Chuyện mệt mỏi, phát ốm do làm việc trong môi trường thiếu khí ở nhà cao tầng không chỉ xảy ra ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng đã được khuyến cáo từ những năm 1970. Tình trạng này được đặt tên là hội chứng cao ốc. Đây là thuật ngữ mà WHO chính thức sử dụng từ năm 1986.

Theo các nhà khoa học, làm việc trong môi trường thiếu khí ở các nhà cao tầng sẽ gây hiện tượng mệt mỏi, đau đầu....
Theo các nhà khoa học, làm việc trong môi trường thiếu khí ở các nhà cao tầng sẽ gây hiện tượng mệt mỏi, đau đầu....

Các triệu chứng điển hình là đau đầu, chóng mặt, ngộp thở, khô họng, ho, nhảy mũi, mắt bị kích thích, nổi ban, mất tập trung, dễ kích động…, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động. Điều đáng nói là những triệu chứng này giảm hoặc biến mất khi ra khỏi tòa nhà.

Những năm 1990 có nhiều nghiên cứu sâu rộng về hội chứng cao ốc (Sick Building Syndrome - SBS), và thuật ngữ này đã xuất hiện cả trong phòng xử án liên quan đến các kỹ sư, kiến trúc sư cũng như các công ty bảo hiểm.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến hội chứng cao ốc là chất lượng không khí thấp trong các tòa nhà. Thống kê năm 1986 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 30% số cao ốc mới xây và được sửa lại trên thế giới vướng phải tình trạng này.

Môi trường kín khiến các chất độc hại từ khói thuốc lá, keo sơn tường, thảm trải sàn, thiết bị văn phòng, gỗ chế biến, thuốc sát trùng, hóa chất xịt thơm... không thể thoát ra ngoài. Đó là chưa kể vi khuẩn, virus và nấm mốc phát triển mạnh ở các vũng nước đọng tại ống thông khí, trần nhà, thảm trải... và phát tán khắp tòa nhà do không khí được tái sử dụng nhiều lần qua hệ thống điều hòa.

Hội chứng cao ốc từng được truyền thông ví như “những quả bom nổ chậm”. Ô nhiễm không khí trong nhà thậm chí được coi là liên quan đến cái chết của 4,3 triệu người trên thế giới vào năm 2012. Mỗi năm, hội chứng này gây thiệt hại tới 145 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Ở Anh, Hội chứng cao ốc làm thiệt hại mỗi năm 24,6 triệu ngày công lao động.

Ở Mỹ và Dubai, người lao động trải qua khoảng 90% thời gian sống trong các tòa nhà. Theo báo cáo của WHO, khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang phải hít thở không khí trong nhà với mức ô nhiễm gấp 100 lần ngưỡng cho phép; 30% số nhân viên làm việc trong các tòa nhà nhiều tầng mắc hội chứng cao ốc. Ở nhiều nước, hội chứng này đã được công nhận là một bệnh nghề nghiệp.

“Ảnh hưởng tiêu cực của không khí chất lượng thấp trong nhà đối với sức khỏe còn nặng nề hơn so với ô nhiễm không khí bên ngoài. Nó có thể gây ra một loạt bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng” - Yousef Noman Al Shammari - Giám đốc điều hành Công ty bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe HSSE tại Qatar - cho biết.