UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố năm 2024.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Qua đó, kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp.

UBND TPHCM cũng yêu cầu rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, đánh giá hoạt động của Hội đồng phát triển ngành thương mại điện tử để kịp thời báo cáo, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Song song đó là triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố về xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, TPHCM cũng tiến hành triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, tại Quyết định số 2390 ngày 13/9/2023 của Bộ Công Thương và tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý Nhà nước về thuế trong thương mại điện tử.

Đối với phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp, UBND TPHCM yêu cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tửvề nghĩa vụ thuế, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, bảo hộ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

m
Năm 2023, thị trường thương mại điện tử tại TPHCM cao nhất nước. Ảnh: Internet

Đối với phát triển giao dịch thương mại điện tử trong cộng đồng, UBND Thành phố khuyến khích mời gọi đầu tư, phát triển trung tâm logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chính sách, hoạt động về thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích thanh toán trực tuyến trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, TPHCM sẽ cho tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thương mại điện tửvới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành.

Thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử cho cán bộ, công chức của Thành phố. Qua đó, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tửcho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn TPHCM.

Theo Sở Công Thương TPHCM, trong năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tửViệt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 26%) so với năm 2022. Riêng TPHCM đạt 4,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 37%, cao nhất cả nước. Ngoài ra, tại TPHCM, doanh số mua hàng thương mại điện tử cũng cao nhất cả nước. TPHCM cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ bổ trợ lớn nhất.

Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử tại TPHCM vẫn còn nhiều vấn đề mang tính thách thức, như hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trực tuyến, mua bán không có hóa đơn,...