Nho Ninh Thuận có hai dạng thân chính là thân thảo và thân gỗ. Đây là loại cây trồng phổ biến ở vùng đất đầy nắng, gió này.

Cây nho (Vitis vinifera ) thuộc họ nho (Ampelidaeae) gốc ở các miền ôn đới khô Âu Á (Acmêni - Iran), là loại cây lâu năm.

Giống nho Cardinal được du nhập vào Việt Nam, cũng như nhiều nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan v.v... có nhiều ưu điểm : mã đẹp, dễ vận chuyển, sinh trưởng nhanh. Đây là giống nhỏ đỏ (Red Cardinal), chủ yếu là ăn tươi, ít dùng để chế biến rượu vang. Đây là giống nho được du nhập vào Việt Nam sớm nhất.

Giống nho NH.01.48: là giống nho xanh được chọn lọc từ nhiều giống nho xanh khác đã được trồng ở khu vực Ninh Thuận nhằm thích ứng tốt nhất với điều kiện sản xuất nhưng vẫn giữ được những giá trị về chất lượng của sản phẩm nho Ninh Thuận.

Nho Ninh Thuận. Ảnh: Baoninhthuan.
Nho Ninh Thuận. Ảnh: Baoninhthuan.

Thân cây nho có 2 dạng, thân thảo và thân gỗ. Cây nho được nhân bằng hom cắt ra từ cành đã hóa gỗ, chiết cành hoặc mọc từ gốc ghép. Cây nho cũng có thể mọc từ hạt, nhưng sức sống kém, thường chỉ được sử dụng làm vật liệu lai tạo giống. Thân cây nho khi mới mọc, khá mềm, cần có cọc đỡ. Khi cây vào giai đoạn trưởng thành, trên 1 năm tuổi, thân cây hóa gỗ thì có khả năng tự nâng đỡ phần nào những bộ phận phía trên.

Lá nho bao gồm phiến lá, cuống và một cặp lá kèm, lá kèm bao lấy một phần đốt và rất mau tàn. Lá nho có hình tim, xung quanh lá có nhiều thuỳ răng cưa. Tùy từng giống mà lá chẻ thùy nông hay sâu và mật độ lông trên lá cao hay thấp khác nhau. Phiến lá có hệ thống gân lá, đây là những bộ mạch dẫn nối liền giữa lá với cành. Lá được coi là thành thục khi đạt kích thước tối đa, lúc này các gian bào và khí khổng trên lá đã thực hiện được chức năng trao đổi khí và quang hợp.

Chồi (mầm) nho có 2 dạng: từ chồi nách và chồi quả. Chồi nách mọc từ nách mỗi lá, còn được gọi là chồi bên. Chồi này mọc ngay thành ngọn bên, được phát triển khá sớm. Khi ngọn nho phát triển, ra lá thì đồng thời cũng xuất hiện chồi nách. Mầm ngủ, còn gọi là mầm nguyên thủy là mầm nằm dưới lá bắc của cành nách.

Sau khi cắt cành thì mầm nguyên thủy trở thành ngọn chính của vụ sau. Tua cuốn được mọc ra từ thân và cành non. Tua cuốn thường ở những vị trí đối diện với lá, phân nhánh và quấn chặt vào giá thể để giữ ngọn được vững chắc. Trong sản xuất, người trồng nho thường cắt bỏ bớt tua cuốn để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

Sản phẩm chính của cây nho là quả tươi, được dùng để ăn tươi hoặc sử dụng nhiều trong công nghiệp chế biến như rượu vang, mứt... Quả nho chứa một hàm lượng lớn Polyphenol đây là chất làm hạn chế quá trình đông vón của tiểu cầu, giảm bệnh nhồi máu cơ tim, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, chữa cao huyết áp, chống lão hóa.

Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển của cây nho từ 27 - 30 OC, tuy nhiên cây nho có thể chịu đựng được nhiệt độ khắc nghiệt từ - 20 OC trong mùa Đông đến 45 OC trong mùa Hè. Ẩm độ không khí thích hợp trên 70 - 77 %. Tổng lượng mưa bình quân năm từ 650 - 750 mm.

Nhiệt độ thích hợp sẽ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các bộ phận của hoa nho, ảnh hưởng tới sự nẩy mầm của hạt phấn. Trái nho chín vào các tháng nhiệt độ cao dẫn đến hiện tượng quả chín không có màu mà được người trồng nho gọi là “nho cầm màu”. Đối với những chùm quả chín được thì vỏ dai, quả nhỏ, chất lượng kém, hàm lượng đường và axít thấp hơn các tháng nhiệt độ thấp.

Nho là cây phù hợp trên nhiều loại đất. Thích hợp nhất là trồng trên đất bồi tích phì nhiêu, có thành phần cơ giới cát nhẹ và thịt pha cát, đất có kết cấu tốt, tầng đất thoáng và tơi xốp. Mực nước ngầm không nên quá cao đến 2 m kể từ mặt đất. Đất có phản ứng từ ít chua đến trung tính, trị số pHH2O dao động từ 5,8 - 7,4; pHKCl dao động trong khoảng 5,0 - 6,3.

Dung tích hấp thu trong đất dao động từ thấp đến trung bình, trong khoảng 8,87 - 17,12 meq/100g đất. Độ no bazơ đạt mức trung bình đến khá, trong khoảng 48 - 64 %. Tổng các cation kiềm trao đổi đạt mức trung bình đến cao, dao động trong khoảng 4,70 - 8,19 meq/100g đất. Tầng canh tác phải đồng đều, đất tiêu thoát tốt, nếu quá ẩm ướt cây nho sẽ không thể sinh trưởng.