Một nghiên cứu mới công bố cho thấy mặc dù Việt Nam có thể tranh thủ được ít nhiều lợi thế thương mại về ngắn hạn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng nhìn chung ảnh hưởng từ cuộc chiến này là tiêu cực về dài hạn.

Toàn cảnh buổi hội thảo chuyên đề ngày 29/7 về “Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đối với Việt Nam”. | Nguồn VCES
Toàn cảnh buổi hội thảo chuyên đề ngày 29/7 về “Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đối với Việt Nam”. | Nguồn VEPR

Chiều 29/7, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB), Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, phối hợp cùng Quỹ Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đối với Việt Nam”.

Theo mô hình nghiên cứu của diễn giả TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì thời điểm khó khăn nhất với kinh tế toàn cầu và Việt Nam có thể là 2021 - 2022 do hai cường quốc khó có thể kết thúc chiến tranh thương mại hoặc đạt được thỏa thuận đàm phán thích hợp trong năm nay.

Trung Quốc vẫn còn chờ đợi thay đổi trên chính trường Mỹ để có thể quyết định về các vấn đề thương mại, những ảnh hưởng thực sự sẽ kéo dài trong ít nhất 3 năm tới.

Ảnh hưởng tới Việt nam được tạo ra đồng thời từ khả năng có thể "thay thế" cho hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ, nhưng cũng bị bất lợi bởi Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà phần lớn yếu tố đầu bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Thêm vào đó sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ tác động mạnh đến những quốc gia có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào bên ngoài như Việt Nam.

Dưới bối cảnh cạnh tranh hai nước lớn, với kịch bản hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế giữa hai nước đạt 250 tỷ USD, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 năm 2020-2022 dự báo sẽ lần lượt sụt giảm 0,4%; 0,36% và 0,29%. Nếu kịch bản 500 tỷ USD xảy ra thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chịu tác động sụt giảm mạnh hơn từ 1,2 - 1,5 lần so với kịch bản 250 tỷ USD.

Tác động định lượng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới kinh tế Việt Nam | Nguồn: NCIF
Tác động định lượng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới kinh tế Việt Nam so với kịch bản gốc 50 tỷ USD | Nguồn dữ liệu: NCIF

Xét về FDI, TS Trần Toàn Thắng khẳng định chưa có đủ cơ sở để khẳng định FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì tác động của thương chiến, bởi dòng FDI vào Trung Quốc vẫn lớn và thông tin về sự dịch chuyển thì chưa rõ ràng cho dài hạn.

"Thực tế chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thực sự gây ra tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển sản xuất thực sự, sẽ phải chờ đến năm 2020 và năm 2021 để có thể nói xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không”, TS Trần Toàn Thắng nói. Nếu xu thế đó thực sự xảy ra, Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia vốn cũng có ưu thế không nhỏ về công nghệ và nhân lực.

Kết luận của nhóm nghiên cứu là tựu trung, Việt Nam không được lợi trong dài hạn, mặc dù có thể tranh thủ được ít nhiều lợi thế thương mại ngắn hạn.

Ngành hàng như dệt may khó tận dụng được "lỗ hổng xuất khẩu của thị trường Mỹ" dù mức thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc có cao. Tuy vậy, các ngành hàng thực phẩm chế biến, cung cấp phế liệu thực phẩm, thức ăn gia súc hay nhóm hóa chất và nhựa có thể là những nhóm được hưởng lợi trong những tháng tới. Nhưng tính chung lại, số liệu dự đoán vẫn cho biết cả xuất - nhập khẩu của Việt Nam đều bị tác động sụt giảm trong gần 15 năm tiếp theo so với kịch bản gốc (kịch bản Trung Quốc và Mỹ sẽ áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa hồi tháng 8/2018). Đến năm 2032, tốc độ tăng GDP của Việt Nam mới có thể khôi phục như giai đoạn 2018.

Nghiên cứu cũng cho biết doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mới là đối tượng hưởng lợi lớn từ thương chiến.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nội địa, tăng hàm lượng công nghệ và giá trị thặng dư. Đồng thời, Việt Nam cũng cần rà soát lại các ưu đãi đầu tư, khuôn khổ pháp luật và các quy định về dự phòng rủi ro để chuẩn bị điều kiện tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao hơn.

Tài liệu hội thảo tham khảo tại đây.