Định nghĩa mới về kilogram dựa trên hằng số Planck vừa chính thức có hiệu lực vào Ngày Đo lường Thế giới 20/5/2019.

Nguyên mẫu kilogram quốc tế trong hầm an toàn ở Paris. Ảnh: Reuters.
Nguyên mẫu kilogram quốc tế trong hầm an toàn ở Paris. Ảnh: Reuters.

Cùng với kilogram, ba đơn vị cơ bản khác cũng được định nghĩa lại theo kết quả bỏ phiếu của hơn 60 quốc gia tại Hội nghị Cân nặng và Đo lường (CGPM) tổ chức ở Versailles, Pháp vào cuối năm ngoái. Các đơn vị đo dòng điện (ampe) nhiệt độ (kelvin) và lượng vật chất (mol) được gắn với những hằng số tự nhiên tương ứng là điện tích, hằng số Boltzmann và hằng số Avogadro.

Kể từ cách đây 130 năm, giới khoa học định nghĩa kilogram là cân nặng của một khối hình trụ tiêu chuẩn làm từ bạch kim và iridium được Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM) bảo quản tại thủ đô nước Pháp. Tên gọi của khối kim loại này là Le Grand K. Nguyên nhân dẫn đến quyết định điều chỉnh là do khối kilogram tiêu chuẩn mất các nguyên tử theo thời gian và giảm khối lượng.

“Việc thay đổi định nghĩa kilogram không làm ảnh hưởng đến đời sống mọi người, do giá trị của đại lượng kilogram không thay đổi. Cụ thể, 1 kg táo trước đây vẫn là 1 kg táo sau khi thay đổi định nghĩa”, Terry Quinn, giám đốc danh dự của BIPM, cho biết.