Không còn nỗi lo cá ươn thối mỗi khi mùa mưa về, người dân Cần Giờ (Tp.HCM) từ nay có thể yên tâm với máy sấy cá Dứa vừa được Trường ĐH Nông lâm Tp.HCM chế tạo thành công.
Cá dứa một nắng là đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế
cao, mang về nguồn lợi kinh tế cho Cần Giờ. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất sản
phẩm cá Dứa khô với quy mô nhỏ, thực hiện bằng phương pháp thủ công phơi nắng,
phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất thấp, chưa đảm bảo chất lượng và vệ sinh
an toàn thực phẩm. Đặc biệt, vào mùa mưa, người dân phải dùng quạt để làm khô
cá nên ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều.
Trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM đã cấp kinh phí cho
Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết
bị sấy nâng cao chất lượng sản phẩm cá Dứa khô”. Sau gần hai năm nghiên cứu,
máy sấy cá Dứa dạng sấy xuyên khay, đảo chiều không khí sấy, sử dụng năng lượng
mặt trời, năng suất tối đa là 100kg/mẻ đã được thiết kế, chế tạo thành công và đưa vào thử nghiệm. Máy
có bộ thu năng lượng mặt trời phù hợp với sấy xuyên khay và bộ phận cấp nhiệt bằng
điện trở để dự phòng khi trời mưa. Ngoài ra, máy còn có bộ phận đảo gió để quá
trình sấy đều không cần phải đảo trộn, giảm thiểu công lao động.
TS Vương Thành Tiên – Chủ nhiệm đề tài cho biết, máy hoạt động ổn định
trong khoảng nhiệt độ sấy từ 40 – 50oC, sản phẩm đạt tiêu chuẩn vi sinh về an
toàn vệ sinh thực phẩm. Chất lượng cá sấy ổn định, độ trắng của sản phẩm sấy
luôn cao hơn sản phẩm phơi. Thuận lợi cho máy này là có thể được chế tạo tại
các phân xưởng cơ khí quy mô nhỏ tại địa phương, giá thành không cao, nên
các cơ sở chế biến khô thủy sản nhỏ và vừa có thể đầu tư được – Ts. Tiên cho biết
thêm.
Ông Năm Mạng - Chủ cơ sở chế biến cá khô Kim Yến (Long Thạnh, Long Hòa,
Cần Giờ), nơi thử nghiệm máy sấy cá Dứa phấn khởi nói: “Cái máy này tôi ưng quá”. Trước
đây, phải dùng liếp phơi cá ngoài trời mất khoảng 4 tiếng. Mùa nắng thì đỡ
nhưng mưa đến thì phải dùng quạt cho khô, mùi cá bốc lên rất hôi. Cũng có một vài
công ty mang máy sấy đến chào hàng, nhưng không phù hợp với thực tế. Từ khi sử
dụng máy này không sợ mưa nắng. Đặc biệt, chất lượng cá sau khi sấy ngang với khi
phơi trời nắng gắt. Máy lại vận hành đơn giản, sấy được nhiều loại, nên tôi sẽ
đặt máy công suất lớn hơn vì tháng 3 đến tháng 6, cá về mỗi ngày lên mấy tấn - ông Năm cho biết.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, PGS-TS Nguyễn Ngọc Lâm - Hội Tự động hóa
Tp.HCM đánh giá, máy đạt chất lượng yêu cầu đặt ra và có tính ứng dụng cao, giải
quyết được vấn đề môi trường tại Cần Giờ. Máy cần được đưa vào sản xuất đại trà
để giảm giá thành. Từ đó, người dân không chỉ ở Cần Giờ mà các vùng ven biển
khác có nhu cầu sẽ dễ dàng đầu tư hơn.
Tuy nhiên, theo TS Lâm, nhóm tác giả cần
nghiên cứu thêm để nâng cao hơn mức tự động hóa của máy, nhằm giảm sự giám sát
của người lao động và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, đề tài cần phát triển
thành dự án sản xuất thử nghiệm để có thể phục vụ cho phát triển kinh tế của Cần
Giờ.
Ths. Nguyễn Văn Chính – Phó phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, hiện Cần
Giờ có khoảng 60 cơ sở làm nghề chế biến thủy hải sản. Huyện cũng đã có những hỗ
trợ cho nông dân về chính sách, vốn đầu tư, đổi mới công nghệ để phát triển
kinh tế. Sau khi máy sấy cá Dứa được Trường ĐH Nông lâm Tp.HCM chế tạo và thử
nghiệm thành công, Huyện sẽ tổ chức tập huấn, trình diễn công nghệ cho các hộ
làm nghề khô cá đến tham quan, học hỏi, để từ đó có kế hoạch hỗ trợ tiếp theo
cho các hộ có nhu cầu đầu tư máy sấy cá.