Ngay giữa trung tâm chợ Hàn – Đà Nẵng, ít ai biết có một “nhà máy sản xuất xe mô tô điện tiêu chuẩn quốc tế”, nơi những chàng lính ngự lâm rời bỏ những công ty công nghệ lớn nhất Silicon Valley để về Đà Nẵng làm một startup ngay tại thành phố mà họ sinh ra…

Nguyễn Bá Cảnh Sơn bên chiếc xe máy điện Weaver.
Nguyễn Bá Cảnh Sơn bên chiếc xe máy điện Weaver.

Hít thở còn chưa xong, thì làm web chạy nhanh hơn làm gì?

Câu chuyện của Dat Bike bắt đầu với Sơn Nguyễn, giám đốc của công ty xe điện có giấy phép kinh doanh tại San Francisco – Mỹ này. Hồi đó Sơn còn làm cho một công ty phần mềm ở thung lũng Silicon, mỗi lần về Đà Nẵng là anh lại phát hoảng vì thành phố mỗi lúc một đông. Khách du lịch ngày càng nhiều, nên việc tắc đường cũng xảy ra thường xuyên hơn. Có lần phải mất hơn nửa tiếng để di chuyển chỉ từ khu vực chợ Hàn ra đến cầu Rồng – còn chậm hơn đi bộ nữa. “Mỗi lần kẹt xe như vậy, đứng ở sau các xe du lịch bụi phả vào mặt, “ấm” cả người luôn” - Anh cười.

Khoảng thời gian anh làm việc ở thung lũng Silicon, các công ty xe điện, đặc biệt như Tesla đang nổi lên như một giải pháp giao thông sạch. Tuy nhiên, những sản phẩm của Tesla lại hướng đến những người dùng có thu nhập cao. Xu hướng đang đi lên, nhưng lại không có ai giúp đưa giải pháp này trở nên thực tiễn hơn. Đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam, nơi những vấn đề về ô nhiễm môi trường lại xảy ra nghiêm trọng hơn, nhưng hiếm ai có khả năng chi trả cho một con xe đắt đỏ như vậy.

Với suy nghĩ đó, sau 2 ngày, anh nộp đơn xin nghỉ công việc hiện tại ở công ty phần mềm và tập trung vào làm ra chiếc xe điện cho mọi người - Dat Bike. “Dân chơi thì đâu sợ mưa rơi” - Sơn cười lớn.

Tất nhiên, từ một người dành cả thanh xuân để lập trình, chuyển qua làm xe điện, Sơn gặp phải rất nhiều sự phản đối từ gia đình, bạn bè. Nhưng đối với anh việc làm xe chỉ là một phần trên hành trình định hình bản thân mình. “Sau khoảng thời gian đi làm, mình nhận ra tất cả mọi thứ đều xoay quanh kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving skill) thôi. Chính những vấn đề mình giải quyết nó sẽ định hình con người của mình, chứ không phải mình học lập trình là phải làm lập trình viên. Nếu suy nghĩ như vậy thì cuộc đời mình sẽ bị giới hạn lắm.” - Sơn chia sẻ.

Ước mơ chiếc xe hoàn toàn “made in Vietnam”

Bắt đầu với một thứ hoàn toàn mới mẻ, những ngày đầu tiên chàng trai từng đại diện Đà Nẵng giành hàng loạt huy chương quốc tế về tin học này chỉ ngồi trong phòng và nghiên cứu. “Sáu tháng đầu tiên, mỗi ngày mình coi youtube cũng phải 10 tiếng. Mình xem các video hướng dẫn những chi tiết nhỏ nhất như bo mạch, lắp ráp xe như thế nào, độ xe ra sao rồi từ đó mình học dần dần thôi. Lúc đó mình ở Mỹ, nên không hề có xe mẫu để xem luôn. Sau đó mình còn phải vào Walmart, mua một cái xe đạp về xem nó cấu tạo như thế nào. Xong rồi, mình mới lắp thêm vào để cải tiến thành xe điện. Quá trình từ học trên youtube đến việc thực hành được cũng dài lắm.” - Anh nói.

Sau gần một năm, Sơn đưa ra mẫu xe đầu tiên, dây điện lòng thòng ra ngoài. Nhìn vậy nên anh càng gặp phản đối nhiều hơn, bạn bè có nhiều người còn khuyên anh từ bỏ, quay lại với việc cũ. Nhưng anh mặc kệ, “Mình vẫn cứ làm thôi. Mẫu đầu tiên mình có chụp hình, đăng lên mạng xã hội thì cũng không ai quan tâm cả, nhưng xe mẫu thứ hai thì có nhiều người quan tâm hơn nhiều, khen nhiều hơn. Thậm chí có nhiều người còn hỏi có làm riêng cho họ được không. Từ đây mình cũng có nhiều động lực hơn.”

Kể từ lúc có mẫu thử thứ hai, Sơn mới bắt đầu gọi vốn. Mặc dù được hỗ trợ bởi người quen, đồng nghiệp cũ nhưng anh vẫn muốn gọi vốn ở ngoài. Có những lần anh phải chạy xe vòng quanh vịnh San Francisco để gặp nhà đầu tư. Vì là mẫu thử nên đi đến đâu anh đều phải kiểm tra, hư đến đâu sửa đến đấy.

“Cộng đồng người Việt làm ở những công ty công nghệ lớn đông lắm, nên mình xách cái xe, chạy một vòng gặp những nhà đầu tư thiên thần bạn bè, năn nỉ mỗi người góp vô vài ngàn đô để có kinh phí phát triển tiếp. Cứ chạy xe trong trời lạnh, nói liên tục để thuyết phục mọi người, có lúc phát hiện ra mình mệt đến lả người đi, muốn xỉu thì mới biết đã đói khủng khiếp, phải gọi bạn đến cứu.” Kết quả của mấy tháng đầu, Sơn ốm mất… 25 kg.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, giờ đây, Dat Bike đang phát triển từng ngày với nhiều đơn đặt hàng hơn. Mong muốn của cả nhóm là tạo ra chiếc xe điện hoàn toàn “made in Vietnam” và phải mang dấu ấn Việt Nam, không chỉ về công nghệ, mà còn về thiết kế. Giống như khi nhìn vào những nét cong, kiểu dáng có chổ để chân phía trước, người ta dễ dàng liên tưởng đến những chiếc xe Ý. Sơn cũng hi vọng sẽ mang những nét riêng và đặc trưng của Việt Nam vào những chiếc xe của mình.

Không chỉ muốn tạo ra nét riêng cho xe Việt, mục tiêu lớn nhất của Dat Bike chính là muốn góp phần trong hành trình giao thông sạch, giúp mọi người chuyển từ xe xăng qua xe điện.

“Có lẽ ai cũng thấy được việc chúng ta sẽ dần chuyển từ xe xăng qua xe điện là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra, sớm hay muộn. Có nhiều người hỏi tụi mình là sao cạnh tranh lại được Vinfast. Nhưng mình nghĩ quan trọng nhất là làm cho “cuộc cách mạng” xe điện diễn ra, mà nếu như vậy thì cần sự chung tay của rất nhiều tổ chức ở nhiều góc độ. Vinfast một góc độ, Dat Bike sẽ một góc độ, các hãng khác nữa sẽ tham gia ở góc độ khác. Và để thay đổi được suy nghĩ của khách hàng, “giáo dục” thị trường chuyển sang dùng xe điện để bảo vệ môi trường thì cần những công ty có năng lực lớn như Vinfast. Và tụi mình rất muốn góp tên mình vào hành trình này. Đó là chuyện mà Dat Bike muốn làm.” - Sơn chia sẻ.