TS Trần Ngọc Quế - Phó giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Chi phí lưu trữ tế bào gốc cuống rốn rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ sử dụng các mẫu được lưu trữ ở Việt Nam và thế giới đều thấp, cứ 1.000 người sử dụng dịch vụ lưu trữ cá nhân (bảo quản chỉ để dùng chữa bệnh cho chính mình) mới có 1 người sử dụng.
Để tăng tỷ lệ này, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã triển khai mô hình ngân hàng máu dây rốn cộng đồng từ năm 2015 với vốn đầu tư 100 tỷ đồng, lưu trữ các mẫu máu cuống rốn từ người hiến để ghép cho các bệnh nhân phù hợp.
Viện đã liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để vận động các thai phụ hiến máu cuống rốn khi sinh. Tiêu chuẩn thu thập mẫu là người mẹ dưới 35 tuổi, cả mẹ và con khỏe mạnh. Hiện đã có 2.400 đơn vị máu dây rốn được thu thập, xử lý và lưu trữ thành công.
Với mô hình ngân hàng cộng đồng, cơ hội được sử dụng của các mẫu máu cuống rốn tăng nhiều so với lưu trữ cá nhân. Hiệu suất này thậm chí lên đến 10-20% với các ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng trên thế giới, có sự liên kết về dữ liệu để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân ở nhiều nơi.
Các mẫu máu cuống rốn thường bị hủy sau thời gian lưu trữ 10-18 năm. Mặc dù tốn kém và tỷ lệ sử dụng thấp, nhưng việc lưu trữ nó vẫn rất cần thiết vì nhiều bệnh nguy hiểm chỉ có thể sử dụng loại tế bào này mới chữa được, chẳng hạn ung thư máu.