Một nghiên cứu công bố trên Nature vừa chỉ ra, chế độ ăn được bổ sung chiết xuất tảo đỏ Gracilaria sp. (GRA) có thể giúp cá mú (giống châu Âu) tăng cường khả năng chống chịu với nhiều loại bệnh và giảm hẳn tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh hỗ trợ chức năng miễn dịch và chống oxy hóa, GRA còn có tác dụng làm chậm tiến trình nhiễm khuẩn photobacteriosis (Phdp), nâng cao khả năng sống sót của cá mú trước loại bệnh này. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng không tìm thấy sự khác biệt nào giữa lượng thức ăn hấp thụ và trọng lượng của cá thuộc hai nhóm được áp dụng chế độ ăn thử nghiệm và cho ăn kiểm soát. Điều này cho thấy, GRA có thể là một giải pháp khả thi về mặt kinh tế và thân thiện với cá nuôi.

Chiết xuất tảo đỏ Gracilaria sp. được chứng minh là có rất nhiều công dụng. Ảnh: Wikimedia.

Chiết xuất tảo đỏ Gracilaria sp. được chứng minh là có rất nhiều công dụng. Ảnh: Wikimedia.

Cơ sở nghiên cứu

Mặc dù đang ngày càng trở nên phổ biến và sinh lời, nghề nuôi cá mú cũng gặp phải không ít thách thức, nhất là nguy cơ từ các loại mầm bệnh. Trong đó phổ biến nhất là loại vi khuẩn hình que Photobacterium damselae subspecies piscicida (Phdp), có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng máu ở cá non và thiệt hại kinh tế khôn lường nếu cá chết hàng loạt.

Thông thường, người nuôi sẽ tìm kiếm những biện pháp phòng ngừa hơn là trị bệnh một khi dịch Phdp bùng phát. Việc bổ sung dinh dưỡng giúp cá tăng cường khả năng miễn dịch được xem là hiệu quả hơn về mặt chi phí, thay vì phải tiêm vắc-xin cho cả đàn, bên cạnh đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi. Bằng cách đưa vào thức ăn các tác nhân kích thích miễn dịch (immunostimulants), người nuôi sẽ ít gây ảnh hưởng lên môi trường hơn, hoặc khiến cá kinh sợ.

Nghề nuôi cá chẽm đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ do dịch bênh.  Ảnh: Medaid.

Nghề nuôi cá chẽm đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ do dịch bênh. Ảnh: Medaid.

Một số nghiên cứu dinh dưỡng đã chỉ ra, trong các loại rong đỏ như Gracilaria gracilis có chứa nhiều hợp chất polysaccharides – giúp cá tăng cường hệ miễn dịch và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, nhiều bằng chứng cũng cho thấy GRA có khả năng hoạt động giống như một loại prebiotic (nguồn thức ăn cho các probiotic hay lợi khuẩn) trên cá bơn sọc (zebrafish hay Danio rerio). Mặc dù vậy, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh GRA là một nguồn bổ sung immunostimulant hiệu quả cho loài cá mú.

Thực hiện nghiên cứu

Các tác giả của nghiên cứu trên rất muốn đánh giá tác động của GRA đối với cá mú bị nhiễm photobacteriosis. Cụ thể là GRA đã bằng cách nào gây ảnh hưởng đến khả năng phản hồi miễn dịch và tỷ lệ sống sót của cá sau khi bị phơi nhiễm Phdp.

Đầu tiên, nhóm tiến hành phân loại cá mú con và đưa chúng vào bể thí nghiệm để thích nghi trong 2 tuần. Thời gian này, cá được cho ăn bằng cùng một khẩu phần và kiểm tra cân nặng thường xuyên. Khi thực hiện thí nghiệm, các tác giả sẽ chia cá vào 8 bể tròn – thuộc một hệ thống RAS nước mặn, với 30 cá thể trong mỗi bể. Sau đó, cá trong 4 bể sẽ được cho ăn với chế độ thử nghiệm (bổ sung thêm 5% GRA), 4 bể còn lại thì cho ăn kiểm soát, đồng thời theo dõi trong 80 ngày.

Sau giai đoạn quan sát, 4 bể gồm toàn cá con sẽ được bơm Phdp để kiểm nghiệm (2 bể với chế độ ăn kiểm soát, 2 bể được cho ăn bằng chế độ thử nghiệm). Hai bể được bơm giả dược (placebo), trong đó một bể được cho ăn kiểm soát và một bể áp dụng chế độ ăn thử nghiệm. Hai bể còn lại không bị đưa vi khuẩn vào và cá hoàn toàn được cho ăn kiểm soát. Để ngăn chặn nguy cơ nhiễm độc liên hoàn, các bể được cách ly khỏi hệ thống RAS.

Qua theo dõi trong 7 ngày cho cá phơi nhiễm với vi khuẩn, nhóm đã ghi lại các thông số quan trọng như mức độ hấp thụ thức ăn và tỷ lệ tử vong. Các mẫu thận của cá bị nhiễm bệnh cũng được lấy để tiến hành xét nghiệm. Trước khi đưa ra kết luận sau cùng, cá còn được theo dõi thêm 3 ngày nữa.

Kết quả

Trong 80 ngày đầu thí nghiệm, không có biểu hiện khác biệt nào về trọng lượng cơ thể hay lượng thức ăn mà cá hấp thụ. Nhưng trong giai đoạn sau (hậu nhiễm độc), sự khác biệt trên các nhóm lại trở nên rõ ràng hơn. Một số cá thể không còn bị phơi nhiễm Phdp đã sống khỏe và không có phản ứng tiêu cực (như sợ hãi do tác nhân hóa học) với môi trường thí nghiệm. Trong khi đó, những cá thể bị nhiễm bệnh bắt đầu chết trong khoảng 1 – 7 ngày sau khi phơi nhiễm. Tuy nhiên, những cá thể được cho ăn bổ sung GRA lại cho thấy có tỷ lệ sống sót cao hơn nhóm ăn theo chế độ kiểm soát – chết ngay trong ngày đầu tiên sau khi phơi nhiễm; còn cá được ăn GRA phải mất 3 ngày mới bắt đầu có biểu hiện mắc bệnh rồi chết.

Hiện tượng cá chết được ghi nhận ngay trong ngày đầu sau khi phơi nhiễm với nhóm được cho ăn theo chế độ kiểm soát. Ảnh: Medaid.

Hiện tượng cá chết được ghi nhận ngay trong ngày đầu sau khi phơi nhiễm với nhóm được cho ăn theo chế độ kiểm soát. Ảnh: Medaid.

Dựa trên kết quả phân tích mô và nội tạng của các cá thể được áp dụng chế độ ăn thử nghiệm, nhóm kết luận GRA có tác dụng giải độc và làm suy yếu vi khuẩn Phdp. Ngoài ra, cá được ăn bổ sung GRA còn cho thấy khả năng cưỡng lại tình trạng căng thẳng (do các tác nhân sinh hóa) tốt hơn.

Nghiên cứu trên đây đã cung cấp bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa chế độ ăn với hoạt động của hệ miễn dịch trên cá mú. Kết quả là nguồn dinh dưỡng bổ sung GRA đã giúp cá khỏe mạnh và chống chịu tốt hơn trước bệnh tật. Sau cùng, đây cũng là một giải pháp khả thi về mặt kinh tế và dễ tiếp cận đối với người nuôi.