Cây thuốc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế có đặc điểm dễ sinh trưởng và phát triển với tỷ lệ nảy mầm cao đến 94,8%. Cao chiết từ loài cây này có thể phát triển thành thuốc có tác dụng bảo vệ gan...

Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh thái, đề xuất mô hình phát triển cây Mán đỉa (Archidendron clypearia (Jack) I.Niels) tại Thừa Thiên - Huế để tạo nguồn dược liệu”. Đề tài do PGS-TS Võ Thị Mai Hương - Đại học Khoa học, Đại học Huế, làm chủ nhiệm.

Mán đỉa được đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng để chữa một số bệnh về gan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ về giá trị dược liệu của loài cây này, mặc dù năm 2012, PGS-TS Nguyễn Thị Hòa ở Đại học Y - Dược, Đại học Huế, và cộng sự đã phát hiện và chứng minh được hoạt tính chống oxy hóa mạnh của cây mán đỉa.

Cây mán địa - Archidendron Clypearia.

Trên cơ sở đó, đề tài của PGS-TS Võ Thị Mai Hương tập trung vào 5 mục tiêu: Điều tra, khảo sát hiện tượng phân bố; nghiên cứu điều kiện sinh thái và đặc điểm sinh trưởng phát triển; nghiên cứu tác dụng dược lý; xác định các thông số lý hóa, hàm lượng cảu một số hoạt chất chính và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm.

Kết quả, đề tài đã xác định được tổng diện tích phân bố tiềm năng của cây mán đỉa vào khoảng 255 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và gò đồi như A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà... với đặc điểm đất đỏ vàng, tập trung ở các khu rừng nghèo, bìa rừng và bên bờ sông, suối, đường mòn.

Về tác dụng dược lý, cao chiết ethyl acetat của dược liệu mán đỉa không thể hiện độc tính bán trường diễn trong điều kiện nghiên cứu. Ở liều có nồng độ 500-1.000 mg/kg/ngày, nó có tác dụng bảo vệ gan và liều 2.000 mg/kg/ngày có tác dụng bảo vệ gan tương đương với silymarin thí nghiệm.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đã trồng thử nghiệm 500 cây mán đỉa trên diện tích 0,5 ha tại xã Hương Lộc, Nam Đông, với tỷ lệ sống đạt 87%. Sau 4 tháng trồng có 435 cây đã thích nghi và bắt đầu tăng trưởng tốt.

Đề tài được hội đồng nghiệm thu Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá có tính thiết thực, nghiêm túc, độ tin cậy cao và loài cây này có khả năng phát triển thành thuốc.