Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên của Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật IoT Innovation Hub.

Anh Phùng Công Định phụ trách vận hành IoT Innovation Hub và anh Hoàng Dũng CEO của D&L
Anh Phùng Công Định - phụ trách vận hành IoT Innovation Hub, và anh Hoàng Dũng - CEO của D&L

Ngày 19/09/2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Công ty công nghệ D&L đã chính thức đưa Hệ sinh thái sản phẩm dựa trên nền tảng IoT PAM ecosystem do D&L nghiên cứu và phát triển vào trình diễn công nghệ, khoa học kỹ thuật ở Hòa Lạc.

Sau hoạt động này, D&L sẽ tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ NB-IoT để cải tiến các dòng sản phẩm.

Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc đầu tiên cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IoT Innovation Hub.

Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 5 tháng nhưng IoT Innovation Hub thường xuyên có các đoàn tham quan - từ các nhà phát triển công nghệ, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu cho đến các lớp học sinh, sinh viên nhiều lứa tuổi - đến tìm hiểu những sản phẩm công nghệ IoT hiện đại được Việt Nam phát triển hoặc hợp tác phát triển.

Ứng dụng PAM Air mobile app
Ứng dụng PAM Air mobile app

D&L là doanh nghiệp nội địa có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IoT. PAM là tên thương hiệu cho tất cả các sản phẩm và giải pháp của công ty, gồm các thiết bị phần cứng (cảm biến, bộ điều khiển), phần mềm quản trị (IoT platform, công cụ phân tích dữ liệu lớn) và các ứng dụng cho người sử dụng cuối (web, mobile).

Hệ sinh thái PAM thuộc nhiều lĩnh vực như nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, môi trường, thư viện... trong đó nổi bật nhất là PAM Air - một giải pháp phục vụ việc theo dõi, cảnh báo và dự báo ô nhiễm không khí trên lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm này đang có tốc độ mở rộng mạng lưới nhanh chóng và có ý nghĩa xã hội quan trọng đối với đời sống người dân.

Nơi tập trung công nghệ 4.0

Trung tâm IoT Innovation Hub bắt đầu vận hành từ tháng 10/04/2019 có trụ sở tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, là sáng kiến hợp tác thực hiện giữa Bộ Khoa học Công nghệ, Chính phủ Thuỵ Điển và Tập đoàn Ericsson nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thuỵ Điển.

Đây là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam kết nối các trường đại học, doanh nghiệp để phát triển nghiên cứu và thử nghiệm các ứng dụng IoT, hỗ trợ các nhà nghiên cứu về R&D, doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới. Mục tiêu của trung tâm là đẩy nhanh tiến độ phát triển của Việt Nam về Internet vạn vật.

Hệ sinh thái sản phẩm dựa trên nền tảng IoT PAM ecosystem. Các sản phẩm IoT PAM ecosystem hiện đang được trưng bày tại IoT Innovation Hub
Các sản phẩm IoT PAM ecosystem hiện đang được trưng bày tại IoT Innovation Hub

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện thu hút nhiều nhà đầu tư lớn nên đây là nơi thuận lợi triển khai thử nghiệm các công nghệ mới về IoT, thành phố thông minh và công nghiệp 4.0.

Nhiều đầu não khoa học công nghệ đã quy tụ tại đây như công ty Ericsson, Viettel, VNPT Technology, Đại học FPT, FPT Software, VinSmart, ABB, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao HBI, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở KH&CN Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện công nghệ thông tin - Đại học Bách Khoa Hà Nội…

Hiện Viettel và VNPT đã bật thử nghiệm các cột phát sóng 5G tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phục vụ hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm ứng dụng NB-IoT tại IoT Innovation Hub.