Hôm nay, sau hơn nửa tháng tranh tài, Olympic 2016 đã khép lại. Một trong những thành công lớn nhất tại kỳ đại hội này việc Big Data được áp dụng khiến các đội thắng, thua đều phải “tâm phục, khẩu phục”, không còn tình trạng tranh cãi về tính chính xác của kết quả.

Dữ liệu lớn tạo cuộc cách mạng tại Olympic

Dữ liệu lớn (big data) - xu hướng sử dụng cảm biến, máy móc, phần mềm trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác để thu nhập dữ liệu và phân tích thông tin - đang ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả thể thao.

Ban tổ chức Olympic 2016 cho biết đã đầu tư 2,25 tỷ USD để thiết lập các giải pháp truyền thông và công nghệ thông tin phục vụ các trận đấu, với sự tham gia của gần 250 công ty công nghệ như Atos, Cisco, EMC, Omega, Panasonic, Samsung, Symantec…

Đội đua xe Olympic 2016 của Mỹ dùng kính thông minh theo dõi các chỉ số trên đường đua. Ảnh: Spectrum
Đội đua xe Olympic 2016 của Mỹ dùng kính thông minh theo dõi các chỉ số trên đường đua.
Ảnh: Spectrum

Tại Olympic 2016, các vận động viên (VĐV) đua xe đạp được sử dụng cảm biến GPS cung cấp thông tin trong thời gian thực, ghi nhận chính xác vị trí của họ cho người giám sát trận đấu. Vòng đeo kỹ thuật số của Omega gắn trên VĐV bơi lội trong các đường bơi 800m và 1.500m cũng giúp cập nhật chính xác kết quả từng người.

Với trò chơi tốc độ như bắn cung, bắn súng, các cảm biến cũng giúp khán giả biết ngay kết quả chỉ 1-2 giây sau khi VĐV bắn trúng mục tiêu. Hay trong môn đua xe, các tế bào quang điện (thay thế dải băng cuối đường đua) sẽ phát chùm sáng khi VĐV vượt qua vạch cuối cùng.

“Công nghệ này giúp các tay đua và khán giả biết thời gian chính xác được ghi nhận đối với người chiến thắng” - Alain Zobrist - Giám đốc điều hành của Omega Timing - nói. Thậm chí, khán giả có thể theo dõi VĐV, xem kết quả trong thời gian thực, trải nghiệm các sự kiện thể thao trong thế giới ảo với thiết bị đội đầu Gear VR của Samsung hay ứng dụng BBC Sports cho hình ảnh sống động 360 độ.

Những ứng dụng, thiết bị công nghệ big data rõ ràng đã cải thiện độ chính xác trong đánh giá kết quả, khiến các đội thắng, thua đều “tâm phục, khẩu phục” khi không thể nghi ngờ gì về kết quả.

“Cho tới năm 1948, mọi thứ đều phụ thuộc vào độ chính xác của mắt người. Các kết quả xấp xỉ nhau đều có thể tạo ra tranh cãi. Năm 1948 có một bước tiến lớn khi máy móc bắt đầu được ứng dụng. Hiện nay chúng ta có các kết quả điện tử hoàn toàn không thể gây tranh cãi. Ví dụ, camera Scan-O-Vision MYRIA của Omega có thể chụp tới 10.000 hình ảnh mỗi giây cho tới bức ảnh cuối cùng để theo dõi” - Alain Zobrist nhận định.

Nâng cao hiệu suất cho vận động viên

Công nghệ big data không chỉ đem lại kết quả chính xác mà còn có thể giám sát sức khỏe, các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng tới VĐV tại đấu trường, giúp các đội thích ứng để thi đấu tốt hơn. “Sự tích hợp công nghệ và phần mềm mở ra nhiều khả năng trong việc theo dõi thời gian và xử lý dữ liệu. Chúng ta đang khám phá ra nhiều cách mới để làm lợi cho VĐV, trọng tài và cả khán giả” - Alain nói.

Các đội đua thuyền đã sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để phân tích và theo dõi chính xác vị trí hiện tại ở vịnh Guanabara, giúp họ thi đấu tốt hơn và đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhất trước các thử thách sẽ gặp phải, kể cả điều kiện khí hậu và sóng nước. Các VĐV đấm bốc năm nay cũng sử dụng phân tích dữ liệu lớn tiên tiến để nhận biết hiệu suất ra đòn của mình cũng như xây dựng chiến thuật.

Thực tế, không ít đội và VĐV giành huy chương vàng nhờ ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn. Chẳng hạn, đội đua thuyền GB của Anh - từng nhiều năm liên tiếp giành huy chương vàng Olympic kể từ năm 1984 - đã ứng dụng phân tích dữ liệu VĐV chèo thuyền để đề ra chiến thuật chèo nhanh hơn.

“Nét hấp dẫn lớn trước tiên đến từ các dữ liệu chặt chẽ mà chúng tôi có được. Nó có thể cung cấp hiệu suất chèo của từng cá nhân trên thuyền” - ông David Tanner - người tham gia các chương trình đua thuyền tại Olympic từ năm 1996 - cho biết.

Việc thu thập dữ liệu về tất cả các VĐV trong quá trình huấn luyện sẽ giúp vòng huấn luyện mới nhanh chóng bắt kịp thành tích mà vòng trước đã đạt được, xác định được cách tiếp cận khả thi nhất cho từng cá nhân để giành chiến thắng.

Cách tiếp cận phân tích dữ liệu trong huấn luyện và thi đấu cũng giúp VĐV giảm thiểu nguy cơ chấn thương và phục hồi nhanh hơn. Kitman Labs - nhà cung cấp phân tích dữ liệu lớn cho các đội tham gia Olympic - tiết lộ, hệ thống theo dõi VĐV cho phép huấn luyện viên giám sát các phản ứng sinh lý và sự căng thẳng tâm thần của VĐV trong huấn luyện và thi đấu cấp độ cao. Các tín hiệu phản ứng tiêu cực sẽ được đánh giá và khắc phục trong chương trình phục hồi để tránh chấn thương.

Các ứng dụng của big data tại Olympic 2016:

- Các võ sĩ đấm bốc Anh sử dụng phần mềm đấm bốc iBoxer do Đại học Sheffield Hallam phát triển để phân tích các nguy cơ và cơ hội, từ đó đưa ra chiến thuật hiệu quả.

- Đội đua xe đạp của Mỹ sử dụng kính thông minh do Solos phát triển để tham khảo các dữ liệu thực trong quá trình huấn luyện thi đấu Olympic.

- Đội đua thuyền STG của Đức sử dụng thiết bị đội đầu do SAP phát triển để huấn luyện, thi đấu và học hỏi nhanh hơn.