Năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Hưng Yên đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) có đóng góp quan trọng, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách.

Ngành KH&CN đã tham mưu ban hành các văn bản pháp lý (như quy định quản lý kinh phí, nhiệm vụ KH&CN, quản lý hoạt động sáng kiến, tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN) và định hướng tổ chức tuyển chọn, xây dựng, thực hiện nhiệm vụ KH&CN có trọng tâm, trọng điểm (như xây dựng mô hình sản xuất giống lúa mới N25 năng suất, chất lượng cao, giảm sâu bệnh, có triển vọng thay thế giống KD18).

Hưng Yên đã ưu tiên ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng năng suất và giá trị các nông sản chủ lực như: Thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo và gà lai Đông Tảo; thâm canh cam, quýt ít và không hạt chất lượng; nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm phân bón chuyên dùng cho nhãn chín muộn.

ÔngNgô Xuân Thái - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên.

Tỉnh cũng hoàn thiện quy trình sản xuất, tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường (như ứng dụng dây chuyền sản xuất gạch bêtông bọt, khí không trưng áp có công suất 12.000m3/năm); tiếp tục triển khai ứng dụng quản lý chất lượng ISO trong quản lý hành chính nhà nước tại 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; lắp đặt trạm cân đối chứng tại 10 chợ.

Hưng Yên ngày càng chú trọng phát triển thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm tiêu biểu, chủ lực như: Rượu Trương Xá, rượu Lạc Đạo, mật ong hoa nhãn Hưng Yên, cam Văn Giang... và nhãn lồng (đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên”); tuyên truyền phát triển thương hiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm được bảo hộ SHTT... để tăng giá bán và sản lượng tiêu thụ. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên xác lập, bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù, giá trị kinh tế cao.

Tuy vậy, KH&CN Hưng Yên còn một số khó khăn như: Các nhiệm vụ thuộc chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cấp huyện chưa bố trí đối ứng được nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN của địa phương, nguồn vốn xã hội hóa cho KH&CN còn hạn chế...

Để KH&CN thực sự là động lực phát triển, năm 2017 và các năm tới, KH&CN Hưng Yên cần tập trung vào các nhiệm vụ chính: Ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý, tạo điều kiện phát triển KH&CN; tuyển chọn các nhiệm vụ có tính thực tiễn cao, áp dụng trực tiếp vào đời sống, sản xuất; tạo điều kiện cho các startup đầu tư ứng dụng các tiến bộ KH&CN; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chủ lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình trình diễn một số giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao, chống bệnh tốt và phù hợp với điều kiện của tỉnh; đẩy mạnh tập huấn, phổ biến tiến bộ KH&CN, mở rộng ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã được đánh giá có hiệu quả.

Tỉnh cũng sẽ thúc đẩy, hỗ trợ thành lập các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; hoàn thành phương án lập khu chuyển giao công nghệ cao và khởi nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu KH&CN; phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm đặc thù có thế mạnh; tìm kiếm mua công nghệ nguồn, công nghệ cao cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên...

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng,mở rộng xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; sự lãnh đạo của tỉnh và Bộ KH&CN trong thực hiện nhiệm vụ; tranh thủ tối đa nguồn ngân sách từ trung ương qua các đề tài, dự án cấp quốc gia, dự án nông thôn miền núi... và xã hội hoá hoạt động KH&CN.