Ở tuổi 57, Nguyễn Duy Linh đã trải qua đủ nghề, từ công nhân xây dựng, bán cá cảnh đến làm họa sỹ, làm nhạc... Tuy nhiên, con người lắm tài lẻ này tiết lộ, vai trò ông yêu thích nhất là nhà sáng chế. “Họ gọi tôi là nhà sáng chế hát rong” - ông tự hào khoe.

Suýt ngừng sáng chế vì sợ… có tội

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nguyễn Duy Linh là vẻ ngoài vừa có chất khoa học vừa có chất nghệ sỹ: Mái tóc dài, vầng trán rộng, ánh mắt tinh tường và dáng vẻ nhanh nhẹn. Ông là người hay chuyện, nhưng chuyện về chiếc máy rửa ly vẫn làm ông say sưa nhất: “Tôi mất 2 năm để làm ra nó. Đến nay, mỗi tháng tôi nhận được từ 20-30 đơn đặt hàng”. Vừa nói, ông vừa cho tôi xem tiền thanh toán của khách hàng khắp nơi - từ Hà Nội tới An Giang. Thậm chí, có 14 chiếc máy rửa ly đã sang Campuchia và 2 chiếc sang Lào.

Ý tưởng làm chiếc máy này manh nha năm 2012, xuất phát từ cảm xúc “thương xót đôi bàn tay người phụ nữ làm nghề rửa ly phải tiếp xúc thường xuyên với nước và hóa chất”. Không muốn làn da đáng nâng niu của chị em tiếp tục bị tổn thương, ông Linh vật lộn với các phương án thiết kế. Có điều, dù say sưa với cảm xúc lãng mạn về một món quà cho phái đẹp, ông vẫn không quên muốn nghiên cứu thì phải có tiền.

Ông Nguyễn Duy Linh bên chiếc máy rửa ly do ông sáng chế. Ảnh: Ngọc Vũ

Đưa cho tôi xem 7 tuyển tập ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi do mình biên soạn, ông trầm tư: “Trong 2 năm chế máy rửa ly, nhờ tiền bán những quyển nhạc này mà tôi có thể sống và đầu tư cho nghiên cứu. Tiền mua phụ tùng, linh kiện tốn cả trăm triệu đồng. Ban đêm tôi đi chơi đàn, bán sách nhạc ở các quán trà, café, ban ngày dành cho cái máy”.

Thế mà cũng có khoảng 6 tháng ông Linh ngừng việc nghiên cứu chế máy rửa ly, chỉ vì một số người nói đùa rằng nếu cái máy xuất hiện, đời sẽ có thêm nhiều người làm thuê thất nghiệp.

Người đàn ông xứ Huế mang tâm hồn nghệ sĩ ấy áy náy mãi cho đến khi gia đình, bạn bè động viên: “Việc của nhà sáng chế là tạo ra cái máy. Những người thất nghiệp nếu không làm việc này sẽ có việc khác. Cái gì giúp xã hội phát triển thì nên làm”. Thế là ông hân hoan tiếp tục công việc dang dở, khắc phục các thử thách về kỹ thuật, mà khó khăn lớn nhất là làm miếng rửa gắn vào trục giữa để rửa phía trong ly.

“Ban đầu tôi dùng vải sợi, mút, rồi sợi bông dày, nhưng 3 ngày là xơ xác hết. Tôi loay hoay tìm một chất liệu vừa mềm, vừa bền lại co dãn mà không sao nghĩ ra, cho đến khi nhìn thấy cái săm xe đạp và biết nó chính là thứ mình đang cần” - ông Linh kể.

Sản phẩm nào cũng đắt hàng

Sinh ra và lớn lên ở Huế, lại tốt nghiệp trường mỹ thuật, tâm hồn Nguyễn Duy Linh luôn đầy ắp tình yêu cái đẹp. Ông kể: “Thời còn đi học, thầy giáo tôi dạy rằng các em muốn có tác phẩm đẹp trước hết phải có tâm hồn đẹp. Âm nhạc chính là thứ giúp cho tâm hồn tôi đẹp đẽ và đầy cảm hứng để sáng tạo”.

Chế tạo máy móc là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo của Nguyễn Duy Linh, dù chưa học qua lớp cơ khí nào. Ông đã có tổng cộng 5 sản phẩm, mở đầu là máy xắt sắn ra đời năm 1979 tại huyện Xuyên Mộc, Vũng Tàu, trở thành trợ thủ đắc lực của nông dân mùa thu hoạch. Tiếp theo là sự ra đời của robot thiên thần, máy bay điều khiển từ xa, robot chuồn chuồn có gắn camera…

Kể về con robot thiên thần (thường được trưng bày trong nhà thờ mùa Giáng sinh), ông Linh cười: “Sản phẩm này tôi ngừng bán đã 2-3 năm, nhưng đến mùa Giáng sinh vẫn có người gọi điện đặt mua. Hồi năm 2007- 2008, tôi ra Chợ Lớn, lựa những con búpbê đẹp nhất về, tháo rời rồi thêm máy móc chế tạo lại. Robot Trung Quốc chỉ có 1-2 động tác; robot của tôi có 4-5 động tác như giơ tay, quay người, chớp mắt, vẫy cánh”.

“Ban đầu thấy tôi mua hàng xe búpbê, hàng xóm tưởng tôi bị tâm thần, nhưng khi thấy tác phẩm thì ai cũng trầm trồ khen ngợi. Tôi thiết kế lại váy vóc và làm cả đôi cánh thiên thần. Những thứ có tính nghệ thuật như vậy, làm xong tôi thích lắm” - nhà sáng chế hào hứng.

Tự hào vì sản phẩm nào cũng đắt hàng, ông Linh bày tỏ, cuộc sống không thiếu cách làm ra tiền; cái quan trọng là nhìn ra nhu cầu của xã hội. Ông đang có ý tưởng chế máy đánh giày giá rẻ dùng trong gia đình, bởi trong cuộc sống hiện đại, không phải ai cũng có thời gian đánh giày hay mang giày đi thuê đánh. Nếu có một chiếc máy mà tối đi làm về chỉ cần bỏ giày vào đó, sáng lấy giày sạch ra đi, ông nghĩ ai cũng thích mua.

Dự án đang thực hiện của ông là máy rửa bát đĩa, tuy mới hoàn thành 50% nhưng đã có hàng chục đơn đặt hàng. “Máy này sẽ rửa được 1.500 bát đĩa một lần với các công đoạn: Tráng nước, rửa xàphòng, xả, tráng nước nóng, chiếu tia cực tím và sấy khô. Nhiều nhà hàng đã gọi điện bảo tôi làm xong là giao cho họ” - “nhà sáng chế hát rong” cho biết.

Hiện mỗi ngày, Nguyễn Duy Linh dành 4 giờ để làm việc. Thời gian còn lại ông chơi đàn, gặp gỡ bạn bè. “Giống như con chim, muốn hót hay thì phải được bay nhảy” - ông giải thích. Tuy vậy, ông đã làm là say mê và không coi thường công việc nào. Con người từng làm đủ nghề mưu sinh này luôn tâm niệm, mỗi công việc đều cho ta kiến thức: “Những gì tôi thấy có ích, tôi sẽ tự tìm tòi và học tập”.

Ông Nguyễn Duy Linh (sinh năm 1960, sống tại TPHCM) là chủ nhân của sáng chế chiếc máy rửa ly đạt nhiều giải thưởng về sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2014, sản phẩm được trao giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế 2014 do VTV2 tổ chức, giải thưởng Techmart quốc tế Việt Nam 2015, giải thưởng khoa học phía Nam 2015. Ngoài ra, chiếc máy rửa ly này còn được xếp vào nhóm sản phẩm là thành tựu 40 năm khoa học TPHCM.