Hoa cúc nở hoa sớm trong mùa đông, thanh long lại không ra hoa nếu vào vụ ngày ngắn, đêm dài... là các vấn đề mà nhà nông phải đối mặt. Cách khắc phục hiện tượng này là dùng đèn chiếu sáng chuyên dụng để "uốn nắn" cây ra hoa đúng thời điểm mong muốn.
Bài toán này được giải quyết khi chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đến 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao cho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông chủ trì đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp”.
Tập hợp nhóm nghiên cứu
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, chủ nhiệm đề tài - cho biết, thực tế canh tác đặt ra nhu cầu chế tạo các loại đèn chuyên dụng để chiếu sáng trong các phòng nuôi cấy mô và điều khiển ra hoa cho cây hoa cúc và cây thanh long có phổ ánh sáng phù hợp với phổ hấp phụ của Chlorophyll, của phytochrome. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chế tạo đèn chuyên dụng đòi hỏi có sự liên kết nghiên cứu giữa các ngành khoa học vật liệu, chế tạo thiết bị chiếu sáng và các nhà nghiên cứu nông sinh học. Vấn đề này là hoàn toàn mới mẻ chưa hề được tiến hành nghiên cứu ở Việt Nam.
“Để giải quyết, cần nhìn nhận ở tầm vĩ mô, cần có những nghiên cứu đổi mới công nghệ thực sự, xuất phát từ những nghiên cứu cơ bản chuyên ngành, xây dựng một mô hình liên kết mới giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành và doanh nghiệp sản xuất để sớm có dòng sản phẩm chuyên dụng mới, đem lại những hiệu quả thiết thực trong một thời gian ngắn” – ông Thăng phân tích.
Đó là lý do đề tài đã tập hợp các tập thể khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chiếu sáng Rạng Đông thuộc Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Viện Tiên tiến KH&CN thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Sinh học nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Sinh học nông nghiệp Tất Thành thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành cùng giải bài toán này.
Theo đó, Công ty Rạng Đông đã chủ trì đề tài, điều phối giữa các nhánh, giao cho Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Chiếu sáng chủ trì nghiên cứu công nghệ chế tạo thiết bị chiếu sáng và hệ thống chiếu sáng nhân tạo dùng cho nuôi cấy mô, chiếu sáng cho hoa cúc và thanh long trái vụ.
Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ (AIST) thuộc Đại học Bách Khoa chủ trì đề tài nhánh: “Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo bột huỳnh quang 3 thành phần có phổ phát xạ phù hợp trong nuôi cấy mô, cho cây hoa cúc và chiếu sáng cây thanh long”.
Viện Sinh học nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì đề tài nhánh: “Nghiên cứu xây dựng quy trình sử dụng Hệ thống chiếu sáng thích hợp trong nhân giống in-vitro, điều khiển ra hoa cây cúc”.
Viện Sinh học nông nghiệp Tất Thành thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành chủ trì đề tài nhánh: “Nghiên cứu sử dụng và xây dựng quy trình sử dụng Hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong điều khiển ra hoa cây thanh long tại Bình Thuận, Tây Ninh và Tiền Giang”.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, đây là một đề tài quy mô lớn có tính liên
ngành nên nhóm liên kết đã thống nhất triển khai và hoàn thành khối
lượng công việc rất lớn, mang lại hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tế.
Thị trường trả lời
Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu năm 2016 với kết quả xây dựng quy trình công nghệ và chế tạo hơn 20 loại bột huỳnh quang để sản xuất đèn chuyên dụng cho nuôi cấy mô, hoa cúc và thanh long. Sản phẩm từ đề tài này đã được áp dụng vào thực tế: 10 mô hình ứng dụng tại Hà Nội, Đà Lạt, Quảng Ninh, TPHCM, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang.
Ngoài các sản phẩm thực tế, quy trình công nghệ, đề tài đã góp phần xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học liên ngành về vật lý, công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo nguồn sáng, công nghệ sinh học; nghiệm thu 15/15 quy trình công nghệ, mô hình trình diễn, bộ hồ sơ thiết kế sản phẩm. Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận 3 đơn hợp lệ đăng ký sáng chế về bột huỳnh quang và đèn chuyên dụng.
Có thể thấy mô hình này minh chứng cho một hướng đi mới của tiến trình đổi mới sáng tạo trong KH&CN, gắn các nghiên cứu “hàn lâm” với các yêu cầu của thực tiễn, rút ngắn khoảng cách về trình độ KH&CNgiữa các bên tham gia nhóm liên kết và rút ngắn thời gian từ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, nghiên cứu công nghệ đến sản xuất sản phẩm để đưa ra thị trường. Việc kết hợp tri thức của các nhà nghiên cứu với kinh nghiệm thực tế của bà con nông dân đã giúp rút ngắn được quá trình nghiên cứu sản xuất thử nghiệm.