: Chỉ mãi là demo nếu chưa tạo chuỗi giá trị” - báo Khoa học và Phát triển số 945, ông Nguyễn Quý Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH 3Dman - cho rằng công nghệ này có khả năng ứng dụng rất lớn về kim hoàn. Tôi muốn được ông Ngọc cho biết rõ hơn về quy trình để tạo ra một sản phẩm trang sức từ máy in 3D” - độc giả Hoàng Hồng Thanh (Hải Phòng).

Ông Nguyễn Quý Ngọc cho biết, để có sản phẩm trang sức bằng công nghệ in 3D, trước tiên phải thực hiện công đoạn tạo mẫu. Sau khi hình thành ý tưởng, nhân viên thiết kế sử dụng phần mềm chuyên dụng như 3Ds Max, Rhinoceros, Artcam jewelsmith, Modela Player 4... để hoàn thành bản vẽ 3D. Dựa trên bản vẽ này, người ta dùng máy in 3D Nyomo để tạo ra sản phẩm mẫu với tỷ lệ chính xác 100%. Tiếp theo là giai đoạn tạo mẫu sáp. Từ mô hình 3D, mẫu trang sức sẽ được xuất ra và khắc trên sáp cứng. Các mẫu sáp có thể được làm thủ công hoặc bằng máy.

Những chiếc nhẫn được in từ máy in kim hoàn của Công ty TNHH 3DMAN Việt Nam. Ảnh: Lệ Hằng
Những chiếc nhẫn được in từ máy in kim hoàn của Công ty TNHH 3DMAN Việt Nam.
Ảnh: Lệ Hằng

Các mẫu sáp này được gắn vào một ống rót cố định, lần lượt từ trên xuống dưới, tạo thành hình giống như một cây thông. Người ta đem “cây thông” này đi tính toán lượng kim loại quý (vàng, bạc...) cần dùng để đúc. Họ đặt nó vào chén nung trước khi rót đầy thạch cao vào đó. Chén nung chứa cây thông lại được đặt lên lò nung trong vài giờ cho đến khi cây thông gắn mẫu sáp nóng chảy, để lại hốc khuôn rỗng. Sau đó, người ta đổ kim loại quý đã được làm nóng chảy vào các khoang rỗng này bằng cách sử dụng một loại máy đổ khuôn trục dọc, quay với tốc độ cực nhanh nhằm tạo ra sức nén ly tâm đẩy kim loại lỏng vào chén nung, làm đầy các hốc khuôn.

Tiếp theo, sản phẩm thô được lấy ra khỏi chén nung, vẫn dính thạch cao và còn sạm, ráp. Phần đúc mang hình cây thông được cắt ra khỏi sản phẩm thô và công đoạn hoàn thiện bắt đầu. Các sản phẩm thô được cắt, gọt, giũa và đánh bóng để tạo thành phần thân của sản phẩm. Đây có thể là công đoạn cuối cùng trong một số quy trình chế tác trang sức. Đối với một số sản phẩm, người chế tác kim hoàn vẫn cần thực hiện các công đoạn khác.

Sau khi phần thân sản phẩm đã xong, các công đoạn chi tiết hơn được tiến hành, như gắn đá và chạm khắc. Thợ kim hoàn cắt ổ chấu và rèn để giữ viên đá quý/kim cương trên sản phẩm. Sau gắn đá là công đoạn đánh bóng, với việc dùng hệ thống máy có bánh quay tốc độ cao và một số chất để tạo độ bóng cho trang sức.

Cuối cùng, mỗi sản phẩm được kiểm tra chất lượng chặt chẽ để đảm bảo độ chính xác và tay nghề chế tác hoàn hảo. Ở bước này, người ta có thể tiến hành định giá trang sức. Ông Nguyễn Quý Ngọc cũng cho biết, ở Việt Nam, công nghệ in 3D đã bắt đầu được ứng dụng vào chế tác trang sức nhưng các doanh nghiệp in 3D chỉ mới dừng lại ở bước tạo mẫu sáp từ mô hình 3D; các bước còn lại do doanh nghiệp kim hoàn thực hiện.