Tạo ra trải nghiệm sinh động cho khách tham quan bằng các công nghệ mới là cách nhiều bảo tàng trên thế giới đang ứng dụng nhằm thoát khỏi tình trạng đìu hiu khi mà những người trẻ tuổi ngày càng lạnh nhạt với bảo tàng vì bận mải mê với vô số kiến thức trên Internet.


Bảo tàng mất khách

Bảo tàng kiểu truyền thống có vẻ ngày càng bị lạnh nhạt khi ở nhiều nơi số người tới tham quan, khám phá ngày càng ít đi. Theo điều tra tại các bảo tàng nghệ thuật và lịch sử ở Mỹ, số khách tham quan sụt giảm mạnh từ đầu những năm 2000. Năm 2012, lượng khách đến xem trưng bày tại các bảo tàng nghệ thuật ở nước này đã sụt giảm 10% so với thời điểm cách đó 20 năm.
Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp tăng sức hút cho các bảo tàng. Ảnh: Inparkmagazine
Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp tăng sức hút cho các bảo tàng. Ảnh: Inparkmagazine

Ở Anh, nhiều bảo tàng như Tate đã mất tới cả triệu khách tham quan trong nước trong vòng 6 năm - kể từ 2008-2014. Chỉ trong vòng một năm từ 2012-2013, Bảo tàng quốc gia Liverpool mất 20% số lượng khách.

Đáng chú ý, lượng khách sụt giảm của các bảo tàng lại chủ yếu rơi vào tầng lớp trẻ tuổi và trung niên. Chẳng hạn như ở Mỹ, đó là những người nằm trong độ tuổi từ 18 đến 44. Tỷ lệ khách tham quan ở độ tuổi 54 trở lên có xu hướng tăng, song con số này cũng không đủ cân bằng lại lượng khách trẻ tuổi đang dần rời xa bảo tàng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên; có thể do chất lượng, cách thức quảng bá và cả vị trí của bảo tàng chưa phù hợp, cũng có thể do tâm lý, sở thích lứa tuổi của khách.

“Có một khoảng cách giữa các thế hệ. Những người lớn tuổi vẫn thích đọc sách và tới các bảo tàng, trong khi thế hệ trẻ lại muốn có được các thông tin trực tuyến. Họ đi ra ngoài ít hơn và không muốn tới các viện bảo tàng như chúng tôi” - Elilat Lieber - Giám đốc Bảo tàng Tower of David Museum ở Jerusalem - chia sẻ.

Đó là chưa kể nhiều bảo tàng còn chưa chú ý tới việc tạo ra những trải nghiệm sống động cho khách tham quan. Việc dán lên một vài dòng thông tin sơ lược hay cho quá nhiều thông tin bằng chữ cũng khiến cho giới trẻ đôi khi mất hứng.

“Các bảo tàng lịch sử và khảo cổ học bị cho là nhàm chán. Có quá nhiều thông tin sẽ khiến cho giới trẻ có cảm giác không hứng thú” - Lieber nói.

“Cứu” bảo tàng bằng công nghệ

Trong bối cảnh trên, công nghệ được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp cho bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày các hiện vật khô cứng mà còn là một môi trường để khách tham quan - nhất là giới trẻ - có những trải nghiệm lý thú.

Ở nhiều bảo tàng trên thế giới, các cốt truyện, thông tin về hiện vật đã được lồng ghép cùng hình ảnh, video sống động. Bên cạnh những gian trưng bày truyền thống, các bảo tàng đang không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa tư liệu, thông tin về hiện vật trong bảo tàng. Nhiều bảo tàng đã trang bị màn hình lớn để khách tham quan có thể tra cứu thông tin dễ dàng.

Vào tháng 3/2015, công ty khởi nghiệp Cuseum tại Boston đã cho ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động sử dụng công nghệ Bluetooth cho phép khách tham quan tải về điện thoại của mình. Ứng dụng được thử nghiệm tại một số bảo tàng có khả năng tự động bật các thông tin, video giới thiệu về hiện vật khi khách tham quan di chuyển tới.

“Công nghệ này có thể tăng cường các trải nghiệm, đem lại sự lý thú và làm giàu thêm cho các phòng trưng bày của bảo tàng”- Brendan Ciecko - người sáng lập Cuseum cho biết.
Nhiều bảo tàng thậm chí còn hướng tới việc giúp người tham quan có trải nghiệm sinh động thông qua việc ứng dụng công nghệ để tạo ra các đặc tính xã hội, cá nhân và vật lý giống như thế giới thực.

Trong những công nghệ mở ra nhiều hứa hẹn cho hướng đổi mới trên của các bảo tàng phải kể đến là công nghệ 3D. Hiện đã có một số bảo tàng, ví dụ như Bảo tàng Getty ở Los Angeles sử dụng công nghệ tương tác thực tế ảo, tạo ra các hình ảnh 3D của hiện vật và cho phép người tham quan tương tác với các hiện vật này thông qua cử động của cơ thể.

Việc đưa công nghệ vào bảo tàng để tạo ra trải nghiệm sinh động được tin tưởng sẽ là một trong những cách thức hiệu quả để giữ chân khách tham quan. Vấn đề này còn quan trọng hơn cả việc đếm số lượng người tới thăm bảo tàng; bởi mục đích của bảo tàng không dừng lại ở việc trưng bày để khách tới chiêm ngưỡng mà còn phải có giá trị giáo dục, tạo ra những xúc cảm ý nghĩa cho con người.

“Vấn đề không chỉ dừng ở chỗ đếm bao nhiêu người đã tới bảo tàng mà là xem thói quen, lượng thời gian tiêu tốn ở đây và thậm chí cả những phản ứng tâm lý đối với những gì mà họ thấy” - TrendzWatch - báo cáo thường niên của Hiệp hội Bảo tàng Mỹ - nhận định.