Nghề sản xuất chế biến các sản phẩm từ tinh bột trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện đang từng bước phát triển đa dạng các loại sản phẩm cung cấp cho thị trường, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.


Do đó để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, Sở Công Thương Bến Tre đã thực hiện đề tài cấp cơ sở “Đánh giá thực trạng của nhóm ngành chế biến sản phẩm từ tinh bột trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đề xuất các giải pháp quản lý nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm” và được Hội đồng KH&CN cấp cơ sở nghiệm thu.

Thông qua đề tài nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ tinh bột như cơ sở sản xuất bánh mì, bún, bánh hỏi... có sử dụng phụ gia trong qua trình chế biến. Kiến thức về phụ gia của người sản xuất thực phẩm nhóm ngành này còn tương đối thấp, trong 200 chủ cơ sở được phỏng vấn chỉ có 47% các chủ cơ sở nắm rõ danh mục phụ gia được sử dụng. Việc sử dụng phụ gia phần lớn các chủ cơ sở dựa vào kinh nghiệm bản thân và đọc trên bao bì, chỉ có 8,5% các cơ sở xác nhận được cán bộ chuyên môn hướng dẫn sử dụng phụ gia.

Phần lớn các cơ sở này hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình,… nên việc quản lý, sử dụng phụ gia thực phẩm rất khó kiểm soát, tình trạng vi phạm các quy định về sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, kể cả sử dụng phẩm màu công nghiệp cũng như các phụ gia ngoài danh mục Bộ Y tế cho phép diễn ra khá phổ biến. Việc sử dụng phụ gia trong chế biến, bảo quản thực phẩm là việc cần thiết tuy nhiên, nếu sử dụng phụ gia không đúng quy định có thể gây ngộ độc cấp tính nếu liều lượng dùng quá giới hạn cho phép nhiều lần; gây ngộ độc mạn tính nếu dùng với thời gian dài, liên tục… Với liều thấp nguy cơ gây ung thư, đột biến gen,… chính vì vậy sử dụng phụ gia phải tuân thủ các quy định hiện hành. Mặc dù công tác xây dựng ban hành văn bản quản lý phụ gia thực phẩm đã được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ sở và doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cũng được chú trọng.

Qua đó, nhóm thực hiện đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Cụ thể, nhà nước tiếp tục nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATVSTP, khắc phục tình trạng chồng chéo; tăng cường công tác tham tra, kiểm tra, giám sát ATTP của các cơ quan chuyên môn; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ATTP; Các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo ATTP, đề cao đạo đức trong sản xuất vì sự an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng hàng hóa, thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, tẩy chay những cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo ATTP,…

Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp cơ sở, đề tài đạt mục tiêu, sản phẩm đề ra, kết quả của đề tài sẽ phục vụ công tác quản lý nhà nước về ngành chế biến các sản phẩm từ tinh bột. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện chỉnh sửa lỗi chính tả, hình thức trình bày văn bản; bổ sung bảng đồ bố trí các cơ sở nghiên cứu, phiếu điều tra, đề xuất quy trình sản xuất, bảng chất phụ gia được cho phép…