Vừa qua, trên mạng xã hội, giới công nghệ chia sẻ một bức hình hài hước, theo đó, ở phần đáp án cho câu hỏi: “Ai đã truyền cảm hứng cho chuyển đổi số tại công ty bạn?”, Covid-19 được lựa chọn chứ không phải CTO (giám đốc công nghệ) hay CEO (giám đốc điều hành).

Bức hình hài hước được giới công nghệ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Bức hình hài hước được giới công nghệ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Bức hình, dù chỉ để ghẹo vui giới lãnh đạo công nghệ, nhưng sự thật là, thời gian qua, dịch bệnh - chứ không phải các CTO - đã thúc đẩy toàn diện sự đổi mô hình kinh doanh, phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Không thể phủ nhận vai trò của CTO và những kết quả nhất định mà các lãnh đạo công nghệ đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số trước khi Covid-19 xuất hiện.

Theo nghiên cứu của IDC năm 2018 trên phạm vi toàn cầu, gần 90% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau. Năm 2017, chuyển đổi số đóng góp 6% cho GDP toàn cầu, và con số này được dự đoán là 60% vào năm 2021.

Đối với hầu hết các doanh nghiệp mới khởi sự, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ, CTO chính là người biến ý tưởng thành sản phẩm. Họ xác nhận tính khả thi kỹ thuật của ý tưởng kinh doanh và đề xuất các giải pháp triển khai. Vai trò của CTO bao gồm lựa chọn công nghệ, thiết lập cơ sở hạ tầng để có thể mở rộng.

Khi doanh nghiệp phát triển, CTO nâng cấp công nghệ để sản phẩm có nhiều tính năng hơn, dễ sử dụng hơn và thu hút khách hàng hơn. Họ xây dựng và quản lý nhóm phát triển, giám sát việc tuyển dụng và thiết lập văn hóa làm việc. Họ xây dựng tầm nhìn sản phẩm, theo dõi các xu hướng công nghệ mới. CTO là người chịu trách nhiệm chính cho công cuộc chuyển đổi số.

Tuy nhiên, Covid-19 đã làm lộ rõ vấn đề.

Sau hai quý xuất hiện và càn quét trên phạm vi toàn cầu, Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ. Nhu cầu làm việc từ xa đột nhiên trở thành bắt buộc, trong khi những hay đổi lớn liên quan tới hành vi của người tiêu dùng dẫn đến cơ cấu ngành cũng thay đổi với những ưu thế cho sản phẩm số.

Từ cá nhân tới cộng đồng, từ doanh nghiệp tới chính phủ đều đang tìm kiếm những cách mới để kết nối. Doanh nghiệp buộc phải học cách vận hành từ xa, tối đa hóa sự linh hoạt, tốc độ và thích ứng, phải thức hơn về những gì có thể thực hiện ngoài các quy trình truyền thống.

Nhưng đáng tiếc là trước Covid-19, hầu hết nỗ lực chuyển đổi của doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức chuyển đổi thông tin và quy trình thủ công sang định dạng số. Đôi khi nó được thể hiện ở việc đầu tư một khoản tiền, mua một vài ứng dụng, mở một phòng nghiên cứu, tổ chức vài hội thảo công nghệ... Số doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động vì không tổ chức được làm việc từ xa, không chuyển đổi được phương thức tương tác với khách hàng, không tiếp cận được nguồn cung ứng do gián đoạn của Covid-19 đã cho thấy công nghệ trong tay CTO vẫn còn rất hạn chế. Nó chưa đạt được mức độ chuyển đổi số đúng nghĩa, tức là sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Để thúc đẩy toàn diện các yếu tố nêu trên, vai trò của CTO trong chuyển đổi số vào thời điểm này không thể chỉ bó hẹp trong các vấn đề kỹ thuật. Theo Deepak Gupta, CTO kiêm đồng sáng lập Tập đoàn LoginRadius - nhà cung cấp giải pháp nhận dạng khách hàng và quản lý truy cập (CIAM) hàng đầu thế giới với hơn một tỷ lượt dùng, để chuyển đổi số thành công, CTO phải đảm bảo năm vấn đề chính gồm:

Thứ nhất, CTO kiện toàn và đồng bộ sự chuyển đổi trong tổ chức. Vai trò này rộng hơn việc giám sát công nghệ hoặc quản lý các hoạt động bình thường, nó là giám sát một quá trình chuyển đổi ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau của công ty. Một nhiệm vụ chính của CTO là chỉ định công nghệ để thúc đẩy kinh doanh nhưng là trong bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ, có nghĩa là CTO phải xác định được lợi thế cạnh tranh về công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ hai, quyết định thời điểm chuyển đổi số trong doanh nghiệp. CTO là người nắm rõ nhất thực trạng công nghệ của doanh nghiệp. Họ cũng nhận biết được những gì là thành tựu, tiềm năng, và những gì doanh nghiệp còn thiếu trong quá trình chuyển đổi số. Và tất nhiên, CTO phải dự tính được cần bao nhiêu thời gian để chuẩn bị mọi thứ cho chuyển đổi số thành công.

Thứ ba, CTO dùng công nghệ tạo ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh. Đây là việc tối quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời đây cũng là điểm mà CTO có nhiều hạn chế nhất. Với nền tảng về công nghệ, đa số CTO ngại các vấn đề kinh doanh. Nhưng môi trường doanh nghiệp đã thay đổi, CTO phải luôn xem xét các mục tiêu chiến lược của công ty trước khi họ thực hiện các chiến lược công nghệ. Bằng việc tư duy logic, nhận thức và nghiên cứu kỹ lưỡng, CTO có khả năng dự đoán các mối đe dọa mới, thấy trước các công nghệ mới và nắm bắt sự trưởng thành của các xu hướng bên ngoài.

Thứ tư, CTO phải trở thành tiếng nói của khách hàng. Mọi kế hoạch kinh doanh tốt đều cần đảm bảo việc cung cấp những sản phẩm và trải nghiệm tốt cho khách hàng. Nếu như trước đây, CTO tập trung vào quản lý những đối tác đơn giản về cung cấp phần cứng, phần mềm, thì ngày nay, họ còn phải thúc đẩy cả hệ sinh thái công nghệ với vệc phát triển quan hệ đối tác, khách hàng, nhà đầu tư.

Thứ năm, CTO chính là người tạo ra các mô hình hoạt động liên kết với chiến lược của công ty. Để gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, CTO phải giải quyết các vấn đề liên quan tới nhu cầu của khách hàng nội bộ và bên ngoài, giảm thiểu rủi ro trong vận hành cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cho việc thực hiện các quyết định, phân chia trách nhiệm và chức năng để gia tăng hiệu quả hoạt động.

Nói tóm lại, chìa khóa để CTO thực hiện chuyển đổi số trong và sau giai đoạn dịch bệnh không nằm ở những máy tính mạnh hơn. Nó nằm ở khả năng thấu hiểu thị trường cho sản phẩm làm ra, nằm ở khả năng thay đổi thái độ của con người và quy trình của tổ chức.