Khả năng ứng dụng tế bào gốc răng sữa trong điều trị các bệnh hiểm nghèo được Viện Y tế quốc gia Mỹ phát hiện qua một nghiên cứu được công bố vào năm 2003.

Theo tiết lộ của nhóm nghiên cứu trên Dailymail, có ít nhất 3 loại tế bào gốc được phát hiện trong răng sữa, bao gồm: Tế bào mỡ - ứng dụng trong điều trị cột sống và các chấn thương chỉnh hình khác, bệnh Crohn, tim mạch và phẫu thuật thẩm mỹ; sụn và nguyên bào - ứng dụng để trồng răng; tế bào gốc trung mô - dùng chữa các tổn thương tủy sống, khôi phục cảm giác và khả năng vận động cho người bị bại liệt, điều trị các rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, Alzheimer, bại não… Tế bào gốc trung mô có tiềm năng chữa bệnh cao hơn các loại tế bào gốc trưởng thành khác.

Bé Nhật Minh (8 tuổi, sống ở Hà Nội) được nhổ răng sữa tại một phòng khám nha khoa.
Ảnh: Châu Long

Việc trích xuất tế bào gốc từ răng sữa có nhiều ưu điểm như không gây đau đớn, không có nguy cơ gây phản ứng miễn dịch hoặc phản ứng đào thải khi cấy ghép. Do đó, bệnh nhân không cần điều trị ức chế miễn dịch, vốn rất tốn kém và ảnh hưởng sức khỏe. Việc sử dụng tế bào gốc từ răng sữa không vướng phải các rào cản đạo đức như tế bào gốc phôi thai.

“Có thể lấy tế bào gốc răng sữa mà không cần can thiệp xâm lấn, cũng không bất tiện như lấy máu dây rốn - phải lấy ngay trong vài phút sau sinh. Tế bào gốc từ răng có thể được thu thập trong hầu như tất cả các lần rụng răng sữa, nghĩa là bạn không cần phải vội vã đưa ra quyết định” - GS John Hunt - thuộc ĐH Liverpool, Anh - nói trên tờ Independent. Viện Y tế quốc gia Mỹ khuyến cáo, việc lấy và lưu trữ tế bào gốc phải được hoàn tất trong vòng 40 giờ kể từ khi răng rụng nhằm đảm bảo các tế bào còn sống.

Công nghệ đóng băng từ - dùng từ trường yếu để nước hoặc mô tế bào hạ nhiệt xuống còn 6-70C - giúp đảm bảo 83% khả năng sống của tế bào gốc. Còn với công nghệ bảo quản lạnh - làm mát tế bào gốc đến nhiệt độ dưới 0, sau đó bảo quản bằng hơi nitơ lỏng ở nhiệt độ dưới -1500C, tỷ lệ này là 80-90%.

Theo Dailymail, nếu cách đây 1 thập niên, tế bào gốc từ răng sữa được đóng băng ngay lập tức thì ngày nay, công nghệ đã cho phép giảm dần nhiệt độ cho đến khi đóng băng tế bào gốc ở -1960C. Một cơ sở lưu trữ tế bào gốc răng bí mật ở Oxfordshire (Anh) cho biết, với phương pháp này tế bào gốc có thể được lưu trữ tới 30 năm.

Ngân hàng lưu trữ tế bào gốc răng sữa nổi tiếng nhất hiện nay là BioEden (Texas, Mỹ) với rất nhiều phòng thí nghiệm quốc tế ở Anh (phục vụ cả châu Âu) và Thái Lan (phục vụ vùng Đông Nam Á).

Ngoài ra còn có các công ty lưu trữ tế bào gốc như Store - A - Tooth, StemSave ở Mỹ. Nhật Bản bắt đầu lưu trữ tế bào gốc răng sữa từ năm 2005, hiện có các ngân hàng Barackets tại ĐH Hiroshima và ngân hàng thuộc ĐH Nagoya. Na Uy cũng lập một ngân hàng tương tự vào năm 2008 và đã thu thập, lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa của 100.000 trẻ.