Các nhà khoa học Việt Nam đã kiên trì, thận trọng loại từng nguyên nhân và thu thập đủ bằng chứng khoa học xác đáng, nhận phản biện từ các nhà khoa học quốc tế để chỉ rõ Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm biển miền Trung làm hải sản chết hàng loạt.
Tiếp cận toàn diện, nguyên tắc loại trừ một cách khoa học
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 06/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10/4/2016, Thừa Thiên Huế ngày 15/4/2016, Quảng Trị ngày 16/4/2016 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 04/5/2016.
Những thông tin ban đầu hướng đến để xác định nguyên nhân cá chết là sự cố tràn dầu, động đất, dịch bệnh...
Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đưa ra giả thiết do hiện tượng tảo nở hoa và đợt công bố thông tin ngày 27/4 và tạm thời đưa Formosa khỏi nghi vấn là thủ phạm khi khẳng định "
chưa có bằng chứng kết luận Formosa và các nhà máy có liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường".
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn âm thầm, nỗ lực tìm kiếm bằng chứng để sớm có kết quả thuyết phục trong "bão" dư luận.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 trăm nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau để tìm bằng chứng cho vụ việc.
TS Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cho biết, dựa trên ghi nhận các sự kiện sinh vật biển chết hàng loạt trên thế giới và ở Việt Nam cùng với các kết luận nguyên nhân gây ra sự cố kèm theo, phương pháp tiếp cận của Hội đồng là theo từng nhóm vấn đề trên nguyên tắc loại trừ dần nhưng không bỏ sót bất cứ nguyên nhân nào.
Kết quả phân tích ảnh vệ tinh cho thấy nguyên nhân do tràn dầu được loại trừ. Từ kết quả tổng hợp, phân tích các số liệu động đất ở Việt Nam và khu vực, nguyên nhân do tai biến địa chất được loại trừ. Dựa trên kết quả phân tích tác nhân gây bệnh thường gặp trên cá biển, kết quả phân tích sự biến đổi mô bệnh học của cá, cho phép kết luận nguyên nhân không phải do dịch bệnh.
Các giải đoán ảnh viễn thám cùng với các kết quả nghiên cứu về điều kiện nền cho hiện tượng bùng phát tảo gây hại cho thấy tảo nở hoa được ghi nhận tại một số thời điểm trong phạm vi hẹp có thể gây cá chết nhưng không phải là nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt.
"Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm và phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với Hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua, … có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ô-xy, nhất là các loài cá tầng đáy" - ông Lợi chia sẻ.
Nhà khoa học nước ngoài kiểm chứng kết quả
Để đảm bảo tính minh bạch và thuyết phục, những kết quả nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở việc tự công bố trong nước mà Bộ KH&CN đã mời các tổ chức điều tra độc lập trong và ngoài nước kiểm chứng.
Theo đó Hội đồng khoa học đã chuyển kết luận nguyên nhân gây ra cá chết tới GS. Yasuki Maeda (Trường Đại học tổng hợp Osaka, Nhật Bản), chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, GS. Bernard Legube (Trường Đại học Poitiers, Pháp), chuyên gia về chất lượng và xử lý nước, TS. Friedhelm Schroeder (Trung tâm Nghiên cứu vật liệu và Bờ biển Helmholtz, Geesthacht, Đức), chuyên gia đánh giá chất lượng nước, để nhận xét phản biện.
Các phản biện quốc tế đã gửi bản nhận xét và đánh giá cao về tính khoa học của báo cáo cũng như kết luận trong báo cáo. Chính những điều này khẳng định thêm sức nặng của việc đưa ra kết luận cuối cùng trở thành chứng lý khoa học thuyết phục khiến Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi, nhận trách nhiệm gây ra ô nhiễm môi trường biển.
Kết luận này đã không phụ sự mong đợi của cộng đồng vào các nhà khoa học. Nói như Bộ trưởng Bộ KH&CN
Chu Ngọc Anh: "Với thời gian hơn hai tháng để xác định nguyên nhân sự cố môi trường này là một sự nỗ lực và cố gắng rất cao của các nhà khoa học. Một sự cố môi trường tương tự đã xảy ra tại tỉnh Chi Ba, Nhật Bản vào tháng 12 năm 2004, tuy nhiên một năm sau đến ngày 27 tháng 12 năm 2005, Hội đồng đánh giá Nhật Bản mới kết luận nguyên nhân là do Tập đoàn sản xuất thép JFE thải khí độc vào không khí và xả nước thải có chứa xyanua vào vịnh Tokyo".