Quy trình nhân giống in vitro cây bọ nẹt do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu có thể áp dụng để tạo ra nguồn cây giống dồi dào với chất lượng đồng đều.

Cây bọ nẹt hay còn được gọi là bọ nét, sóc dại, đom đóm thuộc họ Thầu dầu, có chứa các hợp chất thứ cấp chủ yếu như alkaloid, terpene, steroid, phenolic acid và saponin. Trong đó, các hợp chất alkaloid guanidine, alchomine, alchomindine có tính kháng khuẩn, chống viêm; còn hợp chất phenolic acid có tác dụng kháng nấm bệnh và côn trùng gây hại cho cây trồng. Do đó, cây được dùng để điều trị các bệnh như viêm khớp, kiết lị, rối loạn đường ruột, sốt rét, đau cơ, thấp khớp; hoặc trồng với mục đích xua đuổi côn trùng, thanh lọc không khí và khử mùi chuồng trại chăn nuôi.

Cây bọ nẹt
Cây bọ nẹt Ảnh: NNC

Ở Việt Nam, cây bọ nẹt chủ yếu mọc hoang dại ở miền Bắc và miền Trung. Hiện nay, cây bọ nẹt chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp truyền thốnglà giâm cành ngoài tự nhiên. Cách làm này cho hệ số nhân giống thấp, tốn nhiều thời gian, cây giống không đồng đều, tỷ lệ cây giâm hom ra rễ thấp, không đáp ứng nhu cầu để phát triển vùng trồng.

Để chủ động nguồn cung dược liệu bọ nẹt, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống cây bọ nẹt invitro, cho phép sản xuất số lượng lớn cây giống có chất lượng ổn định.

Cây invitro sau 2 tháng nuôi cấy trên môi trường tạo rễ
Cây invitro sau 2 tháng nuôi cấy trên môi trường tạo rễ Ảnh: NNC

Các vật liệu được sử dụng gồm cây bọ nẹt 1 năm tuổi, tủ cấy vô trùng, máy cất nước, nồi hấp vô trùng, máy đo pH, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, máy đo cường độ ánh sáng,… Theo quy trình, từ cây bọ nẹt 1 năm tuổi khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, chọn các đoạn thân bánh tẻ để cắt các đốt thân với chiều dài từ 1-1,5 cm. Sau khi làm sạch mẫu (các đốt thân), khử trùng, các đoạn thân sẽ được cấy vào môi trường khoáng WPM có bổ sung 0,2 mg/l BA, 30 g/l saccharose, 8g/l agar. Sau 20 ngày nuôi cấy, những mẫu sạch được dùng để tái sinh, tăng trưởng chồi. Khi chồi cao khoảng 1,5-2 cm sẽ tiếp tục nuôi cấy in vitro trong 60 ngày để có thể mang ra vườn ươm.

Quy trình này đạt hệ số nhân 4,9 chồi/mẫu, tỷ lệ mẫu phát sinh chồi là 85%, tỷ lệ chồi tạo rễ 100%. Tỷ lệ sống của cây bọ nẹt in vitro ngoài vườn ươm đạt 100% sau 30 ngày trồng. Chi phí sản xuất 1 cây giống bọ nẹt in vitro khoảng hơn 3.000 đồng/cây, (hiện cây giâm cành theo phương pháp truyền thống có giá thị trường khoảng 7.000 đồng/cây).

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM có thể chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống dược liệu bọ nẹt cho các đơn vị có nhu cầu.